.
Kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2017) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2017):

"Đem sức ta mà giải phóng cho ta"

Thứ Bảy, 19/08/2017, 07:34 [GMT+7]

(QBĐT) - 72 năm trước, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đã chín muồi cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn dân: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn thể nhân dân Việt Nam đã vùng lên giành chính quyền mở ra chặng đường mới bắt đầu từ mùa thu độc lập 1945.

 

Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13-8-1945.
Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13-8-1945.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân đại hội khai mạc tại Tân Trào. Đại hội đã kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc và bầu Ủy ban Cách mạng lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tại Quảng Bình, ngày 17-8-1945, khi Hội nghị cán bộ Việt Minh tỉnh đang họp, phái đoàn Trung ương do đồng chí Tố Hữu, đặc phái viên của Trung ương vào chỉ đạo khởi nghĩa ở các tỉnh Bình-Trị-Thiên mang lệnh tổng khởi nghĩa đến. Đồng chí đến thẳng hội nghị truyền đạt lệnh khởi nghĩa cho Quảng Bình. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 23-8-1947 làm ngày khởi nghĩa toàn tỉnh.

Các nhiệm vụ được đề ra gồm: Giành chính quyền ở tỉnh và phủ, huyện trước, sau đó xoá bỏ chính quyền cơ sở cũ và thành lập chính quyền cách mạng; huy động lực lượng toàn dân đi khởi nghĩa, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; trung lập hoá, tránh xung đột với Nhật, nhưng sẵn sàng đối phó nếu chúng liều lĩnh; yêu cầu nguỵ quyền cấp phủ, tỉnh giao lại chính quyền cho Mặt trận Việt Minh.

Sau hội nghị Việt Minh ngày 17-8-1945, các cán bộ Việt Minh nhanh chóng toả về cơ sở, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa. Các đội tự vệ của huyện, phủ, thị trấn sẵn sàng đợi lệnh. Lực lượng vũ trang của tỉnh ở khu căn cứ Võ Xá được phân về bổ sung cho các phủ, huyện, thị. Nhân dân vô cùng phấn khởi, may cờ, khẩu hiệu, tìm kiếm giáo mác, gậy gộc. Không khí cách mạng trào dâng khắp đường thôn ngõ xóm.

Đúng như kế hoạch đã dự định, đêm 22-8-1945, đội nghĩa binh của tỉnh cùng tự vệ Đồng Hới đột nhập nội thị chiến dinh tỉnh trưởng và các cơ quan đầu não của địch. Chúng ta cũng đồng thời mang tối hậu thư cho đồn trưởng Nhật, yêu cầu Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Minh. Tại đồn lính bảo an, chỉ huy và binh lính đã tập hợp chỉnh tề sẵn sàng đợi lệnh của Việt Minh. Cùng thời điểm, lực lượng của ta tập trung ở các cửa nam, bắc, đông thành để tràn vào nội thị.

12 giờ đêm 22-8, Ủy ban khởi nghĩa họp phiên cuối cùng để rà soát và ban bố lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay sau đó, cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên nóc nhà Ủy ban khởi nghĩa và lệnh tổng khởi nghĩa theo chân cán bộ Ủy ban khởi nghĩa toả về các hướng truyền đạt và hướng dẫn các lực lượng tràn vào thị xã.

Từ khắp các ngả đường, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân với băng cờ, giáo mác, gậy gộc cầm tay, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Sau khi diễu qua các phố, các đoàn biểu tình tập trung trước dinh tỉnh trưởng để dự mít tinh do Uỷ ban khởi nghĩa tổ chức.

Đúng 8 giờ, các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa xuất hiện tại dinh tỉnh trưởng trong tiếng hô vang của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Văn Sớ thông báo về thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, tuyên bố xoá bỏ chính quyền của địch từ tỉnh đến thôn, xã và công bố các chính sách mới của Mặt trận Việt Minh. 

Theo kế hoạch, cùng thời gian với khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Đồng Hới, tại các phủ Quảng Ninh, Quảng Trạch và các huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Tuyên Hoá, quần chúng nhân dân rầm rập kéo về trung tâm các phủ, huyện. Quân địch hết sức hoang mang, nhiều tên đầu hàng và bỏ chạy. Nhiều giấy tờ, sổ sách, triện đồng, vũ khí... bị lực lượng khởi nghĩa tịch thu. Cờ đỏ sao vàng mọc lên khắp các trung tâm phủ, huyện trong toàn tỉnh.

Sau khi hoàn tất việc giành chính quyền ở tỉnh, phủ, huyện, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời chỉ trương giải quyết hệ thống chính quyền cơ sở. Lúc này, hệ thống chính quyền cấp tổng, xã, làng tuy chưa được chính thức xoá bỏ nhưng hầu hết đã tan rã. Một số nơi có phong trào cách mạng như Võ Xá, Thù Thừ, (phủ Quảng Ninh), Hoàn Lão (huyện Bố Trạch), Trung Thuần, Lũ Phong (phủ Quảng Trạch), Thạch Bàn (huyện Lệ Thuỷ)... đã tiến hành thành lập chính quyền cách mạng với tên gọi “Ủy ban dân tộc giải phóng” để điều hành hoạt động của địa phương.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, tại vùng Roòn (phủ Quảng Trạch), do bắt được tin khởi nghĩa từ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nên nhân dân làng Cảnh Dương, dưới sự chỉ đạo của cụ Ngô Hoàng, một nhân sĩ yêu nước đã tiến hành khởi nghĩa vào ngày 22-8-1945.

Trước đó, đêm 19-8-1945, tại nhà cụ Ngô Hoàng đã diễn ra cuộc họp bí mật để bàn lệnh khởi nghĩa. Trong cuộc họp, các thành viên đã thống nhất quyết định tổ chức khởi nghĩa vào ngày 21-8-1945. 3 giờ chiều ngày 20-8, tiếng mõ ngũ liên đã tập hợp nhân dân kéo ra sân đình tham dự mít tinh. Tối 20-8, Ban Khởi nghĩa họp và thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, Uỷ ban cách mạng lâm thời. Rạng sáng 21-8, lệnh khởi nghĩa được ban bố.

Nhân dân Cảnh Dương với vũ khí tự trang bị và khí thế sục sôi tập hợp thành đội hình chỉnh tề dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tập hợp lực lượng cách mạng, thu ấn tín lý trưởng đã hoàn thành.

Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) tổ chức lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập 2-9.
Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) tổ chức lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập 2-9.

Ngày 22-8, Ủy ban khởi nghĩa Cảnh Dương đã phái cán bộ cùng lực lượng tự vệ đi chiếm nhà thương chính Roòn, trạm gác Đèo Ngang, tước đồng tiện, thu tài liệu của lý trưởng các làng vùng nam sông Roòn như: Quảng Hưng, Quảng Tùng, Phúc Kiều, Tùng Chất, Liêu Sơn, Quảng Châu, Tùng Lý... Phủ uỷ và Mặt trận Việt Minh ở Quảng Trạch được tin làng Cảnh Dương tổ chức khởi nghĩa thắng lợi đã liên lạc với Ủy ban khởi nghĩa  Cảnh Dương – Roòn để chỉ đạo và hướng dẫn phong trào cách mạng. Với sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh huyện, lực lượng cốt cán của các làng phía bắc sông Roòn đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền nhanh chóng.

Đến ngày 25-8-1945,  chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống phủ, huyện, tổng, xã đã được thiết lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình diễn ra nhanh gọn, không đổ máu và giành thắng lợi triệt để. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Quảng Bình đã cùng với đồng bào và nhân dân cả nước đập tan ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giải phóng nhân dân thoát khỏi nô lệ, lầm than. Đúng như lời kêu gọi của Bác, lực lượng quần chúng nhân dân đã đoàn kết bên nhau, phát huy sức mạnh “đem sức ra mà giải phóng cho ta”.

Mang theo hào khí những ngày tháng tám mùa thu 1945, cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã sát cánh bên nhau trên hành trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Đi qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc với bao mất mát, hy sinh nhưng đầy vinh quang và kiêu hãnh, tinh thần cách mạng và ý chí tự lực tự cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta” như lời hiệu triệu của Bác năm nào đã góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại. Hơn bảy thập kỷ đi qua, hào khí mùa thu năm 1945 vẫn mãi rạng ngời, đồng hành cùng Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Diệu Cầm