.

Những chuyện cảm động ở một mái trường

Thứ Tư, 12/11/2014, 15:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Để viết tiếp ước mơ đến trường cho học sinh, từ năm học 2013- 2014, thầy cô Trường TH và THCS Lâm Hóa (Tuyên Hóa) đã dùng xe máy đưa, đón 15 học sinh bản Kè đến lớp, lập hũ gạo tình thương để gây quỹ mua sách vở, quần áo, ăn nghỉ buổi trưa và sửa xe đạp cho các em... Tấm lòng của những giáo viên nơi đây đã được học sinh tri ân lại bằng việc đi học đầy đủ, học hành tiến bộ hơn.

Thầy cô chở học sinh đi học

Buổi sáng trời miền núi Tuyên Hóa sương lạnh bao phủ, thầy Nguyễn Thanh Lương, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Lâm Hóa cùng thầy cô trong trường đi đón học sinh. Từ điểm trường trung tâm đến bản Kè trên 4km nhưng bị ngăn cách bởi một con nước lớn thuộc thượng nguồn sông Gianh rộng khoảng 30 mét, nước sâu. Dưới sông, người lái đò đang chèo đò đưa 15 học sinh sang. Bờ bên này, thầy cô giáo đã đứng chờ sẵn và hướng về phía học sinh. Khoảng 10 phút sau, chuyến đò đã đưa 15 học sinh chạm bờ, các em cùng thầy cô ngồi lên xe về lớp học.

Việc đưa đón học sinh đến lớp đều do các thầy cô tự nguyện, họ thay phiên nhau chở học sinh bằng tất cả tình yêu thương. Em Hồ Thị Thắng, một học sinh trong bản bộc bạch: “Trước đây, chúng em tự đi học vất vả lắm, nhiều bữa mưa gió là phải nghỉ học. Nhưng từ khi được các thầy cô đưa đón, động viên nên em không bỏ học nữa. Em cố gắng học thật giỏi để sau này làm giáo viên”.

Học sinh bản Kè phải qua đò đến lớp.
Học sinh bản Kè phải qua đò đến lớp.

Hũ gạo tình thương

Hiện nay nhà bán trú cho học sinh chưa hoàn thành nhưng giáo viên quyên góp mỗi tháng 15 nghìn đồng, vài lon gạo để nấu cơm cho các em ăn buổi trưa, vì buổi chiều học sinh cấp 2 phải ở lại học. Hơn 11 giờ trưa, các em học sinh bản Kè chia thành 3 nhóm về phòng các giáo viên nấu ăn. Em thì nhặt rau, em nấu cơm, em đun nước pha mì tôm... Khoảng 30 phút sau, bữa cơm đạm bạc của thầy và trò hoàn tất gồm có cơm, rau rừng luộc, cá kho và một nồi mì tôm.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Kiều cho biết: “Các em ở đây nghèo, được bữa ăn như thế là mừng lắm rồi, miễn sao no cái bụng trước đã”. Căn phòng nhỏ chật chội của cô Kiều vui vẻ, ấm cúng hẳn lên. Em Cao Văn Nồng, một học sinh nói rằng: “Nhà cháu nghèo lắm, bố mẹ suốt ngày làm nương, làm rẫy, cái bụng nhiều khi chưa no thì làm sao lo học được cái chữ. Nhưng từ khi có hũ gạo tình thương của thầy cô đã giúp chúng em phần nào yên tâm học hành, không lo đói và đi lại nhiều nữa”. Tình thầy trò đã giúp thầy cô và các em vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trong cuộc sống.

Sửa xe đạp cho học sinh

Ngoài việc đưa đón, lo cơm nước cho học sinh bản Kè thì thầy cô giáo còn góp tiền sửa xe đạp cho học sinh bản Cáo và bản Chuối. Các em 2 bản này cách trường 4 - 5 km nên gia đình phải sắm xe đạp. Tuy nhiên, đường đi lại khó khăn, xe đạp hỏng thường xuyên nên học sinh thường bỏ học vì không có tiền sửa xe. Hiểu được khó khăn đó, nhà trường đã liên hệ với các quán sửa xe trên địa bàn sửa cho học sinh. Khi sửa xong, học sinh mang hóa đơn về đưa cho trường, hàng tháng nhà trường sẽ cử đại diện đến quán trả tiền.

Một góc bản Kè
Một góc bản Kè

Em Cao Văn Đàn, học sinh lớp 8, ở bản Chuối thỏ thẻ: “Đường lên bản cháu vất vả lắm, xe đạp toàn bị hỏng thôi. Có nhiều lần bị hỏng giữa đường nhưng không có tiền sửa nên dắt bộ về nhà rồi bỏ học. Nhưng từ năm học trước, xe hỏng là cháu dắt vào thợ sửa rồi lấy hóa đơn đưa về cho nhà trường”. Đàn là học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, em ở với với ông bà nên cuộc sống rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sự hỗ trợ của các thầy cô trong việc ăn uống, đi lại đã tiếp thêm sức mạnh để em đến trường. Cũng từ khi được nhà trường sửa xe, Đàn đi học đều đặn hơn, việc học hành của em cũng trở nên tiến bộ.

Trường TH và THCS Lâm Hóa có 188 học sinh, trong đó có 107 học sinh người dân tộc thiểu số. Năm học 2012- 2013 trường có 6 học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm 25,6% thì năm học 2013 - 2014 đã duy trì được sỹ số 100%, tỷ lệ học sinh khá giỏi đã tăng lên 31,3%. Để có được thành công đó, các thầy cô giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn hỗ trợ mua quần áo, sách vở, đặc biệt là đưa đón học sinh, lập hũ gạo tình thường cho học sinh ăn trưa và cả sửa xe đạp cho các em...  

Xuân Vương