.

Nỗ lực "trồng người" nơi biên giới

Thứ Sáu, 13/02/2015, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Lâm Thủy được chuyển đổi từ trường Tiểu học và THCS  từ tháng 1-2012 và đi vào hoạt động từ tháng 10-2012. Là mô hình trường bán trú có 2 cấp học đầu tiên của tỉnh ta, từ khi đi vào hoạt động đến nay tuy thời gian chưa nhiều, nhưng ngôi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, khẳng định tính ưu việt của mô hình trường PTDTBT đối với sự nghiệp “trồng người” nơi biên giới phía tây huyện Lệ Thủy.

Đứng chân ở bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy - vùng đất còn nhiều gian khó, với đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, nhưng với tấm lòng nhiệt huyết của đội ngũ thầy cô giáo, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy đang ngày càng tạo được niềm tin trong lòng cán bộ và nhân dân ở xã vùng cao biên giới này. Thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là năm học thứ ba trường hoạt động theo mô hình trường PTDTBT, với tổng số học sinh 284 em (gồm cấp tiểu học 15 lớp với 186 học sinh; cấp THCS 5 lớp với 87 học sinh), phân bố ở 4 khu vực (khu vực trung tâm có 12 lớp và 6 lớp ở khu vục lẻ). Lớp học xa nhất của trường là ở bản Eo Bù Chút Mút.

Những năm qua cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã thực hiện tốt công tác tổ chức và hoạt động giáo dục toàn diện theo mô hình trường PTDTBT tiểu học và THCS. Trong đó, công tác tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 đạt 100%; huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường; đồng thời có nhiều giải pháp tích cực để duy trì số lượng, với tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 97% trở lên. Là một trường miền núi, địa bàn rộng, đời sống của bà con dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, nên có nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến chuyện học hành của con cái, vì thế nguy cơ bỏ học của các em luôn ở mức cao. Nhưng với lòng yêu nghề, tận tâm với công việc, các thầy cô giáo đã không quản ngại đường sá khó khăn, lội suối băng rừng tới tận từng bản làng để tuyên truyền, vận động những học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Trong học kỳ I vừa qua đã vận động được 2 em bỏ học trở lại lớp, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Duy trì ổn định mô hình trường PTDTBT với số lượng học sinh bán trú tăng từ 51,5% năm học 2013-2014 lên 60,6% vào năm học 2014-2015.

Chăm sóc khu di tích lịch sử Km33 là một trong những hoạt động ngoại khóa thường xuyên của thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy.
Chăm sóc khu di tích lịch sử Km33 là một trong những hoạt động ngoại khóa thường xuyên của thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy.

Bên cạnh việc giữ ổn định số lượng học sinh, nhà trường cũng đã có nhiều giải pháp tích cực để duy trì củng cố kết quả phổ cập trên địa bàn, từng bước ổn định và tiến tới thực chất hơn. Tính đến tháng 12-2014, kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi trên địa bàn xã Lâm Thủy đạt tỷ lệ 96,5% và phổ cập THCS đạt 87,6%, đạt phổ cập mức 2 theo quy định. Chất lượng dạy học của trường luôn được đánh giá cao trong khu vực.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ khá tích cực, với việc chú trọng giáo dục toàn diện, tập trung nâng cao chất lượng mũi nhọn, thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, chất lượng bậc tiểu học qua kiểm tra cuối học kỳ I và đánh giá thường xuyên của giáo viên, có 94,3% học sinh đạt về năng lực và 100% học sinh đạt về phẩm chất; bậc THCS trung bình trở lên đạt 75,4%, trong đó có 29,9% khá giỏi, đạt mức tốt của vùng theo quy định. Đặc biệt, trường đã giành giải nhất đồng đội tại hội thi học sinh tiểu học dân tộc Bru-Vân Kiều huyện Lệ Thủy lần thứ nhất. Đối với bậc THCS đã đạt HCĐ môn chạy 1.500m, tại hội thi Điền kinh cấp tỉnh năm 2014; 1 giải nhất, 3 giải nhì bơi lội cấp huyện; đạt giải ba đồng đội trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện... “Và điều đáng ghi nhận là ý thức học tập của học sinh đã có nhiều tiến bộ hơn trước, các em đã tích cực, tự giác làm bài và bước đầu xây dựng thói quen học bài ở nhà”- thầy Quân chia sẻ.

Là ngôi nhà thứ hai của các em học sinh, nên các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường bán trú luôn được đội ngũ thầy cô giáo đặc biệt quan tâm, tổ chức tốt việc ăn ở tập trung, sinh hoạt nội trú cho học sinh dân tộc Bru-Vân Kiều. Các thầy cô giáo luôn theo sát để giáo dục, uốn nắn, tạo thói quen, kỹ năng sống tập thể cho các em. Tăng cường sự gắn bó, đoàn kết, giáo dục truyền thống cho các em học sinh thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt ngoại khóa. Nhà trường còn tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao, văn hóa-văn nghệ sôi nổi, lành mạnh có tính giáo dục cao cho học sinh bán trú nói riêng và học sinh toàn trường nói chung, tạo được không khí “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Đặc biệt, năm học 2014 – 2015, nhà trường đã tổ chức cho học sinh lao động trồng rau màu và chăn nuôi lợn để cải thiện bữa ăn tập thể. Đến thời điểm này đã thu được 200kg thịt lợn và các vườn rau cải, giàn bầu bí các em chăm sóc đang lên xanh ngát, đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh cho bếp ăn của nhà trường... Mặc dù khu nội trú của trường khá đông, nhiều em còn nhỏ chưa quen sống tập thể, nhưng tại đây các em đã được thầy cô giáo quan tâm, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, nên sức khỏe của học sinh ngày càng cải thiện tốt, học tập tiến bộ.

Để đạt được những kết quả đó, những năm qua bên cạnh việc chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, thì vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã được nhà trường quan tâm đúng mức. Trường hiện có 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 8 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 9 giáo viên dạy giỏi cấp trường, một giáo viên đạt giải nhất hội thi Thiết kế bài soạn tích hợp kiến thức liên môn... Tập thể sư phạm nhà trường luôn đồng sức đồng lòng thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của ngành, nhờ đó đã nâng cao nhận thức và đưa phong trào “Dạy thật, học thật, chất lượng thật” ngày càng hiệu quả. Ngôi trường đã tạo được niềm tin của phụ huynh, học sinh vùng đồng bào dân tộc, góp phần không nhỏ ổn định an ninh biên giới tỉnh nhà.

Với sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò nhà trường, từ năm 2008 đến nay, trường  liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến; chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Năm học 2013-2014 vừa qua, trường vinh dự được nhận cờ thi đua đơn vị dẫn đầu vùng khó do UBND tỉnh trao tặng.

Dù vẫn còn bộn bề gian khó, nhưng những kết quả bước đầu đã mang lại niềm tin và sự khích lệ tinh thần to lớn cho thầy cô giáo và học sinh nơi đây. Xuân mới đang về, tin tưởng rằng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm của cán bộ, giáo viên và các em học sinh, mùa xuân sẽ luôn đồng hành cùng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy.

Nội Hà