.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa XIV:

Tích cực tham gia thảo luận các dự án luật

Thứ Tư, 31/05/2017, 16:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc vào ngày 22-5-2017 và dự kiến bế mạc vào ngày 21-6-2017. Đối với công tác xây dựng luật, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.

Đối với hoạt động giám sát, sẽ thảo luận về báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; thảo luận và thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; nghe báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Quốc hội cũng tiến hành xem xét, thảo luận báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Cùng với các nội dung trên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng khác; nghiên cứu các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với hoạt động chất vấn, kỳ họp này, Quốc hội sẽ tăng thời lượng chất vấn lên 3 ngày, lựa chọn chất vấn đối với những vấn đề xã hội bức xúc, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tham gia đầy đủ, tích cực ngay từ đầu kỳ họp và  trong tuần làm việc đầu tiên đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung được đưa ra thảo luận tại Tổ và tại Hội trường.

Mở đầu cho hoạt động thảo luận tại Hội trường, Quốc hội đã dành 1 buổi để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu Cao Thị Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình là người được tham gia phát biểu đầu tiên. Đại biểu đã bày tỏ quan điểm nhất trí với dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được trình lần này và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đại biểu, dự thảo lần này đã rút và giảm được 2 điều so với dự thảo lần trước và đã có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Tuy vậy, để tiếp tục hoàn thiện Luật trước khi thông qua, đại biểu đã đề nghị xem xét, điều chỉnh một số quy định tại một số điều luật; cụ thể, tại Điều 4 về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu cho rằng không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để chọn, vì tiêu chí này chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối cùng của doanh nghiệp và không phản ánh thực chất việc phân loại doanh nghiệp; đồng thời, đề nghị, ngoài tiêu chí lao động thì chỉ nên xác định thêm tiêu chí doanh thu là phù hợp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận tại hội trường.

Tại Điều 5, về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu đề nghị bổ sung vào Khoản 1 cụm từ “không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành” và diễn đạt lại thành: “Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Tại Điều 25 về trách nhiệm của HĐND và UBND cấp tỉnh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phát huy vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp hay Hội doanh nghiệp ở địa phương.

Tại Điều 26 về trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề, đại biểu đề nghị cần xem xét để quy định trách nhiệm cụ thể của các hiệp hội ngành nghề ở địa phương và có quy định thống nhất chỉ giao cho 1 tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm đầu mối duy nhất được phép trình UBND cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời có trách nhiệm cùng các ngành giúp cho UBND tỉnh triển khai công tác hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài những nội dung trên, tại Điều 34 của dự án luật có quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư; đại biểu cho rằng, do ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên có một số quy định tại Luật Đầu tư không còn phù hợp và việc phải sửa đổi, bổ sung là cần thiết.

Tuy nhiên, cần xem xét việc ban hành một dự án luật trong đó có điều khoản quy định về việc bổ sung, sửa đổi một luật khác thì có hợp pháp và có đúng quy trình làm luật hiện nay chưa? Đặt ra câu hỏi này, đại biểu đề nghị, để thận trọng hơn, Quốc hội nên xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 16 và Điều 19 của Luật đầu tư trước; sau khi biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2014 sẽ tiến hành thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chắc chắn hơn.

Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu cơ bản đồng tình với dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH. Tuy vậy, để tiếp tục hoàn thiện và thông qua, đại biểu đã tham gia góp ý, thể hiện chính kiến đối với một số nội dung quy định còn có ý kiến khác nhau và đang gây tranh luận.

Trước hết, đối với quy định về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đại biểu tán thành với phương án giữ nguyên quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đại biểu, đối với 3 tội cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 184), tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội ít nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu phân tích kỹ một số lý do để lựa chọn phương án này; trong đó, lý do cơ bản là thực tế hiện nay tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với những hành động phạm tội phức tạp, tàn bạo, phi nhân tính; đặc biệt thực trạng gần đây, tội hiếp dâm, bắt cóc tống tiền, cố ý gây thương tích cho người khác gia tăng nghiêm trọng, gây bức xúc, bất an cho xã hội, cần được xử nghiêm để cảnh báo, răn đe và hướng tới xây dựng một xã hội bình yên.

Mặt khác, trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội là cá biệt, nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi; vì thế luật phải bảo vệ cho số đông. Luật xử nghiêm với đối tượng này chính là “xử một người nhưng cứu được muôn người”, đó mới là nhân văn.

Trường hợp vi phạm, không đến mức xử nghiêm thì căn cứ vào các tình tiết xem xét giảm nhẹ, đó cũng là yếu tố nhân đạo của pháp luật. Đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với một số ý kiến cho rằng, nên thu hẹp trách nhiệm hình sự của tội phạm ở lứa tuổi này để phù hợp nguyên tắc “Những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”.

Theo đại biểu, nguyên tắc trên là đúng nhưng không phù hợp trong trường hợp này; ngược lại, trong trường hợp này, để bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em chính là cần phải xây dựng một môi trường lành mạnh, một xã hội an toàn, bình yên cho số đông trẻ em chứ không phải cho số ít cố tình phạm tội.

Liên quan đến một số quy định về tội phạm gây ô nhiễm môi trường, đại biểu đề nghị không nên quy định việc đo lưu lượng xả thải nước và không khí bằng m3  để tính mức độ ô nhiễm vì rất khó xác định mức độ và thiệt hại do ô nhiễm gây ra và đề nghị nên chọn mức độ hậu quả gây ô nhiễm, thiệt hại để quy định mức hình phạt, hoặc kết hợp cả về đo mức độ xả thải với hậu quả xảy ra để quy tội. Đối với tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu đề nghị cân nhắc, rà soát, bổ sung định lượng; phân biệt mức độ cố ý và vô ý để xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với các quy định về buộc tội công chức, viên chức, hoặc sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162-BLHS 2015), đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ để quy định điều chỉnh các trường hợp rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến tài sản, tính mạng của cá nhân mới truy tố. Theo đại biểu, quy định như dự thảo chỉ thiên về bảo vệ người lao động mà không bảo vệ doanh nghiệp; vì vậy, cần nghiên cứu để có những quy định pháp luật vừa bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc quản lý và sử dụng lao động.

Ngoài những nội dung trên, đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến đề nghị không miễn trách nhiệm hình sự đối với các tội vi phạm an toàn giao thông do vô ý dẫn đến chết người (Điều 29-BLHS 2015). Theo đại biểu,  đây là lỗi vô ý trong tham gia giao thông; do đó, nếu được người nhà của nạn nhân tự nguyện hòa giải đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì không nên truy cứu. Đây chính là điều nhân văn của pháp luật.

Cũng trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến tranh luận với một số đại biểu khác về quy định đối với thuốc lá nhập lậu.

Sau khi phân tích tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng của mặt hàng thuốc lá nhập lậu đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như so sánh một số quy định đối với thuốc lá nhập lậu và hành vi buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu tại các văn bản pháp luật hiện hành, đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét, tiếp tục quy định thuốc lá nhập lậu là mặt hàng cấm vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Hồng Nhung-Ất Mão

(Còn nữa)