.

Dân chủ - vấn đề cốt lõi trong quy chế bầu cử

Thứ Tư, 06/08/2014, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định Quy chế bầu cử trong Đảng là văn kiện quan trọng, bởi vậy, trước các kỳ đại hội Đảng, Quy chế bầu cử được nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

 

Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh quán triệt Nghị quyết hội nghị TW9 (khóa XI).
Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh quán triệt Nghị quyết hội nghị TW9 (khóa XI).

Để tiến tới Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị đã tập trung chỉ đạo các ban tham mưu ở Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện Quy chế bầu cử hiện hành (số 220-QĐ/TW ngày 17-4-2009 của Bộ Chính trị khóa X) để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Quy chế bầu cử trong Đảng cho phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới hiện nay.

Toàn văn dự thảo bản Quy chế đã được lấy ý kiến các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tại hai hội nghị do đồng chí Thường trực Ban Bí thư chủ trì; đồng thời được thảo luận, góp ý tại ba hội nghị giao ban về công tác tổ chức xây dựng Đảng và hội nghị trưởng ban tổ chức một số tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam. Những ý kiến đóng góp ở các hội nghị đã được tập hợp, tiếp thu trước khi Bộ Chính trị trình BCH Trung ương tại Hội nghị lần thứ 8 và được Trung ương thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh.

Tại Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI, hầu hết ý kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cho rằng: Quy chế được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, khoa học, chặt chẽ, ngắn gọn, dễ hiểu, có sự đổi mới, quy định cụ thể, sắp xếp lại một số điều hợp lý hơn, bổ sung nhiều nội dung mới, trên cơ sở kế thừa Quy chế hiện hành, tập hợp và tiếp thu đầy đủ ý kiến của nhiều địa phương, đơn vị một cách dân chủ.

Một trong những điều mới bổ sung tại Quy chế lần này được Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI dành nhiều thời gian để thảo luận và được dư luận quần chúng quan tâm là Điều 13, nội dung cụ thể:

- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

- Ở các hội nghị của BCH, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

- Ở các hội nghị của BCH Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Việc quy định như trên, là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ - đây là nguyên tắc cơ bản, sống còn của Đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng từ khi thành lập đến nay, các tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng, nghị quyết ở đây là nói đến danh sách nhân sự do cấp ủy đương nhiệm đề cử ở đại hội (hoặc danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử tại hội nghị của BCH cấp ủy; danh sách do Bộ Chính trị đề cử tại hội nghị BCH Trung ương). Bởi vì, để có được danh sách đó, các cấp ủy đảng đã trải qua thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, mở rộng dân chủ trong công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch theo đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương, cụ thể là:

Năm thứ 2 sau đại hội, các cấp ủy tiến hành làm quy hoạch đội ngũ cấp ủy cho nhiệm kỳ tới. Từ danh sách đề xuất của cấp ủy đương nhiệm, thông qua lấy phiếu tại hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị BCH, hội nghị ban thường vụ; tại phiếu lấy tín nhiệm đều có phần dành cho các thành viên tham gia hội nghị đề xuất thêm danh sách. Như vậy qua các hội nghị thì các thành viên đều được thực hiện quyền ứng cử, đề cử và nhận đề cử thông qua phiếu lấy ý kiến. Danh sách đưa vào quy hoạch là những đồng chí có số phiếu tín nhiệm quá bán tại hội nghị BCH cấp ủy, tức là thiểu số phục tùng đa số. Các năm tiếp theo, các cấp ủy tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch...

Trước đại hội, để có được danh sách nhân sự đề cử để bầu vào cấp ủy mới tại đại hội (hoặc bầu vào ban thường vụ cấp ủy tại hội nghị của BCH; bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại hội nghị của BCH Trung ương) công tác nhân sự cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng qua các bước quy trình như công tác quy hoạch.

Như vậy, những đồng chí có tên trong danh sách đề cử được đoàn chủ tịch trình tại đại hội (hội nghị) là đã trải qua quá trình tuyển chọn rộng rãi, dân chủ và đã được đào tạo, bồi dưỡng, qua thẩm định rà soát chặt chẽ, toàn diện... đã được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú xem xét, đánh giá. Tại đại hội thì các đồng chí cấp ủy viên đương nhiệm là người đã biểu quyết thông qua danh sách chuẩn bị cho đoàn Chủ tịch đại hội trình tại đại hội (hội nghị) thì phải chấp hành với danh sách đó-tức là chấp hành nghị quyết của Đảng.

Tại đại hội (hội nghị) có một số ý kiến ứng cử hoặc đề cử nhân sự ngoài danh sách cấp ủy đương nhiệm chuẩn bị chỉ là thiểu số và chắc chắn sẽ không chất lượng bằng số thành viên có trong danh sách. Vì vậy, danh sách do cấp ủy cấp triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị được đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị) trình phải là danh sách đề cử chính thức trong danh sách bầu cử.

Nguyễn Kim Long
UVBTV Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh