.

Trọn nét chữ... vẹn nết người

Thứ Hai, 17/11/2014, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Lặng lẽ trong một môi trường giáo dục đặc thù, rèn cho trẻ từng nét chữ tròn vạnh, ước mơ trẻ biết đọc, biết viết, mong cho trẻ vẹn nết người là hạnh phúc của những cô thầy ngày đêm gắn bó với những học sinh tật nguyền tại các Trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng trẻ khuyết tật trong tỉnh Quảng Bình. Những dòng chữ tôi viết... là lời tri ân về họ, khi Ngày Nhà giáo Việt Nam đang gần kề.

Kỳ I: Cần một tấm lòng

Chúng tôi đến thăm rất nhiều lần và hiện tại vẫn đang đồng hành với tập thể thầy cô cùng học sinh khuyết tật tại các Trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng trẻ khuyết tật (TKT): Quảng Trạch, thành phố Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Trong một môi trường giáo dục đặc thù, trách nhiệm với nghề nghiệp vẫn chưa đủ, thầy cô giáo cao cả nhất là cần có một tấm lòng.

Nằm tại thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Trung tâm giáo dục TKT Quảng Trạch được thành lập ngày 22-8-2001. Sau 13 năm, từ một mô hình giáo dục buổi đầu chông chênh khi đưa vào thử nghiệm, hiện tại trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy chăm sóc, giáo dục, phục hồi, dạy nghề cho TKT, nạn nhân chất độc da cam ở hai địa phương Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.

Năm học 2014-2015, trung tâm có 12 lớp học với 92 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 46 người trình độ đạt chuẩn, trong đó có 1 thạc sỹ, 20 cử nhân đại học, 5 cao đẳng và 20 người trình độ trung cấp.

Cô giáo Nguyễn Thị Tố Lan, Giám đốc Trung tâm cho chúng tôi biết: “Ngay từ khi mới thành lập, tập thể thầy cô trong trung tâm xác định cố gắng thực hiện thành công các chức năng, nhiệm vụ như: dạy văn hóa chương trình tiểu học cho trẻ; chăm sóc trẻ khuyết tật; định hướng nghề nghiệp cho trẻ sau khi hoàn thành chương trình tiểu học; tư vấn công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật vào các trường phổ thông... Mọi việc làm thể hiện trên văn bản giấy tờ đơn giản thế, nhưng trong thực tế lại hết sức gian nan vì học sinh hoàn toàn không bình thường. Ở cấp tiểu học, dạy trẻ bình thường đã khó, trong môi trường giáo dục đặc thù của trung tâm, thầy cô giáo ngoài trình độ chuyên môn vững, yêu nghề, năng nỗ, nhiệt tình... thì cần phải có một trái tim nhân hậu, sự cảm thông. Thế giới học sinh trong trung tâm cực kỳ đa chiều, nhiều sắc thái của khiếm khuyết, thiệt thòi, bất hạnh: thế giới trẻ câm điếc; thế giới trẻ khiếm thị; trẻ bị thiểu năng trí tuệ, bị bệnh đao, tự kỷ; trẻ khiếm khuyết hệ vận động... Mỗi nhóm trẻ khiếm khuyết, thầy cô phải có phương pháp dạy học, phục hồi chuyên biệt”.

Lớp học Hy Vọng của các bé mắc hội chứng đao, thiểu năng trí tuệ.
Lớp học Hy Vọng của các bé mắc hội chứng đao, thiểu năng trí tuệ.

Học sinh theo học ở trung tâm theo chế độ nội trú, TKT được chăm sóc về y tế, phục hồi chức năng, tạo kỹ năng sống. Chế độ dinh dưỡng được trung tâm cố gắng cải thiện hàng ngày cho trẻ trong định mức hết sức eo hẹp 17.000 đồng/ngày. Cứ đầu tuần phụ huynh chở con đến trung tâm giao cho thầy cô giáo, cuối tuần đến đón con về. Trách nhiệm nặng nề đặt  trên vai người thầy. Gần gũi, canh từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ là công việc thầm lặng của cô giáo Trần Thị Hải Yến, tổ trưởng tổ quản sinh. Gắn bó với TKT, cô giáo Yến hiểu tâm tính từng đứa con khiếm khuyết của mình. Cô canh giấc ngủ cho trẻ đêm đêm, một đứa con đau lại khiến cô băn khoăn,  bất an, chạnh lòng.

Có những lớp học mang từng cái tên rất nhân văn: Hy Vọng, Ban Mai... như tấm lòng thầy cô mong muốn TKT sau này có một tương lai may mắn hơn, hạnh phúc hơn. Chủ nhiệm, trực tiếp dạy cho trẻ trong lớp học đặc thù này là các cô giáo còn rất trẻ. Lớp Ban Mai 2 có 13 trẻ bị bệnh đao, thiểu năng trí tuệ... cô giáo Nguyễn Thị Tâm không có một phút rảnh tay. Cô giáo quay lên bảng viết bài, trẻ phía dưới hiếu động trêu đùa nhau. Cô cầm tay hướng dẫn viết từng con chữ, đánh vần thuộc bài rồi, lát sau cô giáo kiểm tra lại, trẻ quên mất, nhìn cô giáo cười lơ ngơ.

Tâm bảo rằng: “Bốn năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật, chỉ có tình yêu thương mới giúp em đủ bản lĩnh rèn chữ “nhẫn”. Dạy dỗ trẻ khuyết tật, nhất là các em bị thiểu năng, khiếm khuyết về thần kinh cần quá trình kiên trì, lâu dài”. Cô giáo Tâm tranh thủ trò chuyện với tôi, trong lớp những đứa trẻ nghịch ngợm, dưới sự “điều hành” của Nguyễn Hoàng Vũ, 8 tuổi, bị hội chứng đao tổ chức làm trò rồi reo hò, cười ầm lên.

Kế bên lớp Ban Mai 2 là lớp Hy Vọng 2 do cô giáo Trần Thị Cẩm phụ trách. Đang ngồi học chăm chỉ thế, một cậu bé chờ sơ hở của cô giáo chạy vụt ra khỏi phòng chơi trò trốn tìm một mình. Cẩm cho tôi biết tên cậu trò là Hồ Mạnh Hùng, sinh năm 2004, bị mắc chứng tự kỷ nặng. Sau một hồi tự chơi trò trốn tìm, Hùng trở về lớp tiếp tục ngoan ngoãn học bài như chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra.

Tôi nghe kể về chứng bệnh tự kỷ ở trẻ rất nhiều, lần này trở lại Trung tâm giáo dục TKT Quảng Trạch mới có thời gian tìm hiểu sâu hơn về thế giới riêng biệt ở trẻ tự kỷ. Lớp tự kỷ được 4 học sinh, Hồ Mạnh Hùng “bị lạc” qua lớp Hy Vọng 2 của cô giáo Cẩm nên còn lại 3. Trong góc lớp, một cô bé nằm ngủ ngon lành, nên lớp chỉ có 3 cô trò. Tôi cảm nhận giữa cô và trẻ đang diễn ra một trò chơi lặng lẽ. Cô giáo trao cho học sinh những vòng tròn nho nhỏ, xinh xinh giúp chúng phân biệt các màu sắc. Cô giáo diễn tả từng động tác thật chậm rãi về thói quen hàng ngày... thật chậm cho học sinh thấy rồi bắt chước làm theo.

Cô Giáo Tính đang giúp bé Khánh Linh mắc bệnh tự kỷ nhận diện các màu sắc.
Cô Giáo Tính đang giúp bé Khánh Linh mắc bệnh tự kỷ nhận diện các màu sắc.

Cô giáo Đinh Minh Tính bảo tôi rằng các trẻ tự kỷ ở đây bệnh lý rất nặng. Dạy trẻ tự kỷ không theo số đông, không giáo trình, không phương pháp... mà phải hướng dẫn cặn kẽ, chậm rãi cho từng em một. Mong muốn làm sao để các em kiểm soát năng lực hành vi của mình, tự chăm sóc mình. Hai học sinh của cô Tính là Nguyễn Thái Học, nói được nhưng không tự chủ và bé gái Trần Khánh Linh, khiếm khuyết giọng nói, không phân biệt về màu sắc. Sự kiên nhẫn của con người chắc chắn có giới hạn, nhưng xem ra với cô giáo Tính và những đứa trẻ tự kỷ, kiên nhẫn đã trở thành một môi trường giáo dục chuyên biệt. Thời gian trôi qua thật chậm, Học và Linh cứ nhìn hoài, sâu trong mắt cô giáo Tính, ở đó tôi cũng thấy ấm áp, bao dung, độ lượng.

Hơn 13 năm tuổi, rất nhiều phần thưởng cao quý được các cấp ngành trao cho Trung tâm giáo dục TKT Quảng Trạch. Nhưng hạnh phúc lớn nhất đối với thầy cô- như Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Tố Lan chia sẻ - là học trò của mình chiến thắng tật nguyền, đọc thông viết thạo, tự chăm sóc bản thân và tái hòa nhập với cộng đồng, tiếp tục học tập lên trình độ cao hơn.

Ngô Thanh Long

Kỳ II: Những người thầy thầm lặng