.

Vài nét về quá trình thành lập chi bộ Mỹ Trung

Thứ Tư, 16/11/2016, 09:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước năm 1930, phong trào yêu nước ở Lệ Thủy dấy lên từ những cuộc đấu tranh chống áp bức của nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến và thực dân xâm lược. Tuy nhiên những cuộc đấu tranh này hoàn toàn mang tính tự phát, phản ứng trực diện trước những hành động và thủ đoạn bóc lột áp bức trắng trợn của thế lực thống trị. Trong tình hình đó, một số thanh niên tiến bộ, có chí hướng muốn tìm con đường để tự giải phóng mình khỏi những kìm kẹp của các tầng lớp áp bức, đã liên lạc với những nhóm thanh niên tiến bộ ở các địa phương khác để gây dựng cơ sở của mình.

>> Sự kiện thành lập Chi bộ Mỹ Trung mãi mãi là mốc son trong lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy

Mùa đông năm 1930, biết tin ở Quảng Trị có phong trào đấu tranh chống thực dân quan lại khá mạnh nên một số thanh niên yêu nước ở 2 làng Mỹ Thổ, Trung Lực, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) bàn nhau tìm vào đó học hỏi.

Sau khi được ông Dương Công Phát (quê ở làng Mỹ Thổ) vào dạy học ở Vĩnh Linh cho biết ở đây có phong trào cộng sản đang hoạt động, anh Nguyễn Đông và một số thanh niên có chí hướng khác của hai làng Mỹ Thổ, Trung Lực đã nhiều lần ra vào Vĩnh Linh để nắm tình hình, bắt liên lạc. Đồng chí Trần Ngoạn (một đảng viên ở Vĩnh Linh) đã nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn các anh Nguyễn Đông, Lê Thuận Chất, Lê Thuận Sản về tổ chức các hội quần chúng, giáo dục lòng yêu nước căm thù giặc cho nhân dân.

Sau nhiều lần kiểm tra tình hình, tháng 10-1931, Tỉnh ủy Quảng Trị được Trung ương giao trách nhiệm thành lập Đảng ở Quảng Bình đã cử đồng chí Đoàn Bá Thừa (tức Đoàn Thị) ra Lệ Thủy. Nguyễn Đông đã đưa đồng chí Đoàn Bá Thừa về nhà mình ăn, ở bí mật và hoạt động trên địa bàn Lệ Thủy. Lúc này, phong trào cách mạng ở vùng Mỹ Thổ, Trung Lực đã có bước chuyển biến. Những anh em thanh niên tiến bộ đã tập hợp lại được 21 người trung kiên và lập thành 7 nhóm bí mật hoạt động ở 2 làng.

Miếu Thành hoàng, nơi thành lập Chi bộ Đảng Mỹ Trung.
Miếu Thành hoàng, nơi thành lập Chi bộ Đảng Mỹ Trung.

Về ở trong nhà Nguyễn Đông, ngày ẩn trú bí mật, tối đến, đồng chí Đoàn Bá Thừa được Nguyễn Đông dẫn đi gặp những quần chúng tốt. Nhiều lần Nguyễn Đông làm liên lạc cho hai bên gặp nhau, còn mình làm nhiệm vụ canh gác. Với cách thức hoạt động như trên, sau một thời gian, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã tổ chức được các lần mít tinh có sự tham gia của đông đảo quần chúng vào thời điểm trước các ngày cúng tế, trước vụ cấy gặt.

Ở những cuộc mít tinh này, đồng chí Thừa vạch trần tội ác áp bức của bọn cường hào, địa chủ, hương lý và hướng dẫn phương pháp cho quần chúng đấu tranh. Nơi tổ chức các lần mít tinh thường là một hẻm khe ra vào, hay một lưng đồi, hoặc cạnh lùm cây rậm. Khi quần chúng dự mít tinh thì anh em trong các tổ trung kiên phân công nhau gác ở các lối ra vào.

Để vận động quần chúng hưởng ứng tham dự mít tinh nhiều lần và ngày càng đông, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Nguyễn Đông đi vận động quần chúng ở Trung Lực, còn đồng chí Lê Thuận Chất, Lê Thuận Sản đi vận động quần chúng ở Mỹ Thổ.

Cùng với việc xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng, đồng chí Đoàn Bá Thừa luôn hướng dẫn và bồi dưỡng giác ngộ cách mạng cho các anh Nguyễn Đông, Lê Thuận Chất, Lê Thuận Sản. Đồng chí Đoàn Bá Thừa đã bí mật gặp mặt, trao đổi với ba anh nhiều lần ở miếu Thành hoàng. Đây là ngôi miếu cạnh nhà Nguyễn Đông, là nơi kín đáo và linh thiêng nên ít người ra vào, nhất là vào buổi tối không ai dám đặt chân đến đó.

Được đồng chí Thừa chăm lo bồi dưỡng, ba anh em Đông, Chất, Sản luôn nhớ lời căn dặn hệ trọng:

- Đi làm cách mạng là để đánh Pháp, tiêu diệt bọn quan lại địa chủ, cường hào, giải phóng cho người nghèo khổ là một việc làm vô cùng lớn lao, nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Ai dám hy sinh thì làm cách mạng. Ai có dám chịu tra tấn, tù đày, đói khát mới làm cách mạng.

- Hoạt động cho cách mạng thì phải hết sức giữ bí mật. Cách mạng giao cho việc gì thì cố gắng làm cho tốt. Không tò mò việc của người khác. Nếu bị địch bắt, dù có bị tra tấn, cực hình cũng không phản bội xưng khai, chỉ trả lời duy nhất rằng: không nghe, không biết, không thấy.

- Phải từ bỏ các thói tật xấu đang hiện hành như cờ bạc, rượu chè, bè phái, gây hiềm khích trong người nghèo với nhau. Trong nội bộ đồng chí không tranh công đổ lỗi và hết mực thương yêu nhau.

Đồng chí Đoàn Bá Thừa đã thử thách lòng nhiệt huyết và phẩm chất cách mạng của các đồng chí Đông, Chất, Sản nhiều lần và qua các lần thử thách anh em đã hoàn thành tốt công việc.

Đêm 17-11-1931, tại miếu Thành hoàng, thay mặt tổ chức Đảng cấp trên, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã tổ chức kết nạp 3 thanh niên yêu nước Lê Thuận Chất, Nguyễn Đông và Lê Thuận Sản vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong giờ phút thiêng liêng ấy, đồng chí Đoàn Bá Thừa thay mặt cấp ủy cấp trên quyết định thành lập Chi bộ Mỹ Trung - chi bộ đầu tiên ở huyện Lệ Thủy và phía Nam của tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Lê Thuận Chất được cử giữ chức bí thư chi bộ.

Tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời tại Trung Lực và Mỹ Thổ chính là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Chính từ sự trưởng thành của phong trào đấu tranh của nhân dân trong địa phương mà thúc đẩy ý chí đấu tranh của tầng lớp yêu nước tiến bộ, thôi thúc họ đi tìm ánh sáng cách mạng. Chi bộ Mỹ Trung ra đời cũng là nhờ có sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của xứ ủy Trung Kỳ và ảnh hưởng quan trọng của những người cộng sản đang hoạt động ở Quảng Trị.

Chính từ đây, xu hướng cách mạng theo con đường của chủ nghĩa cộng sản mới trực tiếp thâm nhập vào Mỹ Thổ - Trung Lực để nhen nhóm thành hạt nhân cộng sản đầu tiên trên đất Lệ Thủy và Nam Quảng Bình.

N.H-Hoài Hương
(Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy)