.

Vượt qua khó khăn, tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Sáu, 09/12/2016, 12:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII.

>> Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII thành công tốt đẹp

>> Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII: Tiếp tục chương trình thảo luận và trả lời chất vấn

- Kính thưa chủ tọa kỳ họp!
- Kính thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh!
- Kinh thưa quý vị đại biểu!

Trước hết, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tôi xin báo cáo làm rõ thêm một số nội dung chính sau đây:

Kính thưa các vị đại biểu!

Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của tỉnh ta trong bối cảnh vô cùng khó khăn, có thể nói là năm gặp khó khăn nhất, nằm ngoài dự báo của tỉnh, đó là ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, đúng là “họa vô đơn chí” đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị trong toàn tỉnh.

Sản xuất, kinh doanh, khai thác thủy hải sản bị đình trệ; đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân, đặt biệt là nhân dân 18 xã ven biển sống bằng nghề biển, dịch vụ nghề biển hết sức khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập, lại bị kẻ xấu kích động, bọn phản động thì gián tiếp chỉ đạo, tư tưởng người dân dao động, một số nơi tụ tập đám đông, tuần hành, biểu tình làm cho an ninh trật tự trên địa bàn diễn ra phức tạp.

Du lịch tỉnh nhà năm 2015 với gần 3 triệu lượt khách đến như một hiện tượng gây tiếng vang trong nước và khu vực với hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, thì năm 2016 rơi vào tình trạng điêu đứng, nhiều nhà hàng, khách sạn ngừng hoạt động, các tour đặt hàng đã chủ động cắt giảm 80%; các ngành dịch vụ khác đi kèm bị ảnh hưởng rất nặng nề làm cho các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản, dịch vụ du lịch giảm mạnh. Trong tháng 10 lại xảy ra liên tiếp 2 trận lũ lụt lớn đạt đỉnh điểm lũ lụt năm 2007 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Trong khó khăn đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã đồng lòng đồng sức, quyết liệt, khẩn trương trong chỉ đạo, và những kết quả đạt được mà trong báo cáo kinh tế - xã hội đã nêu là thể hiện quyết tâm đó.

- Sản xuất nông nghiệp được mùa, năng suất và sản lượng lương thực vượt kế hoạch đề ra; chăn nuôi phát triển ổn định; có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án chăn nuôi công nghệ cao.

- Công nghiệp tăng trưởng khá, tốc độ tăng 9,2%.

- Thu ngân sách năm 2016 tăng 6,6% so với cùng kỳ.

- Các chỉ tiêu về văn hóa, môi trường đạt kế hoạch đề ra.

- Công tác xúc tiến đầu tư được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2016 có 107 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 13.995 tỷ đồng.

- Một số dự án quan trọng đã đi vào hoạt động và đang triển khai, như: Nhà máy may tại Khu công nghiệp Cam Liên, Lệ Thủy với quy mô 700 lao động; giai đoạn 2 dự án Nhà máy may S&D tại Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu trên 1.500 lao động; Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, khu nhà phố thương mại của Tập đoàn Vingroup; Dự án Khách sạn Pullman 5 sao của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội; Dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã triển khai theo kế hoạch.

- Giáo dục- đào tạo tiếp tục được quan tâm, số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cao, đặc biệt em Nguyễn Thế Quỳnh đạt HCV tại kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2016.

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì còn có 7/21 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch, nhưng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do Formosa gây ra, hậu quả của 2 trận lũ liên tiếp trong tháng 10 thì những kết quả đạt được trong năm 2016 là một sự nỗ lực lớn của tỉnh.

Về các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, của cử tri và chất vấn của các đại biểu, Giám đốc các sở, ngành và Thủ trưởng các cơ quan liên quan đã trả lời, Chủ tọa kỳ họp đã có kết luận. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết triệt để những vấn đề còn bức xúc trong nhân dân và những nội dung cử tri quan tâm, kiến nghị. Tôi xin nêu cụ thể hơn về một số nội dung mà các đại biểu quan tâm:

- Về bổ sung đối tượng đền bù và miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch do ô nhiễm môi trường biển, UBND tỉnh đã tập hợp và đã trình Chính phủ. Tuy nhiên, do ô nhiễm môi trường biển gây ra trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình, từng doanh nghiệp và nhiều thành phần, đối tượng từ người trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển, người làm dịch vụ nghề cá, các chủ cơ sở dịch vụ du lịch, các nhà hàng, khách sạn và đến cả người lái taxi, xe thồ, người thợ cắt tóc cũng bị ảnh hưởng.

Việc triển khai công tác đền bù là phức tạp, do vậy trước mắt cần phải thực hiện nghiêm túc và đúng Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có việc niêm yết công khai cho người dân tham gia, từng bước xử lý những khó khăn, vướng mắc. Về phía tỉnh chúng tôi tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đề nghị đền bù, để bảo đảm quyền lợi của các cơ sở du lịch.

- Về đầu tư các công trình hạ tầng như dường liên xã ở các huyện, kè xói lở các sông suối, xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi là cần thiết. Tuy nhiên do năm nay Trung ương cắt giảm 45% vốn đầu tư phát triển, tỉnh ta còn nghèo nên chưa thực hiện được.

- Về hỗ trợ các chức danh đoàn thể ở cơ sở: đã có nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ trước, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 không hỗ trợ thêm vì thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Về công tác đền bù mở rộng nâng cấp đường quốc lộ 1A: khi triển khai có trên 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng trong đó có gần 200 hộ có đơn thư đề nghị, khiếu nại, đến nay đã giải quyết 180 hộ, còn lại 20 hộ tiếp tục giải quyết dứt điểm trong tháng 1-2017.

- Về nông nghiệp, nông thôn: nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến, tôi xin tiếp thu để có giải pháp chỉ đạo cụ thể, trong đó chú trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các cơ sở giết mổ tập trung theo từng cụm để phù hợp với thực tế; nghiên cứu để giải quyết vấn đề phát sinh hiện nay là người dân bỏ hoang ruộng vì không muốn sản xuất lúa nhưng lại không muốn trả ruộng, gây lãng phí về đất đai, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT làm thử cơ chế mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa tập trung quy mô lớn.

Về xây dựng nông thôn mới trong báo cáo trình bày đã nêu là chú trọng nâng cao đời sống nhân dân, không chạy theo thành tích, không xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá, kiên quyết xử lý nợ đọng xây dựng trong thực hiện Chương trình MTQG nông thôn mới.

Về phòng chống lụt bão đúng như ý kiến của đại biểu là cần phải có những phương án bền vững lâu dài và theo chiến lược phòng chống lụt bão mà Chính phủ đã phê duyệt là phòng tránh lụt bão, ngoài phương châm “4 tại chỗ” thì tỉnh đã tổ chức triển khai nghiên cứu phương án thoát lũ một số nơi thuộc thượng nguồn sông Gianh, triển khai hỗ trợ nhân dân các vùng bị lũ lụt nặng xây nhà chống lũ lụt.

- Về văn hóa - xã hội: Việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn là một nhiệm vụ, tỉnh ta có 110 di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia, hàng năm có bố trí kinh phí từ 3-5 tỷ là quá ít so với nhu cầu, tôi đề nghị các địa phương chủ động kêu gọi, vận động các nhà tài trợ ủng hộ, công đức, đẩy mạnh công tác xã hội hóa (chúng ta đã thực hiện trùng tu di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc, di tích lịch sử Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, di tích lịch sử Hang Lèn Hà, Hang Tám Cô...).

Về đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc là rất cần thiết, đây là một trong những nội dung của kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm của UBND tỉnh.

Về chính sách cô nuôi, tỉnh ta có 173 trường mầm non: thời gian qua các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động triển khai thực hiện trả lương cho cô nuôi theo Thông tư số 06/2014 của liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời số 4794 ngày 17/9/2015 việc trả lương cô nuôi ở các địa phương có khác nhau, về việc này  Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ đang nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh về việc thống nhất trả lương cho cô nuôi (lao động hợp đồng tại vị trí nấu ăn) để bảo đảm đúng quy định và phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Về chăm sóc sức khỏe nhân dân: UBND tỉnh xác định đây là khâu yếu, khâu khó khăn nhất của tỉnh ta từ trước đến nay, nhân dân bức xúc, lo lắng chưa yên tâm với hệ thống khám và điều trị bệnh ở tỉnh. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế lập đề án nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, trong đó có nâng cao năng lực trạm y tế cấp xã. UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo mạnh mẽ việc khám và chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định và giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các tổ chức y tế, đặc biệt là thủ trưởng các cơ sở điều trị.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Năm 2017, tỉnh ta tiếp tục còn nhiều khó khăn, hậu quả của ô nhiễm môi trường biển và lũ lụt trong tháng 10 năm 2016 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tư tưởng của nhân dân, cùng với đó là ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với tỉnh cắt giảm trên 45%. Những vấn đề đó đặt ra đối với tỉnh ta hết sức nặng nề, đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải đoàn kết, chung sức, chung lòng, với quyết tâm cao độ, đồng thời đổi mới tư duy, tìm cách huy động mọi nguồn lực ngoài nguồn lực nhà nước để đầu tư hạ tầng KT-XH, đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo sự phát triển mới trong điều kiện khó khăn.

Trong báo cáo tình hình KT-XH năm 2016 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, UBND tỉnh đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, đó là:

1. Tập trung khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân bị ảnh hưởng; nhân đây vận động, tuyên truyền cho người dân các xã ven biển bỏ dần các tàu, thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ để đầu tư, hoán đổi, đóng mới các tàu đánh bắt biển xa trên 90CV.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo để các cơ quan liên quan thực hiện Quyết định 48 và Nghị định 67 của Chính phủ bảo đảm cho người dân có căn cứ pháp lý vay vốn đóng tàu mới. Việc tổ chức cho ngư dân đóng tàu đánh bắt hải sản, trong đó chú trọng đánh bắt biển xa là một hướng đi rất đúng đắn mang tính chiến lược, hiệu quả cao nhất và chắc chắn được nhân dân đồng tình; khó khăn lớn nhất là vốn đóng tàu và mua sắm lưới cụ.

Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ, bây giờ chúng ta chỉ có triển khai thực hiện thật quyết liệt, nếu vướng mắc về vay vốn thì sẽ báo cáo Chính phủ để tạo điều kiện ưu tiên cho Quảng Bình, đây không chỉ về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ biển đảo chủ quyền quốc gia.

2. Tập trung tuyên truyền, quảng bá mạnh về tiềm năng du lịch Quảng Bình, phải tạo ra một chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch của tỉnh, đặc biệt là tiềm năng đặc sắc về du lịch hang động, thể hiện Quảng Bình là “Vương quốc hang động” của thế giới.

Tập trung khai thác tốt các tuor tuyến du lịch động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn, Tú Làn và các tuyến du lịch mới như động Sơn Đoòng, Sinh Tồn - hang Thủy Cung, Hang Va, Khe Nứt. Chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch (kể cả doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn) nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới, khai thác thêm các tuyến du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, Zipline...

Chú trọng du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử như: Chùa Hoằng Phúc, Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Hang Tám Cô, Hang Lèn Hà, tổ chức tốt cho nhân dân viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nâng cao chất lượng các sản phẩm, chất lượng phục vụ dịch vụ du lịch gắn với đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, an toàn ở các khu du lịch.

Tập trung chỉ đạo cho bằng được các sản phẩm mới lạ về du lịch, xây dựng sân golf, du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng, kêu gọi đầu tư các khách sạn 4 sao, 5 sao, các nhà hàng cao cấp, tạo điều kiện để đưa du khách quốc tế vào Quảng Bình, trong đó chú trọng khách Châu Âu và khách Trung Quốc. Mở thêm đường bay trong nước và quốc tế. Phát động phong trào toàn dân làm du lịch, bởi muốn làm du lịch thì mỗi người dân là một sứ giả du lịch, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch.

3. Triển khai đồng bộ, quyết liệt Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm bằng những giải pháp, việc làm cụ thể mà trước hết là tuyên truyền, vận động người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng còn nghèo tự giác vươn lên thoát nghèo thông qua lao động sản xuất. Chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Kêu gọi nhiều dự án đầu tư để đóng góp ngân sách và việc làm cho con em địa phương. Đây là 1 trong 2 chương trình KT-XH trọng điểm của Thường vụ Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công từng đồng chí trong Thường vụ phụ trách, chỉ đạo cụ thể từng xã.

Ngoài địa bàn huyện Minh Hóa nằm trong Nghị quyết 30a được hỗ trợ của Chính phủ thì cần phải vận động các nhà tài trợ giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn của các huyện khác, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực của tỉnh cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Phải phấn đấu đạt được tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%.

4. Năm 2017, vốn đầu tư phát triển Trung ương hỗ trợ cho tỉnh ta cắt giảm 45,23%; Tỉnh ta là tỉnh nghèo, trong lúc đó cần phải dồn sức để hoàn thành các công trình trọng điểm, như: Trụ sở Tỉnh ủy, Trung tâm Văn hóa tỉnh, cầu Nhật Lệ 2, Trụ sở Huyện ủy Quảng Trạch, Trụ sở UBND huyện Quảng Trạch. Trước tình hình cắt giảm trên 45% vốn đầu tư từ Trung ương thì tỉnh ta chỉ còn cách là huy động nguồn lực xã hội.

Trong thời gian qua, chúng ta bước đầu đã có kinh nghiệm trong việc huy động nguồn lực xã hội, thì trong năm 2017 cần phải mạnh mẽ hơn và mở rộng đại trà hơn, trong đó triển khai áp dụng cơ chế đầu tư BT (xây dựng chuyển giao) gắn với thanh toán bằng quỹ đất theo Thông tư 183/2015/TT-BTC ngày 17-11-2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng chuyển giao, thực hiện; xã hội hóa phát triển quỹ đất, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển quỹ đất góp phần nâng cấp các đô thị, tạo điều kiện để hình thành thị trường bất động sản thực sự, đồng thời có nguồn thu đáng kể từ cấp quyền sử dụng đất để đầu tư trở lại hạ tầng; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ công mà từ trước đến nay Nhà nước làm, như: Bến xe, nhà trẻ, trường học, trạm đăng kiểm, các trung tâm, trạm trại...các đơn vị sự nghiệp khác của nhà nước để giảm chi phí ngân sách nhà nước.

Đối với các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp thì khuyến khích và tạo điều kiện để họ đầu tư hạ tầng, tỉnh trừ vào phần thuê đất hoặc hỗ trợ một phần vốn nhà nước.

5. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện một số dự án lớn, mang tính động lực, tạo tiền đề cho phát triển trong những năm tiếp theo như: Dự án quần thể resort, Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí cao cấp của Công ty CP Tập đoàn FLC, Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, khu nhà phố thương mại Shophouse của Tập đoàn Vingroup, Dự án Sân golf của Tập đoàn An Việt, Dự án Khách sạn Pullman 5 sao của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dự án Kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu sang Lào của Petro Lào, các dự án may mặc của Tập đoàn Dệt may, các dự án kinh doanh khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí, đồng thời xúc tiến đầu tư các dự án về du lịch, dịch vụ, công nghiệp, các dự án về nông nghiệp chất lượng cao.

6. Huy động cả hệ thống chính trị để bảo đảm  an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng năm 2017. Vấn đề này đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã phát biểu rất kỹ. Thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở để cho mọi người dân tham gia vào các chủ trương, các công việc cụ thể, đặc biệt là các dự án triển khai trên địa bàn. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, bảo đảm kỷ cương phép nước. Qua sự việc ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, đây là bài học lớn.

Tại kỳ họp này nhiều đại biểu quan tâm lo lắng đến công tác bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm trước dân của đại biểu. Tỉnh ta là một tỉnh nghèo nhưng không phải vì nghèo mà đánh đổi công tác bảo vệ môi trường; công tác bảo vệ môi trường luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, đặc biệt khi tỉnh ta đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng ta có tiềm năng rất lớn về du lịch nếu chúng ta bảo vệ tốt môi trường, biết làm du lịch và xúc tiến đầu tư có hiệu quả thì chắc chắn Quảng Bình sẽ là một tỉnh giàu đẹp, một trung tâm du lịch của Đông Nam Á trong tương lai.

Kính thưa các vị đại biểu!

Nhiệm vụ trong năm 2017 và những năm tiếp theo đối với tỉnh ta hết sức nặng nề khi mà tình hình của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển và hậu quả lũ lụt, đó là những thách thức rất lớn đối với tỉnh trong thực hiện kế hoạch 2017. Để thực hiện được các nội dung trên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của chính mỗi một cán bộ, công chức, viên chức, mỗi người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, với tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh sẽ làm hết sức mình, hành động quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Xin trân trọng cảm ơn!