.
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Mỹ Trung (17-11-1931 - 17-11-2016):

Sự kiện thành lập Chi bộ Mỹ Trung mãi mãi là mốc son trong lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy

Thứ Tư, 16/11/2016, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Tân Thủy là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Đêm 17-11-1931, tại miếu Thành hoàng, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã tổ chức kết nạp 3 thanh niên yêu nước là Lê Thuận Chất, Nguyễn Đông và Lê Thuận Sản vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng trong giờ phút thiêng liêng ấy, đồng chí Đoàn Bá Thừa thay mặt cấp ủy cấp trên quyết định thành lập Chi bộ Mỹ Trung - Chi bộ đầu tiên ở huyện Lệ Thủy và phía Nam tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Lê Thuận Chất được cử giữ chức bí thư chi bộ.

Sự ra đời của Chi bộ Mỹ Trung đã tạo ra một bước ngoặt hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của người dân hai làng Mỹ Thổ - Trung Lực (xã Tân Thủy) cũng như huyện Lệ Thuỷ và phong trào cách mạng cả tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng của Mỹ Thổ - Trung Lực đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phong trào cách mạng có một chi bộ Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo.

Sau khi ra đời, Chi bộ Mỹ Trung đã lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc mít tinh với hàng trăm quần chúng tham gia để vạch trần tội ác của bọn thực dân, phong kiến, khơi sâu lòng căm thù giặc trong nhân dân. Đến năm 1935, số lượng đảng viên của Chi bộ đã phát triển lên 12 đồng chí.

Trong quá trình hoạt động của mình, Chi bộ đã thành lập đội Xích vệ đỏ để bảo vệ cơ sở cách mạng, tiếp chuyển tài liệu từ Vĩnh Linh ra Lệ Thủy và ngược lại. Sau những cuộc biểu dương lực lượng, Chi bộ Mỹ Trung chủ trương mở cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công ở Mỹ Thổ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chia lại ruộng đất ở Mỹ Thổ làm nức lòng quần chúng trong huyện, đồng thời làm rung chuyển bộ máy cai trị của bọn thực dân, phong kiến, địa chủ từ làng, tổng đến huyện, tỉnh.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Chi bộ Mỹ Trung là đầu mối liên lạc của Xứ uỷ Trung Kỳ và của nhiều cán bộ cấp trên. Ở đây có cơ sở vững chắc, quần chúng giác ngộ cách mạng cao nên phong trào vẫn được củng cố, phát triển và là một trong những nơi in ấn và phân phát tài liệu của Đảng.

Đổi mới trên quê hương Lệ Thủy.
Đổi mới trên quê hương Lệ Thủy.

Trung tuần tháng 8-1945, Cơ quan Tỉnh bộ Việt Minh chuyển từ Mỹ Thổ về Võ Xá (Quảng Ninh) để kịp thời chỉ đạo phong trào trong toàn tỉnh. Đêm 22 rạng ngày 23-8-1945, quần chúng cách mạng ở Mỹ Thổ - Trung Lực và 18 làng phụ cận chia thành bốn mũi kéo về huyện đường Lệ Thủy cùng với các mũi tiến công khác trong huyện đấu tranh giành chính quyền ở huyện để cùng với cả tỉnh, cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tân Thuỷ đã có trên 1.500 người tham gia các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Nhân dân Tân Thuỷ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến đánh thắng quân thù.

Kết thúc các cuộc chiến tranh, Tân Thủy có gần 2.100 người tham gia hoạt động cách mạng, 136 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, 337 người tham gia lực lượng vũ trang thường trực. Hàng trăm con em tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, có 19 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Toàn xã được tặng gần 4.000 huân, huy chương các loại, có 55 gia đình được tặng bằng có công với nước, hơn 400 thương bệnh binh; đặc biệt có hơn 180 người con của Tân Thủy đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ nhân dân Tân Thuỷ trong hai cuộc kháng chiến cứu nước bảo vệ Tổ quốc, ngày 26-1-1996, Đảng bộ, nhân dân Tân Thuỷ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, từ xuất phát điểm thành lập Chi bộ Mỹ Trung (1931) với vẻn vẹn 3 đảng viên, năm 1945 Đảng bộ Lệ Thuỷ ra đời với 7 chi bộ và gần 100 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 64 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với trên 11.000 đảng viên. Riêng Đảng bộ xã Tân Thủy có 19 chi bộ với gần 500 đảng viên, trong đó có 1 đồng chí 70 năm tuổi Đảng; 207 lượt đồng chí có 50 đến 65 năm tuổi Đảng, 285 lượt đảng viên được tặng Huy hiệu 30, 40 năm tuổi Đảng. Đảng bộ nhiều năm đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; hệ thống chính trị được củng cố, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc để nhân dân phát huy quyền làm chủ xây dựng cuộc sống mới.

Phát huy truyền thống của quê hương có chi bộ Đảng ra đời đầu tiên ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, trong 85 năm qua, Đảng bộ Lệ Thuỷ không ngừng được tôi luyện, trưởng thành. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Đảng bộ huyện Lệ Thuỷ tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên luôn tìm hiểu, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần cách mạng của quần chúng, vượt lên khó khăn, thử thách; luôn luôn chăm lo xây dựng Đảng lớn mạnh và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ Lệ Thủy đã vận dụng sáng tạo đường lối, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy để đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước. Kinh tế tiếp tục phát triển khá và có sự chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, tạo sự chuyển biến rõ nét; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên khắp mọi miền của quê hương ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng – an ninh được giữ vững ổn định; bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng đổi sắc; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được phát huy; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII xác định trong 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, phấn đấu xây dựng huyện Lệ Thủy đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đến năm 2020, Đảng bộ Lệ Thủy phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 11,5 - 12,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%/năm; có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 50% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có đơn vị yếu kém; trên 50% chính quyền cơ sở đạt vững mạnh; trên 70% tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đạt vững mạnh. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn huyện nỗ lực phấn đấu quyết liệt.

Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng sự kiện thành lập Chi bộ Mỹ Trung ngày 17-11-1931 vẫn mãi là mốc son trong lịch sử của Đảng bộ huyện Lệ Thủy cũng như của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Lệ Thuỷ anh hùng, mỗi một cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và người dân tiếp tục giữ vững đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh vững bước đi lên trong thời kỳ đổi mới.

Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thủy