.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục đóng góp những ý kiến xác đáng

Thứ Sáu, 18/11/2016, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp tục nội dung, chương trình kỳ họp, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo dự án Luật về Hội vào ngày 25-10, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã phát biểu đồng tình với việc ban hành Luật về Hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện và thông qua dự thảo luật, đại biểu đã góp ý bổ sung, điều chỉnh một số quy định.

Cụ thể, tại Điều 2 về đối tượng áp dụng, đề nghị bỏ cụm từ “không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn..”, chỉ cần quy định “không áp dụng đối với tổ chức hội trong hệ thống chính trị” là được; vì "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổchức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn nhất là dự thảo luật vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, cần phải xem xét để giảm bớt; đề nghị làm rõ thế nào là hội đăng ký và thế nào là hội không đăng ký. Tại Khoản 1, Điều 8, đề nghị thay cụm từ: “không được thực hiện quyền lập hội”, bằng cụm từ “Bị hạn chế quyền thành lập hội”, để phù hợp với tiêu đề của điều, vì các đối tượng “bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, đang áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, đưa vào cơ sở cai nghiện” đều đang có quyền công dân, có quyền tham gia hội, nhưng chỉ bị hạn chế quyền lập hội vì bản thân anh chưa hoàn thiện.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu còn góp ý điều chỉnh bổ sung một số quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, đề nghị bỏ thẩm quyền công nhận Điều lệ Hội trong  Điều 14 và 15.

Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đã phát biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ, thẳng thắn về tình hình nợ công, đầu tư công giai đoạn 2011-2015.

Tuy vậy, theo đại biểu, báo cáo còn thiếu những phần quan trọng, đó là chưa đánh giá thực tế hiệu quả đầu tư; cụ thể là chưa nêu được có bao nhiêu dự án đưa lại hiệu quả? Bao nhiêu dự án thua lỗ? Bao nhiêu dự án cần được xem xét đề nghị điều tra, truy tố?

Tại báo cáo của Chính phủ có chỉ ra 5 dự án (Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Nhà máy bột giấy Phương Nam; Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất) gây thất thoát ước tính trên 30 nghìn tỷ; tuy vậy không có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý. Theo đại biểu, cách báo cáo của Chính phủ như trên chỉ là “bắn chỉ thiên”, cái chung thì chỉ ra được, nhưng cụ thể số vốn đầu tư thất thoát lãng phí; trách nhiệm tổ chức, cá nhân... thì không chỉ ra được.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung báo cáo đầy đủ, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; có như thế mới xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử nghiêm, làm bài học cho việc tổ chức, quản lý, ngăn chặn tình trạng thất thoát lãng phí vốn đầu tư như hiện nay.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư 2016-2020; đại biểu đề nghị bổ sung thêm trong nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước là phải được cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng, đúng đối tượng, đúng trọng tâm và có hiệu quả, để khắc phục những hạn chế trong đầu tư công. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ về nguyên nhân nợ công tăng cao và giải pháp xử lý.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu góp ý dự thảo dự án Luật Đấu giá tài sản.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu góp ý dự thảo dự án Luật Đấu giá tài sản.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính không trừ trả nợ từ nguồn ngân sách địa phương như phương án dự kiến, đặc biệt từ năm 2017; nếu trừ thì phải có lộ trình, tránh gây áp lực cho các địa phương, làm khó khăn cho các tỉnh nghèo; chẳng hạn như Quảng Bình là một tỉnh nghèo, thu chưa đủ chi, Trung ương hỗ trợ 64% ngân sách; hiện lại đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn chính trị, do hậu quả Formosa, lũ lụt gây ra, nếu trừ trả nợ từ nguồn ngân sách địa phương như phương án dự kiến dẫn đến khó khăn trong quá trình điều hành và bị phá sản kế hoạch năm 2017 của tỉnh.

Đại biểu còn đề nghị Chính phủ tổng kiểm tra, rà soát tình hình đầu tư công để phát hiện, quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây thất thoát vốn đầu tư để xử lý nghiêm và ngăn chặn nguy cơ lặp lại trong thời gian tới; đồng thời, xem việc ưu tiên bố trí vốn một cách hợp lý, cần quan tâm hơn nữa đến các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển và chịu hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành vượt thu so với kế hoạch chia sẻ một phần vượt thu để giúp Chính phủ giải quyết khó khăn, bù vào khoản thu thiếu...

Trong những ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội đã dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Trong phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài tham luận đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong điều hành nền kinh tế - xã hội năm 2016 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề cập bao quát đến những tồn tại, hạn chế cần tập trung quan tâm giải quyết, như vấn đề nợ xấu, tuyển chọn cán bộ, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, những vấn nạn liên quan đến ma túy, tội phạm giết người v.v...

Đại biểu nhấn mạnh: “Không có cuộc tiếp xúc cử tri nào mà không nhắc đến những vấn đề này, thật sự rất nhức nhối và đang cần một kỷ cương, kỷ luật đủ mạnh để sắp xếp lại, giải quyết cơ bản những vấn đề này”.

Đại biểu cũng đề cập sâu đến việc xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra; yêu cầu làm rõ trách nhiệm để xảy ra sự cố; kiến nghị mở rộng diện được bồi thường thiệt hại, trong đó cần xem xét đến các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng; nhất là đối với các doanh nghiệp du lịch, người lao động tại các xã, phường ngoài bảy nhóm đối tượng được nhà nước quy định mà địa phương xác định có chịu thiệt hại.

Đại biểu đề nghị cần cân nhắc mức đền bù thỏa đáng hơn và tính đến thời gian bồi thường 6 tháng đã hợp lý chưa; đồng thời nhấn mạnh: “Nếu chỉ nghĩ rằng đền bù cho người dân và một vài chính sách hỗ trợ nữa là giải quyết xong hậu quả thì đó là một suy nghĩ, nhận thức chưa được thấu đáo. Cả một nền kinh tế nước nhà bị tụt hậu, suy giảm, không thể khắc phục một sớm, một chiều. Rất mong muốn cần nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề này để cuộc sống dần ổn định”.

Liên quan đến thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra đối với Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung vào giữa và cuối tháng 10-2016, đại biểu Trần Công Thuật thay mặt lãnh đạo tỉnh và nhân dân Quảng Bình bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành Trung ương đã kịp thời quan tâm; cảm ơn sự giúp đỡ tận tình và hiệu quả, kịp thời của các đồng bào, chiến sĩ, các doanh nhân, những người hảo tâm trong cả nước; đồng thời, cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã nhanh chóng đưa tin để đồng bào cả nước được biết, kịp thời chia sẻ với Quảng Bình.

Từ thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra đối với địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm dành cho Quảng Bình một gói cứu trợ khẩn cấp để xử lý kịp thời các vấn đề bức thiết về môi trường, cứu đói, nước uống và các nhu cầu thiết yếu khác; về giống cây con giúp bà con sản xuất; về hạ tầng kinh tế - xã hội như trường học, trạm y tế, các cơ sở quan trọng như giao thông, thủy lợi, hồ đập v.v... nhằm giúp tỉnh vượt qua khó khăn.

Sáng ngày 4-11-2016, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương có bài phát biểu khẳng định, xây dựng nông thôn mới là một chương trình được toàn dân ủng hộ; hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc tích cực, quyết liệt; đã trở thành phong trào sôi nổi, sâu rộng, tạo bước đột phá làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương.

Đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chương trình; đồng thời, phân tích thêm một số hạn chế, vướng mắc mà báo cáo đề cập chưa đầy đủ, như nguồn lực đầu tư cho chương trình còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thiết yếu, bức xúc của địa phương và chưa tính kỹ đến đặc thù vùng, miền, dẫn đến tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, kết quả không đồng đều.

Một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý, gây lãng phí như tiêu chí về chợ, trung tâm bưu điện... Tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chưa mạnh; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động hiệu quả chưa cao, khó tiếp cận với các chính sách sản xuất hàng hóa. Chưa chú trọng nhiều đến các nội dung về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhiều xã còn chạy theo thành tích, huy động quá sức dân; có xã nợ xây dựng cơ bản không có khả năng trả; cá biệt còn cán bộ xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình để tham ô, lãng phí, thiếu công khai minh bạch gây phản ứng và làm suy giảm niềm tin của người dân.

Từ những phân tích, đánh giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình một cách có hiệu quả, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quốc hội cần tăng cường giám sát và Chính phủ tập trung một số vấn đề, như làm tốt công tác tuyên truyền, không đánh đồng quy định chung tiêu chí xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi, vùng cao, bãi ngang, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; có chính sách đủ mạnh để liên kết 4 nhà; khuyến khích liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn chỉnh bộ tài liệu đào tạo, tập huấn chung về xây dựng nông thôn; xây dựng hệ thống biểu mẫu báo cáo chung và thống nhất nhằm thu thập và cung cấp thông tin, dữ liệu một cách có hệ thống. Cần có cơ chế để tạo ra sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân;  chú trọng xây dựng thương hiệu, các sản phẩm phục vụ du lịch, định hướng phát triển các làng nghề v.v...

Chính phủ cần tạo điều kiện cho tỉnh nghèo tham gia vào các chương trình, dự án giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời có sự ưu tiên, hỗ trợ về nguồn vốn cho các xã khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển để khắc phục khó khăn, làm sạch môi trường, tìm sinh kế mới.

Phong Hồng-Ất Mão