.

Tập trung đẩy mạnh công tác biển, đảo

Thứ Ba, 27/12/2016, 09:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình là tỉnh có bờ biển dài 116,04 km tiếp giáp với 18 xã, phường biên giới biển thuộc 4 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Bờ biển tỉnh ta có nhiều thắng cảnh đẹp, tạo nhiều lợi thế cho việc phát triển du lịch biển và kinh tế. Thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác biển đảo, xem đây là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về chủ quyền biển, đảo, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động trong công tác tuyên truyền về pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách quản lý về biển, đảo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các văn bản liên quan như: Nghị quyết TW4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc; Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18-12-2003 về Quy chế khu vực biên giới biển; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 3-9-2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; Chỉ thị của UBND tỉnh về “Tăng cường bảo vệ chủ quyền, giữ gìn ANTT biển, đảo trên vùng biển Quảng Bình”; Quy chế quản lý hoạt động khai thác ven bờ và vùng nước nội địa; Chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015...

Nhiều hoạt động khác được tập trung chú trọng như tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền về thông tin đối ngoại và biển, đảo cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn; tổ chức hội nghị tuyên truyền về biển, đảo quốc gia cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tuyên truyền về Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam gắn với kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới; tổ chức tuyên truyền, phổ biến bộ bản đồ cổ và các đĩa phim tài liệu “Hoàng Sa - Trường Sa nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” tại địa bàn Quảng Bình...

Bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội các vùng ven biển là nhiệm vụ được tỉnh ta hết sức chú trọng. Để làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, lực lượng Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm cuộc tuần tra trên biển, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm chủ quyền biển, đảo quốc gia và các vi phạm khác. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch hiệp đồng huy động, tiếp nhận lực lượng, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Nhiều hoạt động hướng về biển, đảo quê hương được các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng năm.
Nhiều hoạt động hướng về biển, đảo quê hương được các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng năm.

Việc khảo sát, trùng tu, sửa chữa các công trình chiến đấu ven biển trên địa bàn tỉnh từng bước được chú trọng. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát nắm chắc nhân lực tàu thuyền để kịp thời bổ sung điều chỉnh kế hoạch sát với từng địa phương, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, tàu thuyền làm nhiệm vụ khi có lệnh... Ngoài ra, toàn tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh trật tự vùng biển như đội xung kích an ninh, tổ thuyền tự quản, bến thuyền an toàn, xứ đạo bình yên, tổ đoàn kết khai thác thủy hải sản trên biển, nghiệp đoàn nghề cá...

Các nội dung, chương trình khác như lập kế hoạch xây dựng một số công trình chiến đấu quan trọng trên các đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Cỏ, Hòn Vũng Chùa và các công trình chiến đấu ven biển, xử lý các vụ xâm phạm trật tự xã hội, bắt giữ các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép thuốc nổ; giải quyết các vụ tai nạn trên biển và một số vấn đề về an ninh nông thôn vùng ven biển... cũng được các cơ quan chức năng tập trung xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương ven biển tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện công tác phát triển kinh tế - xã hội các vùng ven biển, trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn và triển khai thực hiện các chương trình biển, đảo như: chương trình MTQG về dân số - KHH gia đình; giảm nghèo bền vững; đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển và hệ thống đê sông với số vốn 30 tỷ đồng; hỗ trợ khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền 14 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng thủy sản 4 công trình với số vốn 10 tỷ đồng, hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 3 công trình thuộc đề án thí điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phòng chống thiên tai các xã vùng bãi ngang, cồn bãi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015.

Tỉnh còn tập trung nguồn vốn xây dựng hạ tầng khu kinh tế Hòn La với số vốn 65 tỷ đồng, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa Roòn 85 tỷ đồng và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với cảng cá Nhật Lệ 185 tỷ đồng từ nguồn vay ODA và đối ứng trong nước... Mặt khác, tăng cường huy động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư để phát triển vùng biển, đảo.

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được triển khai có hiệu quả. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 91 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá; có 371 tàu cá được hỗ trợ bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ với kinh phí 15,3 tỷ đồng. Công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá cho thấy hầu hết các tàu cá đều đạt chất lượng tốt, bảo đảm đúng quy phạm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động. Công tác thông tin liên lạc với tàu cá trên biển của Trạm bờ ngày càng phát huy hiệu quả, chất lượng. Trạm bờ đã thành địa chỉ tin cậy của ngư dân để liên lạc, trao đổi thông tin về sản xuất và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực ven biển được đẩy mạnh, nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động lên 82%. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn khuyến công và xúc tiến thương mại cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại các xã ven biển trên các nội dung: hỗ trợ  mua sắm máy móc, thiết bị vào sản xuất; đào tạo nghề; thành lập doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm thủy hải sản trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm; chuyển giao ứng dụng công nghệ, thiết bị vào sản xuất; xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân triển khai dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại tại các xã ven biển trong tỉnh...

Tỉnh xây dựng “Chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013-2020”, trong đó có các doanh nghiệp và cơ sở ven biển, đồng thời triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác phòng chống lụt bão vùng ven biển, đảo, các vùng xung yếu và huy động khẩn cấp hàng hóa dự trữ để sẳn sàng phục vụ nhân dân trong mùa mưa bão.

Xác định công tác biển, đảo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có vai trò chiến lược đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, chủ động nắm bắt tình hình để triển khai có hiệu quả các nội dung của công tác này. Một trong những nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng là đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền về biển, đảo nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân đối với việc giữ gìn an ninh trật tự góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của quê hương.

Nh.V