.

Giải pháp tiếp tục thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công

Thứ Sáu, 17/10/2014, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, chính sách ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống người có công. Chế độ trợ cấp, chế độ mở rộng ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở... được điều chỉnh, bổ sung; mức trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh đồng bộ với tiền lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội, từng bước cải thiện và ổn định đời sống người có công với cách mạng.

Quảng Bình là một trong những tỉnh có nhiều đối tượng người có công với cách mạng, toàn tỉnh có gần 14,5 vạn người có công (chiếm gần 17% dân số), thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau; trong đó, có trên 13.600 liệt sỹ, gần 2 vạn thuơng bệnh binh, 387 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6.300 người hưởng tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; hơn 10 vạn đối tượng tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân huy chương.

Qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận thấy, các văn bản pháp luật ưu đãi người có công được tỉnh thể chế hóa, tạo môi trường thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã rất quan tâm, ưu tiên thực hiện chính sách ưu đãi người có công, cũng như thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Thời gian gần đây, tỉnh đã giải quyết bổ sung được nhiều trường hợp người có công với cách mạng được công nhận và thụ hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước đúng quy định.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, đã có gần 25.000 đối tượng được điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp hàng tháng theo mức chuẩn mới tại Nghị định số 101/2013/NĐ-CP; thực hiện chế độ nghỉ dưỡng cho trên 13.000 đối tượng; tiếp nhận hơn 9.000 hồ sơ về thờ cúng liệt sĩ, đến ngày 20-8-2014 đã giải quyết được gần 4.000 hồ sơ; thực hiện ưu đãi trong giáo dục đào tạo cho 8.758 đối tượng; giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho gần 39.000 đối tượng; phối hợp kiểm tra, thẩm định trên 300 hồ sơ và hoàn chỉnh 86 hồ sơ đề nghị Chính phủ tặng thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thực hiện trợ cấp cho trên 14.000 người theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ được quan tâm thực hiện. Từ năm 2012 đến nay đã quy tập được 27 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và 112 hài cốt liệt sĩ tại nước bạn Lào, nâng tổng số hài cốt liệt sĩ quy tập từ năm 2002 đến nay lên 1.263 hài cốt được đưa về nước và tổ chức lễ truy điệu, an táng trang trọng, chu đáo. Là một tỉnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đã huy động được trên 10 tỷ đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây mới gần 500 căn nhà, sửa chữa trên 600 căn nhà cho người có công.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về thực hiện chính sách người có công tại Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: A.T
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về thực hiện chính sách người có công tại Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: A.T

Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thấy rằng việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số người có công với cách mạng và gia đình vẫn còn khó khăn trong cuộc sống. Nguyên nhân khách quan là tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng vươn lên mà chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh những khó khăn khách quan còn do những vướng mắc, bất cập của các văn bản hướng dẫn chậm, thiếu đồng bộ hoặc chưa rõ ràng; việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương thiếu kịp thời, sự phối hợp chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của chủ trương chính sách. Công tác phổ biến, tuyên truyền các chế độ, chính sách về người có công ở một số địa phương, cơ sở còn làm chưa tốt, nặng về hình thức, thiếu chiều sâu, thực hiện thiếu thường xuyên, liên tục. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu thường xuyên, chậm thông tin báo cáo, dẫn đến sai sót trong quá trình xác lập hồ sơ thủ tục; không loại trừ một số đối tượng khai man hưởng chế độ, chính sách, gây dư luận xấu, bất bình trong nhân dân.

Công tác kiểm tra, giám sát một số nơi thực hiện chưa tốt; chưa kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, tiêu cực trong quá trình thực hiện. Việc quản lý đối tượng chưa chặt chẽ; công tác quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ còn nhiều thiếu sót và đây cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách.

Việc rà soát đối tượng hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở nhiều địa phương làm chậm so với kế hoạch Chính phủ đề ra nên chưa tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương sớm; vì vậy đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập (người dân thắc mắc, chất vấn; nhiều trường hợp khó khăn về nhà ở cần khắc phục kịp thời nhưng chưa có nguồn vốn, nhiều trường hợp đang triển khai thực hiện thì chết do già yếu, bệnh tật).

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn xã hội quan tâm, đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng việc điều tiết hỗ trợ chưa thực sự hợp lý dẫn đến thiếu công bằng, có đối tượng chính sách được hỗ trợ nhiều lần, có đối tượng được hỗ trợ cao, có đối tượng được hỗ trợ thấp tùy theo khả năng và yêu cầu của nhà tài trợ; cá biệt có những hộ khó khăn còn được hỗ trợ cao hơn hộ chính sách. Kết quả vận động thu Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” còn thấp, đời sống một số đối tượng người có công vẫn còn khó khăn.

Chính sách đối với người có công với cách mạng là một chính sách lớn, thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: 

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 và các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách đối với người có công. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm mở rộng nhận thức, nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, tạo sự đồng thuận, làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân, những nơi làm còn chậm, thiếu trách nhiệm để người được thụ hưởng phải chờ đợi, đi lại nhiều lần; trong lúc đó những kẻ khai man, dối trá lại được tiếp tay để được thụ hưởng, tạo tâm lý bức xúc, thiếu niềm tin trong nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015”, theo đúng tiến độ đề ra để giải quyết chế độ chính sách kịp thời, đúng đối tượng, không để lặp lại việc xảy ra những trường hợp làm sai, thụ hưởng chính sách không đúng đối tượng. Đồng thời, tích cực giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị của cử tri. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để góp phần cải thiện đời sống cho người có công và các gia đình chính sách; như xây dựng nhà ở, hỗ trợ cho các gia đình người có công đặc biệt khó khăn, neo đơn, già cả.

Tăng cường công tác quản lý, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm chính sách. Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thực hiện chủ trương, chính sách ưu đãi người có công.
Tiếp tục đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh, sửa đổi những văn bản, chế độ chưa hợp lý, còn chồng chéo, thiếu rõ ràng để thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Mai
  (Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)