.
Trọn nét chữ... vẹn nết người

Kỳ II: Những người thầy thầm lặng

Thứ Ba, 18/11/2014, 10:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Họ được xem là những thầy cô hoặc hơn thế nữa vì trực tiếp dạy học trò tật nguyền. Nhưng hơn 10 năm nay Nhà nước giải quyết chế độ cho họ chưa bao giờ vượt quá 400 nghìn đồng/tháng. Số tiền không đủ xăng xe đi về chứ nói gì đến giúp đỡ gia đình. Những nhân viên-người thầy tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật (TKT), trẻ nạn nhân chất độc da cam (TNNCĐDC) Quảng Ninh vẫn miệt mài thực hiện thiên chức của mình trong lặng thầm để góp một chút công sức giúp TKT,  TNNCĐDC bớt đi thiệt thòi, bất hạnh.

>> Trọn nét chữ... vẹn nết người

Năm 2002, Trung tâm phục hồi chức năng TKT xã Hiền Ninh thành lập như một mô hình xã hội hóa kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ TKT, TNNCĐDC. Theo thời gian, quy mô trung tâm phát triển dần lên nhờ cái tâm của Giám đốc Lê Quyết Chiến cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên - những người thực đúng với câu “vác tù và hàng tổng”. Hiện tại, trung tâm được đổi tên thành Trung tâm phục hồi chức năng TKT, TNNCĐDC huyện Quảng Ninh với nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho 100 trẻ em khuyết tật, NNCĐDC tại các xã vùng nam huyện thuộc dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ.

“Toàn trung tâm có 6 cán bộ, trong đó gồm 1 giám đốc, 2 kỹ thuật viên, 1 hộ lý cấp dưỡng, 1 bảo vệ và 16 cộng tác viên làm công tác phục hồi chức năng tại cơ sở” - Giám đốc Lê Quyết Chiến chia sẻ - “Gọi cho oai vậy thôi chứ chúng tôi lương ba cọc, ba đồng. Đến với trẻ chỉ bằng cái tình yêu thương và trách nhiệm. Chúng tôi không được gọi là thầy cô, nhưng việc làm như cô thầy, thậm chí còn nặng nề hơn. Ấm lòng nhất khi những đứa trẻ qua quá trình học tập, rèn luyện tại trung tâm đã đi lại, vận động gần như bình thường. Khi tạm biệt trung tâm về với gia đình, bố mẹ các em bắt tay mình, một cảm ơn thầy, hai cảm ơn thầy. Hạnh phúc nào bằng!”.

Tổ chức VietNam Outreach Australia trao xe lăn cho các cháu tàn tật tại Trung tâm phục hồi chức năng TKT, TNNCĐDC Quảng Ninh
Tổ chức VietNam Outreach Australia trao xe lăn cho các cháu tàn tật tại Trung tâm phục hồi chức năng TKT, TNNCĐDC Quảng Ninh

100 TKT, NNCĐDC ở các xã vùng nam Quảng Ninh có 50 cháu bị bại não, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, khiếm khuyết hệ vận động... khả năng phục hồi được sẽ đưa vào trung tâm tập luyện với thời gian 5 ngày trong một tuần từ thứ tư đến chủ nhật. 50 trẻ thuộc hệ đa tật nặng không có khả năng đến trung tâm, ngày ngày 16 cộng tác viên cùng phụ huynh trực tiếp chăm sóc, luyện tập ở gia đình. Năm 2014, có 2.400 lượt trẻ đến luyện tập, phục hồi chức năng tại trung tâm, tỷ lệ trẻ phục hồi khoảng 15%. Trẻ khuyết tật tham gia phục hồi được ba mẹ đưa đón đi về, chi phí ăn uống cho người thân của trẻ cũng nhờ trung tâm gánh vác. Chế độ ăn 12.000 đồng/ngày với bữa trưa 10.000 đồng (bao gồm trẻ và người thân), 2.000 đồng cho bữa ăn nhẹ buổi chiều. Bài toán cải thiện dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ trong định mức quá thấp như thế đều giao cả một tay chị Trương Thị Loan gánh vác.

Cùng với Giám đốc Lê Quyết Chiến, chị Loan có mặt ở trung tâm những ngày đầu mới thành lập. Một ngày bình thường của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng, quét dọn, vệ sinh trung tâm chuẩn bị đón trẻ. 7 giờ 30 phút đi chợ. Đi chợ về, bắt tay vào nấu bữa cơm trưa cho khoảng 100 người ăn. 11 giờ, bữa cơm trưa hoàn tất, chị Loan tiến hành dọn dẹp. Buổi chiều 14 giờ, tiếp tục lo bữa ăn phụ. Ngày kết thúc đúng 17 giờ, sau thời gian này, chị Loan mới lo đến chuyện chồng con, gia đình. “Trước đây, trẻ chỉ được hỗ trợ 5.000 đồng/ bữa cơm trưa thôi, bây giờ tăng lên 10.000 đồng, nhưng có hai người ăn. Làm sao các cháu ăn no, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm... là bài toán quá khó khi tài chính rất eo hẹp. May mà chợ quê nên giá cả phải chăng, mình khéo “giật gấu vá vai” nên bữa ăn hàng ngày không đến nỗi nào” -  chị Trương Thị Loan chia sẻ giản dị- “Mong ước nhất là trẻ được hỗ trợ thêm phần kinh phí”.

Hơn 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, NNCĐDC... những cảnh đời bất hạnh nhất trong những số phận bất hạnh, không phải là thầy cô giáo nhưng trách nhiệm, thiên chức nặng nề hơn người thầy. Chị Loan bảo hạnh phúc cứ trào dâng khi những đứa trẻ tự tay mình chăm sóc, nuôi nấng từ chổ bại liệt, thiểu năng dần dần tỉnh táo ra, tự bước đi được trên đôi chân của mình. Còn chạnh lòng... có chứ! Không riêng chi chị mà với tất cả anh chị em trong trung tâm, chế độ phụ cấp quá thấp, chưa đủ xăng xe cho hai lần đi về chứ nói chi đến lo lắng cho gia đình, con cái. 10 năm trước, chị Loan được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, 10 năm sau cũng vẫn vậy. UBND huyện Quảng Ninh cách đây hai năm, cảm thông với hoàn cảnh các chị đã trích ngân sách giúp thêm 150.000 đồng/tháng. “Tổng thu nhập” từ công tác chăm sóc TKT, TNNCĐDC ở trung tâm chưa bao giờ vượt quá 400.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Lợi, nguyên y sỹ của Trạm y tế xã Hiền Ninh, khi đến tuổi hưu, chị Lợi chuyển sang làm kỹ thuật viên phục hồi chức năng tại trung tâm. Công việc của chị cần mẫn, thầm lặng, nhẫn nại, tỷ mỉ, dạy TKT, TNNCĐDC theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Dưới sự chăm sóc, tận tình, chu đáo của chị Lợi và các cô, chú nhiều đứa trẻ tật nguyền đã hòa nhập tốt với cộng đồng. Chị Lợi nhớ đến tên từng đứa trẻ: Nguyễn Văn Nam ở xã Gia Ninh; Trương Văn Phố, xã An Ninh; Nguyễn Văn Hoài ở thôn Long Đại... bại liệt, thiểu năng, nay đi lại được. Chị Lợi tâm sự: “Chế độ chị nhận cũng không khá hơn mấy so với Loan mô, hơn được 100.000 đồng. Nhưng may chị có lương hưu trí, mỗi tháng trên 2 triệu đồng, nhờ thế nên không vướng vào vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền, dành trọn thời gian, công sức cho trẻ khuyết tật, những cảnh đời bất hạnh trong trung tâm”.

“Sự ghi nhận của các cấp chính quyền, gia đình trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam đối với trung tâm chính là động lực giúp chúng tôi vững vàng hơn trước sự lựa chọn và cống hiến nhiều hơn cho đối tượng xã hội. Sau này đồng hành với trung tâm còn có các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Tất cả cùng hướng đến mục đích làm vơi đi những bất hạnh những số phận, cảnh đời kém may mắn” - Giám đốc Lê Quyết Chiến chân tình cùng chúng tôi lúc chia tay.

Ngô Thanh Long