.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Vẫn mãi là lính Cụ Hồ

Thứ Năm, 30/10/2014, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm xưa, ông là người lính, từng vào sinh ra tử. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông rời quân ngũ trở về với đời thường. Chất lính vẫn còn nguyên vẹn khi ông tiếp tục xông pha vào những trận chiến mới, đảm đương nhiều vị trí công tác khác nhau góp phần kiến thiết quê hương. Ông là cựu chiến binh Hồ Minh Kiểm, Chủ tịch Hội CTĐ xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch - đơn vị vừa nhận bằng khen của UBND tỉnh vì những thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Phong thái luôn bận rộn, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ông Kiểm đón chúng tôi ngay tại văn phòng Hội CTĐ xã. Gọi là văn phòng hội nhưng chỉ là một gian nhà cấp bốn rộng chừng 20m2 đầy ắp cờ thi đua, bằng khen, giấy khen các cấp, ngành và ảnh hoạt động của Hội treo kín ba bức tường. Kỷ niệm một thời trận mạc được cựu chiến binh Hồ Minh Kiểm kể rành mạch như thể vừa mới diễn ra.

Ông sinh năm 1940, năm 1962, khi vừa học xong ngành sư phạm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào Quân chủng Hải quân thuộc Tiểu đoàn 2 Sông Lam (Nghệ An). Tại đây, ông được cử đi học tại Trường báo vụ vô tuyến, chuyên về thông tin liên lạc. Kết thúc khóa học ông chuyển về tàu hạm mang số hiệu 167, phân đội 5, K2-Sông Gianh.

Với vai trò trực báo vô tuyến trên tàu, ông trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng trong trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam trên sông Gianh năm 1964. Trong trận chiến này, ông Hồ Minh Kiểm bị thương nặng ở chân và một bên tai. “Sau đó, bản thân tiếp tục tham gia thêm 4 trận chiến “để đời” nữa” - ông chia sẻ.

CCB Hồ Minh Kiểm chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các CCB từng tham gia đánh thắng trận đầu ở sông Gianh. (Tháng 8-2014)
CCB Hồ Minh Kiểm chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các CCB từng tham gia đánh thắng trận đầu ở sông Gianh. (Tháng 8-2014)

Đáng nhớ nhất là trận đánh kéo dài từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối ngày 28-8-1965 tại cảng Gianh. Vừa đánh trả máy bay địch, vừa cơ động liên tục, khi tàu lên đến đoạn sông Gianh trước làng Lệ Sơn thì bị mắc cạn. Trong trận này, ông Kiểm lại bị thương nặng, đơn vị chuyển ông về tuyến sau điều trị. Ra viện, Hồ Minh Kiểm chuyển về công tác tại tàu 185, phân đội 7- E171, Quân chủng Hải quân.

Năm 1969, đơn vị của ông lúc này đóng tại Hải Phòng, tham gia bảo vệ Nhà máy xi măng Hải Phòng. Năm 1972, đơn vị tiếp tục cơ động với nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên và Nhà máy điện Yên Phụ, cùng với các lực lượng bộ đội phòng không, không quân và nhân dân miền Bắc làm nên trận thắng lịch sử 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Sau đó, ông được điều về làm Chính trị viên phân đội 213, K2-Sông Gianh, với nhiệm vụ rà phá thủy lôi.

Năm 1976, ông Hồ Minh Kiểm rời quân ngũ trở về quê hương xã biển Đức Trạch. Dù trên mình vẫn còn những thương tích của chiến tranh để lại, nhưng chất lính Cụ Hồ đã ăn sâu vào máu thịt, ông không ngơi nghỉ lấy một ngày, vẫn hăng hái tham gia công tác tại địa phương qua nhiều vai trò, vị trí khác nhau từ thôn, HTX cho đến cấp xã. Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 1999, ông chuyển qua làm công tác từ thiện, nhân đạo trên cương vị là Chủ tịch Hội CTĐ xã cho đến nay. 16 năm ông gắn bó với công tác từ thiện nhân đạo là 16 năm Hội CTĐ xã Đức Trạch luôn đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là lá cờ đầu của phong trào CTĐ toàn tỉnh.

Đến nay, Hội CTĐ xã Đức Trạch ngày càng lớn mạnh với trên 1.500 hội viên, phân thành 10 chi hội; trong đó 6 chi hội đánh cá, 3 chi hội nuôi trồng, 1 chi hội y tế; 1 đội xung kích, 6 tổ xung kích đánh cá và 1 tổ sơ cứu thương. Công tác cứu hộ cứu nạn tàu thuyền được Hội quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, Hội đã ứng cứu 150 chiếc tàu gặp nạn thuộc rất nhiều địa phương: Quảng Trạch, Bố Trạch và một số tàu ngoài tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định...

Theo lời ông Kiểm nhận xét: “Tập quán dân sông nước có rất nhiều điều kiêng kỵ, trong đó kỵ nhất là vớt người chết vì sông nước. Điều khác biệt và ít có Hội CTĐ nào làm được như Hội CTĐ xã Đức Trạch, trong lúc đi biển gặp người chết, hội viên của hội đều vớt mang về. Năm nào tàu của xã Đức Trạch ra khơi cũng đều gặp người chết.

Tính đến hiện tại có 13 tử thi trên biển được Hội CTĐ Đức Trạch mai táng cẩn thận, và 4 tử thi có người nhà đến nhận, còn lại 9 tử thi được chôn cất và Hội CTĐ Đức Trạch chăm sóc hương khói. Mới đây nhất trong tháng 4- 2014, Hội đã vớt được 2 tử thi và có hai gia đình ở Quảng Phú (Quảng Trạch) và xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đến nhận”.

Để duy trì tốt các hoạt động, ông Kiểm cho biết: Ngoài sự vận động con em Đức Trạch thành đạt xa quê hương thì hằng năm Hội đều phát động đóng quỹ, mỗi hội viên góp 50.000 đồng. Chính vì thế mà số tiền quỹ của Hội hiện nay lên đến 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này các hoạt động đầy ý nghĩa như: tiếp sức đến trường, Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, Tết Thiếu nhi và thăm hỏi các gia đình chính sách nhân ngày 27-7 hằng năm... được Hội đặc biệt quan tâm. Khi hội viên đau ốm hay qua đời đều được lãnh đạo Hội thăm hỏi, chia sẻ kịp thời.

Trước mỗi mùa mưa bão, Hội CTĐ xã Đức Trạch chủ động trích nguồn quỹ hội dự phòng cho văn phòng hội 20 triệu đồng và mỗi chi hội 5 triệu đồng. Khi bão lụt xảy ra, với số tiền trên các chi hội có thể sử dụng vào việc mua các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống như mì tôm, gạo, muối... ứng phó kịp thời với sự bất thường của thiên nhiên.

Với những hoạt động thiết thực, Hội CTĐ xã Đức Trạch được tặng thưởng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen các loại. Và với ông Hồ Minh Kiểm, Chủ tịch Hội CTĐ xã thì không có phần thưởng nào quý bằng phần thưởng từ tình cảm, lòng tin của hội viên, nhân dân trong xã mang lại, sự tín nhiệm để ông có cơ hội cống hiến chút sức lực nhỏ bé của mình cho công tác nhân đạo từ thiện trên địa bàn mình sinh sống. Đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp, “chất” lính Cụ Hồ trong con người ông.

Hương Trà