.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

Trên mảnh đất nghĩa tình - Bài 2: Đất không phụ công người

Thứ Sáu, 30/01/2015, 08:15 [GMT+7]
(QBĐT) - Ngày ấy, vùng đất miền Tây thị xã Đồng Hới được nhân dân sơ tán trìu mến gọi là “làng mới”. Nửa thế kỷ trôi qua, dẫu chiến tranh chỉ còn trong ký ức và dẫu cuộc sống vẫn còn lắm dâu bể nhưng có biết bao người dân Đồng Hới đi sơ tán ngày nào vẫn bám trụ lại nơi mảnh đất nghĩa tình này để sinh cơ, lập nghiệp. Với họ, đây không chỉ đơn giản là quê hương!
 
 
Đổi thay “làng mới”
 
Hòa bình lập lại. Những người dân Đồng Hới đi sơ tán năm nào trở về quê cũ, làm lại cuộc sống từ trong chính đống hoang tàn, đổ nát và đầy vết tích chiến tranh. Nhưng không ít người quyết định bám trụ lại “làng mới” bởi nơi đó đã gắn bó với cuộc sống của họ, thấm đẫm máu và nước mắt trong những năm tháng ác liệt nhất. Và mảnh đất nơi ngày xưa đã cưu mang, đùm bọc, nay một lần nữa lại trở thành quê hương thứ hai của những người dân đô thị.
 
Ông Lại Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Sơn khẳng định: “Trong 50 năm qua, Đảng bộ thị trấn Đồng Sơn và nay là phường Đồng Sơn đã có nhiều thành tích nổi bật và trong những thành tích ấy, có sự đóng góp vô cùng lớn lao của bao thế hệ người dân Đồng Hới sơ tán, lập làng, rồi gắn bó cho đến hôm nay”.
Nửa thế kỷ qua, ngói Cầu 4 đã tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nửa thế kỷ qua, ngói Cầu 4 đã tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nửa thế kỷ đã trôi qua là chừng ấy thời gian Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Sơn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển không ngừng. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng bộ Đồng Sơn đã lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Đồng Sơn trở thành trung tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của phía bắc tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1997-1998, phường Đồng Sơn điều chỉnh lại địa giới, chuyển giao một số cụm dân cư cho xã Nghĩa Ninh và xã Thuận Đức mới được thành lập. 
 
Từ đó đến nay, phường Đồng Sơn đã có một sức bật to lớn, đổi thay bộ mặt của một vùng đất phía tây thành phố. Từ một vùng gò đồi bán sơn địa, hoang sơ, rặt bom đạn chiến tranh, nay Đồng Sơn đã trở thành một phường dân cư, đông đúc. Từ địa bàn còn nhiều khó nghèo thì đến năm 2014, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 11 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thương mại đạt 24 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp là 8,9 tỷ đồng.
 
Điều đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Sơn nay chỉ còn 1,5%. Nhiều tổ dân phố đã không còn hộ nghèo. Hiện nay, 13/13 khu dân cư đều có nhà văn hóa khang trang, nhiều nhà văn hóa có sân chơi cộng đồng. Cuộc sống của người dân đã thực sự đổi khác.
 
Ba Đa ngày ấy-bây giờ
 
Ba Đa-1 trong 8 cụm dân cư trong thời kỳ sơ tán-nay là thôn 8, xã Nghĩa Ninh, hiện có hơn 60% số hộ trong thôn là người dân sơ tán ngày xưa. Chiến tranh kết thúc, họ quyết định gắn bó lại với mảnh đất nghĩa tình này. Và nơi đây, bao thế hệ con em của họ đã sinh ra và lớn lên từ trong chính những vất vả cùng bộn bề lo toan.
 
Trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Sanh, người đã gắn bó với Ba Đa trọn nửa thế kỷ qua thì mảnh đất này xưa là gò đồi hoang vu, chỉ rặt cỏ dại và bom đạn chiến tranh. Những túp lều rách nát nằm xiêu vẹo trên những mảnh đồi xác xơ. Khi quyết tâm “neo” đời mình lại nơi đây, họ có thể tưởng tượng ra ngồn ngộn những khó khăn chắc chắn sẽ gặp phải.
 
“Đó không chỉ đơn thuần là cái khó khăn chung của cả nước thời kỳ hậu chiến mà còn là khó khăn rất lớn của chính mình khi không có đất làm ruộng. Mấy chục gia đình chia nhau diện tích đất đồi hoang hóa mà thoát đói, thoát nghèo thôi”, ông Sanh lật lại ký ức. Và từ đôi bàn tay và ý chí “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, những con người ấy bắt tay ngay vào “công cuộc” thoát nghèo đầy gian truân.
 
Trong thời chiến, Ba Đa chính là nơi tập trung xã viên các HTX Bách hóa-Rau dưa, chuyên buôn bán các mặt hàng dịch vụ. Đời sống ngày càng khó khăn, dần dà, họ chuyển sang sản xuất dầu tràm, hương thẻ, phấn viết bảng... Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, hàng năm, Ba Đa đã sản xuất hơn 1.000 lít dầu tràm, làm nguyên liệu cho Công ty Dược phẩm Quảng Bình chiết xuất loại dầu Khuynh Diệp nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
 
“Hương thẻ vốn là mặt hàng phải nhập từ Hà Nội thì cuối cùng, HTX cũng đã tự sản xuất thành công. Tôi nhớ là hằng năm, HTX Bách hóa Ba Đa đưa ra thị trường hàng ngàn hộp phấn và hàng vạn thẻ hương. Có năm, HTX vượt chỉ tiêu kế hoạch 48%, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đời sống của người dân Đồng Hới sau thời chiến nhờ đó mà cũng khấm khá lên nhiều”, ông Nguyễn Văn Sanh bồi hồi nhớ lại.  
 
Đầu những năm 90, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp vô vàn khó khăn, HTX Bách hóa Ba Đa phải giải thể. Đến giờ, cả thôn chỉ còn lại 3 hộ gia đình vẫn giữ nghề làm hương truyền thống, tạo công ăn việc làm cho 20 con em địa phương. Nhiều hộ gia đình khác phải làm đủ nghề để kiếm sống. Một số hộ mở trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Rồi cuộc sống cũng dần dần bớt đi những khốn khó. Đến Ba Đa-tức thôn 8, xã Nghĩa Ninh hôm nay - không còn cảnh bì bõm lần bước đi trên những con đường đất trong mùa mưa bão. Giờ một con đường bê tông phẳng lỳ chạy dọc trong thôn.
Hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện tại thôn 8, xã Nghĩa Ninh.
Hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện tại thôn 8, xã Nghĩa Ninh.
Anh Nguyễn Xuân Nam, trưởng thôn 8 phấn khởi: “Nhờ xây dựng nông thôn mới cả đó em. Có đường sạch sẽ mà đi, người trong thôn bớt khổ đi bao nhiêu”. Trên vùng đất chiến tranh năm xưa, nay, những ngôi nhà ngói mới đỏ hồng mọc lên san sát. Màu xanh của yên bình và ấm no đang phủ khắp mọi nẻo đường và những con người nơi đây vẫn tin rằng, xưa, mảnh đất này đã đùm bọc, chở che họ trong khói lửa, đạn bom, thì nay cũng sẽ không phụ công người gắn bó.
 
Gạch ngói Trị Thiên vẫn đỏ lửa
 
Những năm 1987-1988, sản xuất tiểu thủ công nghiệp gặp phải những khó khăn lớn khi các HTX không còn được Nhà nước cung cấp phần lớn vật tư, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm như trước. Đến 6 tháng đầu năm 1989, giá trị tiểu thủ công nghiệp ngày càng giảm sút, chỉ đạt 20% so với kế hoạch. Năm 1992, Đảng ủy phường Đồng Sơn đã chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, chuyển đổi hình thức tập thể của HTX sang mô hình kinh tế hộ gia đình và tư nhân. Các HTX tiểu thủ công nghiệp lần lượt giải thể.
 
Trong “cơn khủng hoảng” đó, chỉ có HTX ngói Cầu 4 (tiền thân là gạch ngói Trị Thiên) vẫn duy trì và phát triển không ngừng. Đến năm 1993, HTX ngói Cầu 4 chiếm tới 60% tổng doanh thu tiểu thủ công nghiệp trong toàn phường Đồng Sơn.
 
Xưa, nơi đây chính là cụm dân cư Trị Thiên, nơi sơ tán của phần lớn con em Bảo Ninh. Trong không khí sản xuất sôi nổi những ngày đó, người dân Trị Thiên vừa chiến đấu, vừa sản xuất ra những sản phẩm gạch ngói thủ công phục vụ nhu cầu của địa phương và các tỉnh bạn. Hòa bình lập lại, không ít trong số họ trở về quê cũ, số còn lại vẫn bám trụ, gắn bó với HTX cho đến tận hôm nay.
 
Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, thương hiệu ngói Cầu 4 đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ những ngày đầu, sản xuất chủ yếu bằng thủ công thì nay đã thay thế bằng máy dập ngói bằng thủy lực, cải tiến khâu làm đất... Mẫu mã, chất lượng, giá thành và chủng loại tấm lợp cũng đã dần dần thay đổi để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất ngói của HTX, ông Phan Văn Hòa, Phó chủ nhiệm HTX ngói Cầu 4, hồ hởi cho biết, có những năm làm ăn thịnh vượng, những lò nung này đỏ lửa quanh năm, tạo công ăn việc làm cho 60 xã viên, thu nhập trên 4 triệu đồng/ người/ tháng.
 
Đất quê đã nuôi sống bao đời con cháu họ. Và cũng chính từ đôi bàn tay tài hoa, khối óc của những con người ấy, những sản phẩm ngói Trị Thiên đã đi khắp các miền quê trong và ngoài tỉnh. Đất đã nở hoa ấm no, kết trái hạnh phúc.
 
Diệu Hương