.

Khi vai trò của già làng, trưởng bản được phát huy

Thứ Tư, 13/08/2014, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta ngày càng được nâng cao. Có được kết quả này, bên cạnh những chính sách đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, có công đóng góp to lớn của đội ngũ các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của mình, họ đã phát huy vai trò cầu nối ý Đảng-lòng dân, góp phần vào sự ổn định, phát triển của buôn làng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện nay, tỉnh ta có 106 già làng, trưởng bản được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số.  Họ là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; đã có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, bản, địa phương nơi cư trú.

Nhận thức được vai trò quan trọng, tầm ảnh hưởng của già làng, trưởng bản, người có uy tín ở mỗi địa phương, cơ sở, ngày 18-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 18/2011/ QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước. Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần gũi với bà con, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, không nghe theo kẻ xấu, bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với vận động bà con, họ luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế gia đình. Đó là cách vận động hiệu quả, thiết thực và cụ thể để nhân dân noi gương làm theo để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, góp phần gìn giữ an ninh trật tự trong các bản làng. Có thể thấy, lời nói, việc làm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số đã có tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhiều điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số được khen thưởng.
Nhiều điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số được khen thưởng.

Nhiều người có những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến, ngày nay các cụ vẫn là tấm gương sáng trong mỗi bản làng, được dân làng suy tôn, kính trọng. Bằng uy tín của mình, họ đã tích cực vận động nhân dân các dân tộc xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đồng thời, thuyết phục những người lầm đường lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng; giáo dục các thế hệ con, cháu giữ gìn thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội; vận động đồng bào trong thôn, bản phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các thôn, bản.

Gần 16 năm làm trưởng bản Cáo (Lâm Hoá, Tuyên Hoá), với nhiều đóng góp cho sự phát triển, đi lên của bản, chị Phạm Thị Lâm được bà con tin tưởng bầu chọn là người có uy tín. Bản Cáo gồm 23 hộ với 108 khẩu. Để tập hợp bà con cùng xây dựng mối đại đoàn kết, gắn bó vì sự phát triển chung của bản đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, ban tự quản, nhất là vai trò của người đứng đầu bản. Xác định rõ điều đó, chị Lâm luôn gương mẫu đi đầu từ đóng góp các khoản thuế, phí, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống lũ lụt đến công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa...

Để kịp thời nắm bắt tình hình đời sống bà con, chị cùng cấp ủy, ban tự quản và các đoàn thể duy trì đều đặn họp giao ban hàng tháng, cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề ra cách giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, chị tích cực phối hợp với các già làng, các hộ dân để tuyên truyền và trực tiếp vận động từng đối tượng cá biệt nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Nhờ vậy, cứ mỗi khi trong bản xảy ra tình trạng xích mích, tranh cãi, thanh niên rượu chè bê tha... nhờ tiếng nói và uy tín của chị Lâm, nhiều vụ việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp, thấu đáo.

Trong phát triển kinh tế, chị chú trọng khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, sử dụng các giống mới, gieo trồng đúng lịch thời vụ, phát triển chăn nuôi tăng thu nhập. Nhờ vậy, đời sống của bà con bản Cáo ngày càng ổn định.

Chị Phạm Thị Lâm chỉ là một trong nhiều tấm gương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Theo đánh giá của Ban Dân tộc, Uỷ ban MTTQVN tỉnh  tuy những người có uy tín đã được bầu chọn thuộc nhiều thành phần, dân tộc khác nhau, nhưng bằng chính trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự am hiểu phong tục tập quán bản địa và sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần khá vững chắc đối với đồng bào.

Không chỉ là những tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, họ còn tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thời gian qua, người có uy tín đã tích cực phối hợp với cấp ủy, ban tự quản vận động nhân dân thực hiện, chấp hành những quy ước, hương ước của bản, làng.

Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp trong việc kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, người có uy tín cũng đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều nguồn tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại khu dân cư và tham gia có hiệu quả trong công tác bảo vệ, giữ vững ổn định tình hình.

Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết: Việc làm cụ thể, thiết thực của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín ở từng thôn, bản, khu dân cư đã giúp cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của bà con nhân dân.

Từ đó, giúp chính quyền giải quyết nhanh và thấu đáo những vụ, sự việc phát sinh từ cơ sở, xây dựng địa bàn trong sạch vững mạnh. Thực tế những năm qua đã cho thấy: Nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương biết phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín thì họ sẽ góp phần tích cực vào công tác vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở ngay từng thôn, bản; xây dựng lối sống lành mạnh, văn hóa, nền nếp gia phong trong từng gia đình, dòng họ, xây dựng khu dân cư không tệ nạn xã hội, xây dựng bản làng văn hóa. 

Để phát huy vai trò tích cực của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, cấp ủy, MTTQ các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện giải pháp nâng cao trình độ cho đội ngũ này về kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật, kiến thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó là khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tham gia công tác xã hội.

Qua đó, giúp họ vận động đồng bào các dân tộc làm theo đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị biểu dương những tấm gương "sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt" trong đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm khích lệ, động viên tinh thần để họ có thêm nguồn động lực hoàn thành công việc, góp phần xây dựng bản làng, khu dân cư ngày càng phát triển, văn minh.

Đ.V