.

Mỗi ấn phẩm là một bức tranh hiện thực sinh động của lịch sử

Thứ Sáu, 20/10/2017, 09:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương là ấn phẩm tổng kết thực tiễn lịch sử, những chặng đường hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng  bộ, lịch sử truyền thống địa phương, cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư nhiều công sức, thời gian và kinh phí để cho ra đời những ấn phẩm lịch sử bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, phục vụ đắc lực cho đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, được quần chúng nhân dân hoan nghênh đón nhận.

Xác định công tác nghiên cứu lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống địa phương là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ phụ trách lĩnh vực này.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản đúng chuyên ngành lịch sử, nhiều đồng chí có thời gian công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp uỷ đảng đã phối hợp tranh thủ ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí có trình độ, khả năng và kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các nhân chứng lịch sử tham gia.

Trong điều kiện nguồn kinh phí khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền các địa phương đều bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện công trình nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương theo chế độ công trình khoa học.

Nhiều xã, phường, thị trấn đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá, vận động sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân tại địa phương cũng như con em quê hương nhằm tạo nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương như: Dương Thủy, Mỹ Thủy, Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy); Quảng Thuận, Ba Đồn (thị xã Ba Đồn); thị trấn Hoàn Lão, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch); Bảo Ninh, Bắc Lý (thành phố Đồng Hới)...

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản được 149 ấn phẩm lịch sử (trong đó cấp tỉnh 46 ấn phẩm; cấp huyện, thành phố, thị xã 33 ấn phẩm và cấp xã, phường, thị trấn 70 ấn phẩm).

Các ấn phẩm lịch sử luôn bảo đảm tính Đảng và xuất phát từ mục tiêu phục vụ đắc lực cho đường lối, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ các cấp.
Các ấn phẩm lịch sử luôn bảo đảm tính Đảng và xuất phát từ mục tiêu phục vụ đắc lực cho đường lối, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ các cấp.

Đối với cấp tỉnh, toàn tỉnh đã chỉnh lý, bổ sung, biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị như: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình” tập I (1930-1954), tập II (1954-1975), tập III (1975-2000); Lịch sử Quảng Bình, Bác Hồ với Quảng Bình, Quảng Bình thực hiện lời Bác dạy (1957-2007); Đảng bộ Quảng Bình 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1930-2000); 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (1930-2010); tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (1957-2007); tài liệu tuyên truyền Quảng Bình-25 năm xây dựng và phát triển; tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (1957-2017)...

Một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã biên soạn lịch sử đến năm 2000, 2003; 2005, nghiên cứu, biên soạn lịch sử dưới dạng kỷ yếu truyền thống và sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử hoặc kỷ yếu của ngành mình. Hầu hết các đảng bộ trực thuộc đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đến năm 2000.

Riêng các đảng bộ: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Khối cơ quan tỉnh, huyện Minh Hóa đã biên soạn, xuất bản lịch sử đến năm 2005. Đối với cấp cơ sở có 70 xã, phường, thị trấn đã triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ.

Cụ thể: Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm (1930-2000), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Hoàn Lão (1930-2000), Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phú (1930-1975), Lịch sử Đảng bộ phường Bắc Lý (1930-2000), Lịch sử Đảng bộ xã Lộc Thủy (1930-2000), Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Đông (1930-2000), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Quy Đạt (1930-2005), Lịch sử Đảng bộ xã Hương Hóa (1930-2015)...

Thị xã Ba Đồn là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương. Đồng chí Cao Xuân Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thị uỷ Ba Đồn cho biết: Tính đến nay, thị xã Ba Đồn đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành được 8 ấn phẩm lịch sử; trong đó có 3 ấn phẩm lịch sử cấp thị xã và 15 ấn phẩm lịch sử đảng bộ xã, phường.

Dự kiến trong tháng 11-2017, thị xã sẽ phát hành ấn phẩm lịch sử Đảng bộ xã Quảng Minh và hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ của 16/16 xã, phường. Các ấn phẩm lịch sử đã tái dựng lại một cách trung thực, chính xác, khách quan và sinh động về quá khứ đầy khó khăn, gian khổ nhưng hào hùng, vẻ vang của các đảng bộ địa phương, cơ quan, ban, ngành.

Đặc biệt, nêu rõ những thành công, chưa thành công và sự đáng góp của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhân viên, quân và dân địa phương, của ngành trong sự nghiệp cách mạng chung của đất nước; thể hiện rõ ý nghĩa và bài học kinh nghiệm được rút ra trong suốt chặng đường hoạt động thực tiễn cách mạng của tổ chức đảng đã lãnh đạo nhân dân một cách toàn diện, sáng suốt và tuyệt vời trên mọi lĩnh vực.

Lật từng trang trong các ấn phẩm: Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Phúc (nay là phường Quảng Phúc), Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Long (nay là phường Quảng Long), Lịch sử Đảng bộ phường Ba Đồn, Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Văn..., chúng tôi đều nhận thấy bố cục, cách phân kỳ, kết cấu các chương, mục khá hợp lý.

Trong mỗi chương có các mục nhỏ tương ứng với từng thời kỳ, đặc điểm, nhiệm vụ và quá trình giải quyết các vấn đề đặt ra của từng giai đoạn lịch sử. Mỗi mục là một mắt xích của quá trình lịch sử, mỗi chương là một giai đoạn lịch sử gắn kết với nhau, phù hợp với lịch sử của toàn Đảng và quá trình lịch sử của dân tộc, lịch sử của tỉnh, của thị xã và đặc điểm riêng của lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử của ngành.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lê Đình Nguyên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết: Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương ngày càng được triển khai với cách thức, phương pháp khoa học và chuyên nghiệp hơn.

Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm thu hút đông đảo cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt và các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học tham gia nên đã đóng góp, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị làm sáng rõ hơn những vấn đề lịch sử của Đảng bộ tỉnh và các đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể.

Các ấn phẩm xuất bản luôn bảo đảm tính Đảng, tính khoa học và xuất phát từ mục tiêu phục vụ đắc lực cho đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hoan nghênh đón nhận.

Từ những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử được nghiên cứu, biên soạn hoặc tái bản đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Được biết, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng luôn được các cấp uỷ Đảng đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm và xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, phân xếp loại của tổ chức cơ sở đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng các ấn phẩm lịch sử, ấn phẩm truyền thống địa phương, tỉnh cần có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, nhất là cán bộ chuyên trách nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ huyện, thị, thành phố.

Về phía Trung ương nên có quy định thống nhất về kinh phí sưu tầm tư liệu, biên soạn và thẩm định các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng các cấp, đồng thời bổ sung thêm ngân sách và các trang thiết bị phục vụ cho các cấp cơ sở và chế độ đối với những người trực tiếp làm công tác này.

Hiền Chi