.

Có một mái trường như thế

Thứ Sáu, 03/10/2014, 13:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã tròn năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ nhưng với quê hương Lệ Thủy, hình ảnh vị “Đại tướng của nhân dân” vẫn mãi mãi khắc sâu. Người dân xứ Lệ càng tự hào hơn khi trên mảnh đất neo mình bên dòng Kiến Giang này đã từng có một ngôi trường mang tên Đại tướng: Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp.

Thế hệ thầy và trò ngôi trường năm xưa nay đã đi qua quá nửa đời người nhưng với họ, những năm tháng được học dưới mái trường này sẽ luôn là mảng ký ức đẹp đẽ, thiêng liêng và quá đỗi tự hào.

Cuộc hội ngộ sau 50 năm thành lập trường
Cuộc hội ngộ sau 50 năm thành lập trường

Mái trường mang tên Đại tướng

Chúng tôi tìm đến nhà cựu giáo chức Trần Đình Thịnh (Xuân Bồ, Xuân Thủy, Lệ Thủy) vào một ngày thu đầy nắng. Ông đã từng là hiệu trưởng của một ngôi trường khá đặc biệt: Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp. Theo dòng ký ức, ông kể cho chúng tôi nghe về những năm 60 của thế kỷ trước, khi ngôi trường mang tên vị Đại tướng của quê hương ra đời. Với người thầy giáo đã sắp sửa chạm ngưỡng 80, ký ức về những năm tháng ấy vẫn luôn tươi mới như ngày hôm qua.

Vào những năm 60, cả đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Vào thời điểm này, ở miền Bắc XHCN có gần 90% lao động nông nghiệp, câu hỏi đặt ra là làm sao để lực lượng lao động này biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa năng suất lên cao? Ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã chỉ rõ cho ngành giáo dục phải thực hiện triệt để phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tế”, “nhà trường gắn với cuộc sống địa phương”. Lúc này, toàn ngành giáo dục ra sức phấn đấu để mỗi nhà trường phải trở thành trung tâm giáo dục văn hóa, khoa học kỹ thuật ở địa phương nơi trường đóng.

Hướng theo mục tiêu ấy, nhằm đào tạo một lực lượng lao động trẻ, lao động có kỹ thuật để phục vụ sản xuất nông nghiệp-nền sản xuất chính của nước nhà lúc bấy giờ, ngành giáo dục cho mở thí điểm loại trường mới: Trường phổ thông nông nghiệp. Trường vừa dạy kiến thức văn hóa phổ thông, vừa dạy kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để học sinh khi ra trường làm nòng cốt trên mặt trận sản xuất nông nghiệp cho các địa phương. Tháng 10-1960, tại HTX Đại Phong, Huyện ủy Lệ Thủy đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên của Trường cấp 2 phổ thông nông nghiệp. Năm học 1960-1961, trường tuyển sinh con em công nông từ 16-30 tuổi ở 22 xã trong huyện để mở 3 lớp với 165 học sinh và 5 giáo viên. Trường do thầy giáo trẻ Trần Đình Thịnh làm quyền hiệu trưởng.

Bước qua học kỳ 2, trường chuyển sang dạy học tại xưởng Trần Phú (nay là chợ Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang). Lúc này, tại miền Bắc XHCN dấy lên một phong trào sôi nổi với “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Tiếng trống Bắc Lý”... Ty Giáo dục Quảng Bình chọn Trường cấp 2 phổ thông nông nghiệp Lệ Thủy làm trường điểm, hướng phong trào thi đua theo “Tiếng trống Bắc Lý”. Để động viên cổ vũ, gắn trách nhiệm cho thầy và trò nơi đây cùng nhau nỗ lực, Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy, Ty Giáo dục Quảng Bình đã xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đặt tên trường là Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp.

“Từ khi trường được vinh dự mang tên vị danh tướng của quê nhà, thầy và trò như được sưởi thêm hơi ấm, tiếp thêm sức mạnh, ngày đêm miệt mài với phong trào thi đua, ra sức phấn đấu, mua trâu, nhận ruộng thực nghiệm, gắn việc dạy học với tình hình sản xuất nông nghiệp ở quê nhà, góp phần tuyên truyền, phổ  biến KHKT ở địa phương. Trường đã đạt được danh hiệu “Trường Bắc Lý” của tỉnh và cũng là trường duy nhất có đảng bộ học sinh”, thầy giáo Trần Đình Thịnh tự hào nhớ lại.

Đến năm 1965, do đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp buộc phải giải thể. Trải qua 5 năm tồn tại, trường đã đào tạo nhiều thế hệ quân nhân, chiến sỹ, kỹ sư... góp phần chung vào sự phát triển của quê hương, đất nước thời bấy giờ.

“Mỗi người lấp lánh một chiến công”

Kể từ khi đất nước thống nhất, thế hệ thầy và trò Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp đã có không ít những cuộc hội ngộ. Với họ, đó là những giây phút thiêng liêng nhất được sống trong tình thầy, nghĩa bạn, chia sẻ nhau những kỷ niệm đẹp của những tháng ngày được học tập dưới mái trường mang tên Đại tướng. Hôm nay, sau gần nữa thế kỷ ngày ra trường, những thế hệ học trò năm xưa nay đã đi quá nửa cuộc đời. Trong số họ, có người còn, người mất, người thành danh, kẻ thất bại nhưng dù ở đâu, làm gì, ở cương vị nào, những người học trò năm xưa vẫn luôn tự nhắc nhở nhau giữ gìn nhân cách và hoàn thành tốt trách nhiệm mà đất nước và xã hội giao phó.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ban liên lạc cựu học sinh Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp thì trong số thế hệ học sinh cũ của trường khi trưởng thành có nhiều tướng lĩnh trong quân đội (trong đó có 1 thượng tướng, 3 đại tá...), cùng nhiều cán bộ quản lý, không ít người thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều học sinh cũ của trường đã gác bút mực, xung phong lên đường nhập ngũ. Trong số họ có người đã nằm lại trên những chiến trường ác liệt, nhiều người là “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Với họ, giữa bom rơi, đạn nổ, giữa lằn ranh sinh tử, hình ảnh vị Đại tướng vẫn mãi là nguồn động viên to lớn và dũng mãnh, giúp họ thêm bền gan, vững chí đối diện với kẻ thù.

Tôi chợt nhớ đến lời thơ của một cựu học sinh Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp trong ngày gặp mặt: “Ngôi trường nằm bên một dòng sông/ Mang tên người anh hùng xứ Lệ/ Đại tướng ơi sao mà thân thương thế/ Tôi mang tên Người vào thế trận xung phong”. Đại tá Ngô Phi Duế (Đại Phong, Phong Thủy), trưởng ban liên lạc cựu học sinh của trường bảo rằng, trong những lần đối diện với kẻ thù, giữa ác liệt của chiến dịch Mậu Thân 1968, hình ảnh Đại tướng vẫn luôn thường trực và là lời động viên, nhắc nhở có sức mạnh vô hình để ông cùng đồng đội vững chắc tay súng. “Với những thế hệ học sinh Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp như chúng tôi, càng tự hào khi được là học sinh dưới một mái trường mang tên Đại tướng, càng luôn nhắc nhở mình sống sao cho tâm luôn thành, lòng luôn sáng và luôn làm tốt công việc mà mình đã chọn. Bởi thế mà chúng tôi, “mang tên Người vào thế trận xung phong” “mỗi người lấp lánh một chiến công” là vậy”, ông đại tá bồi hồi chia sẻ.

Hôm nay, thế hệ thầy và trò năm xưa mái tóc đã bạc màu quá nửa. Họ giờ đã lên chức ông, chức bà, những vinh nhục đời người cũng lùi lại phía sau, nhưng thế hệ học sinh cũ của mái trường ấy vẫn luôn nhắc nhở nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình, xã hội. Và chắc chắn rằng, trong những câu chuyện kể cho con cháu, họ sẽ không quên những ký ức đáng tự hào khi đã từng là học sinh của một mái trường đặc biệt: Trường phổ thông nông nghiệp Võ Nguyên Giáp.

Diệu Hương