.

Những ý kiến tâm huyết đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ Sáu, 18/10/2013, 07:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Đợt sinh hoạt chính trị lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở tỉnh ta  đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến ngày 30-9-2013, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 530 hội nghị, hội thảo, có trên hàng chục vạn lượt người tham gia dự hội nghị, đóng góp ý kiến. Tuyệt đại đa số ý kiến đều đồng tình cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, đi sâu phân tích, đề xuất vấn đề quan trọng.

Qua tổng hợp báo cáo góp ý vào Dự thảo, có 10 tổ chức tham gia góp ý kiến bằng văn bản (gồm 7 huyện, thành phố và 4 cơ quan đơn vị cấp tỉnh). Đồng thời các địa phương trong tỉnh đã phát 217.292 phiếu xin ý kiến đến hộ gia đình và đến thời điểm tổng hợp đã thu về được 181.545 phiếu. Kết quả tổng hợp cho thấy đa số ý kiến nhất trí với nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến tham gia góp ý tập trung chủ yếu ở phần Lời nói đầu, Chương I - Chế độ chính trị, Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Chương IX Chính quyền địa phương...

Hầu hết các ý kiến góp ý về phạm vi, mức độ sửa đổi đều cho rằng so với thời điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tình hình đất nước ta đã có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Vì vậy việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực chủ động hội nhập quốc tế... là cần thiết. Phạm vi và mức độ sửa đổi theo Dự thảo tương đối hợp lí trong hoàn cảnh nước ta hiện nay.

Đại diện Hội Cựu Chiến binh tỉnh tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đại diện Hội Cựu Chiến binh tỉnh tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tuyệt đại đa số ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có sự kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, cụ thể hoá nhiều nội dung quan trọng của Cương lĩnh xây dựng đất nước, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, bổ sung được một số chế định mới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Dự thảo đã thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đây là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và phát triển đất nước.

So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi có những ưu điểm nổi bật như kỹ thuật lập hiến có nhiều tiến bộ, nội dung sâu rộng, chú trọng hơn đến quyền con người với việc có hẳn một chương (Chương II) quy định về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Đặc biệt Dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và có quy định mới về thẩm quyền của Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Trong chương về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, môi trường... quy định khá khái quát, có tính nguyên tắc thay vì chi tiết như Hiến pháp năm 1992, có nhiều điểm sửa đổi về các hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội theo quan điểm phát triển bền vững, lược bỏ đi những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp năm 1992.

Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân trong tỉnh, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Quảng Bình đã có một số kiến nghị như sau: Dự thảo cần làm rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân, cần thể hiện rõ chủ quyền nhân dân, các nguyên tắc tổ chức của bộ máy nhà nước chưa được thể hiện một cách rõ nét trong Dự thảo, đề nghị cần cụ thể hơn vấn đề này. Dự thảo cũng chưa thể hiện rõ về cơ chế phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhà nước ta nhưng trong các quy định về tổ chức bộ máy lại chưa có cơ chế tương xứng.

Qua quá trình tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân, có 1 ý kiến đề nghị bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đối với ý kiến này, Ban Chỉ đạo đề nghị không tiếp thu bởi vì lịch sử Việt Nam đã chứng minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội đã được lịch sử kiểm nghiệm là tất yếu của lịch sử. Bên cạnh đó, thời gian qua các thế lực thù địch luôn coi Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu chống phá, đòi thay đổi Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo hướng làm giảm, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kì hiện đại hoá, công nghiệp hoá. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam như quy định tại Điều 4 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 là điều tất yếu, không thể sửa đổi và không có gì có thể thay thế được.

Đối với ý kiến đề nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Lao động Việt Nam, đề nghị không tiếp thu vì với tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam thì Đảng ta mới thể hiện được hết là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Đối với ý kiến đóng góp đối với tên Chương X - CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG đề nghị sửa đổi thành HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN như Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên hiện nước ta đang thí điểm thực hiện một số địa phương không thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện, vì vậy đổi tên chương theo ý kiến đề nghị này sẽ không phù hợp. Do đó đề nghị giữ nguyên tên Chương X như Dự thảo là phù hợp.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước đồng thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đề nghị giữ nguyên chức vụ như Dự thảo vì thực tiễn đã chứng minh các đồng chí lãnh đạo khi được phân công đảm nhận các trọng trách này đã và đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành và đưa đất nước ta ngày càng phát triển đi lên. Vì vậy quy định như Dự thảo là phù hợp.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước nên để nhân dân tự bầu, đề nghị không tiếp thu. Bởi vì quy định như Dự thảo là Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội là hợp lí, bảo đảm đã có sự lựa chọn khắt khe của cử tri khi bầu cử đại biểu Quốc hội. Như vậy sẽ không cần phải tổ chức một cuộc bầu cử, tranh cử khác cho việc bầu chức danh này, hạn chế sự tốn kém, lãng phí không cần thiết. Thực tế qua việc thực hiện các Hiến pháp trước đây và qua bầu cử chức danh này trong thời gian qua đã khẳng định tính phù hợp của việc Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số đại biểu Quốc hội.

Có thể nói, đợt sinh hoạt chính trị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở tỉnh ta thực sự dân chủ, các tầng lớp nhân dân đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc, đất nước.

Trọng Thái