.

TP Đồng Hới: Những rào cản trong thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Thứ Hai, 06/10/2014, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm học này, tin vui đã đến với bậc học mầm non tỉnh ta khi Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã về đích trước lộ trình một năm. Và đơn vị dẫn đầu trong số những huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh về đích sớm là Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Đồng Hới khi đề án đã hoàn thành vào năm 2012.

Xuất sắc cán đích trước lộ trình, nhưng Đồng Hới cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức mà nếu không khắc phục được những khó khăn, thách thức ấy, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, dù đã chạm đích, cũng sẽ đối mặt với những rào cản lớn trên chặng đường tiếp theo...

Trường mầm non Hải Thành đang được đầu tư xây dựng thêm phòng học, đáp ứng nhu cầu của trẻ trên địa bàn.
Trường mầm non Hải Thành đang được đầu tư xây dựng thêm phòng học, đáp ứng nhu cầu của trẻ trên địa bàn.

Thực trạng và nguyên nhân

Thành phố Đồng Hới hiện có 16 xã, phường. Số trường mầm non hiện có trên địa bàn là 20 trường, gồm 16 trường công lập, 3 trường tư thục và Trường mẫu giáo SOS thuộc Làng trẻ em SOS.

Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi hệ thống trường bán công sang trường công lập, giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố đã có nhiều khởi sắc mới. Cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, đời sống cán bộ giáo viên ổn định đã góp phần quan trọng để bậc học này ngày càng đạt chất lượng cao. Chính vì thế, thành phố Đồng Hới đã xuất sắc về đích trước 2 năm so với toàn tỉnh và 3 năm so với kế hoạch của tỉnh.

Tuy nhiên bên cạnh những cái được nổi trội ấy, giáo dục mầm non thành phố Đồng Hới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề trường lớp, cơ sở vật chất của một số trường trọng điểm trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của các cháu nên dẫn đến tình trạng quá tải.

Những năm học gần đây, đặc biệt là hai năm 2013-2014 và 2014-2015, tình trạng quá tải ở một số trường trung tâm thành phố đã trở nên đáng báo động. Nếu những năm học trước, tình trạng trẻ học trái tuyến khó khăn trong việc xin vào học ở các trường trung tâm, thì hai năm học gần đây, kể cả trẻ học đúng tuyến, nếu nộp hồ sơ muộn cũng hết chỗ, đành chấp nhận học tư thục hoặc các nhóm trẻ gia đình. Rất nhiều bậc phụ huynh rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi đầu năm học không thể kiếm ra trường học cho con.

Chị Nguyễn Thị Hương, phường Hải Thành, do chủ quan nên đến tận tháng 8 - 2014 mới đi nộp hồ sơ cho con mình nhập học. Sau khi hồ sơ của con bị từ chối vì Trường mầm non Hải Thành đã quá tải, chị mang hồ sơ sang Trường mầm non Kitty là trường tư thục đóng trên địa bàn phường Đồng Phú. Điều khiến chị bất ngờ là ngôi trường này cũng đã kín chỗ dù học phí cao và những năm học trước đây vẫn còn tình trạng thiếu học sinh.

Không nản chí, chị mang hồ sơ chạy hết các trường lân cận, nhưng rốt cuộc đều nhận được những cái lắc đầu. Thế là con chị đành phải ở nhà một thời gian để đợi Trường mầm non Hải Thành hoàn thiện 4 phòng học mới. "Đến lúc đó nếu vẫn không đủ chỗ cho trẻ, tôi sẽ cho cháu theo học ở nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên lựa chọn số một của tôi và nhiều phụ huynh khác vẫn là các trường mầm non công lập!", chị Hương tâm sự.

Tình trạng của chị Hương cũng là tình trạng chung của nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở các phường trọng điểm như Hải Đình, Đồng Mỹ, Nam Lý, Bắc Lý, Hải Thành... Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn phường Nam Lý hiện có khoảng trên 1.000 cháu trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Tuy nhiên hiện tại quy mô trường lớp chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% so với yêu cầu.

Vì thế, xảy ra tình trạng quá tải là điều đương nhiên. Tương tự, Trường mầm non Bắc Lý cũng đã và đang rơi vào tình trạng nói trên, tạo áp lực không nhỏ cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường khi số trẻ luôn vượt so với quy định của ngành GD-ĐT bởi công tác nuôi dạy và chăm sóc trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Lý giải về sự gia tăng số trẻ và quá tải trong các trường mầm non trên địa bàn, bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: Lý do đầu tiên có thể kể đến là việc chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập. Sau khi chuyển đổi, cơ sở vật chất trang thiết bị được quan tâm đầu tư đã góp phần tạo diện mạo khang trang cho các trường. Bên cạnh đó, việc giảm học phí cũng có những tác động tích cực đến các bậc phụ huynh. Thế là rất nhiều phụ huynh trước đây cho con học tại nhóm trẻ gia đình hoặc các trường tư thục, giờ đổ sang trường công lập.

Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng dân số thời gian gần đây cũng góp phần tạo áp lực lên các trường mầm non. Gia tăng dân số có hai nguyên nhân, một là số trẻ được sinh ra, hai là quá trình di dân, đặc biệt là ở những phường trung tâm như Hải Đình, Đồng Mỹ, Nam Lý, Bắc Lý. Dân số tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng không được đầu tư tương ứng dẫn đến việc quá tải ở các trường mầm non trên địa bàn là điều tất yếu.

Những tác động

Đánh giá về những tác động của tình trạng trên đối với giáo dục mầm non nói chung và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi nói riêng, bà Trần Thị Sáu cho biết: Hiện tại, giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi đã và đang được ưu tiên hàng đầu. Tất cả các trường mầm non đều dồn sức để thực hiện đề án, vì thế, chất lượng nuôi dạy trẻ lứa tuổi này rất khả quan.

Việc thành phố Đồng Hới về đích rất sớm so với lộ trình là tín hiệu tích cực, đồng thời là sự ghi nhận xứng đáng những nỗ lực của ngành GD-ĐT thành phố nói chung và quá trình triển khai đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi nói riêng.

Tuy nhiên vẫn phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế khách quan là trong khi dồn sức cho các lớp trẻ 5 tuổi, việc đầu tư cho các lứa tuổi còn lại cũng gặp những hạn chế nhất định. Mà cụ thể nhất vẫn là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị học tập cho các cháu. Thiếu phòng học nên rất nhiều trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 3-4 tuổi phải theo học tại các nhóm trẻ gia đình và trường mầm non tư thục.

Trong số những trường mầm non tư thục hiện có, vẫn có những trường còn gặp nhiều hạn chế cả về cơ sở vật chất trang thiết bị và trình độ giáo viên. Còn đối với các nhóm trẻ gia đình, chất lượng vẫn luôn là vấn đề đáng bàn. Từ việc nhiều trẻ theo học tại trường tư thục và nhóm trẻ gia đình chất lượng thấp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu vào của đề án.

Vì thế, việc duy trì và triển khai đề án những năm tiếp theo cũng sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề chất lượng. Nên dù đã hoàn thành đề án rồi, thì GD-ĐT thành phố nói chung và bậc học mầm non trên địa bàn nói riêng, vẫn không được phép thỏa mãn với những thành tích đã đạt được, mà phải luôn luôn nỗ lực tìm hướng đi, khắc phục những khó khăn trước mắt và cả lâu dài...

Đâu là lối ra?

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp là giải pháp hàng đầu để khắc phục tình trạng quá tải ở bậc học mầm non trên địa bàn thành phố hiện nay. Năm học vừa qua, thành phố Đồng Hới đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây mới 15 phòng học, 7 phòng chức năng. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế, con số này cần phải lớn hơn nhiều, song ở thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay, sự đầu tư trên đã là một nỗ lực rất lớn của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố Đồng Hới đã và đang chỉ đạo các ban ngành chức năng quy hoạch địa điểm để xây dựng Trường mầm non Nam Lý bảo đảm quy mô và xóa được tình trạng ba điểm trường như hiện nay. Phối hợp đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục của hệ thống trường mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình, bảo đảm chất lượng nuôi dạy trẻ ngang bằng các trường mầm non công lập cũng là giải pháp quan trọng để vừa giải quyết tình trạng quá tải cho các trường và tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

"Mọi giải pháp đều cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, góp phần bảo đảm cho các cháu một môi trường học tập tốt và giáo dục thành phố ngày càng phát triển, đáp ứng yêu  yêu cầu trong giai đoạn mới", bà Trần Thị Sáu chia sẻ.

Ngọc Mai