.

Những cánh chim không mỏi

Thứ Tư, 01/11/2017, 22:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với nhiều người, nghỉ hưu không có nghĩa là tận hưởng những tháng ngày an nhàn, ngơi nghỉ mà là tiếp tục hành trình đóng góp, cống hiến năng lực, trí tuệ của mình cho các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, việc làng, việc xã, góp phần xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu.

Nặng lòng với chữ “Tâm”...

Sau những năm tháng làm việc cho ngành ngân hàng và tài chính, năm 2001, ông Phạm Quang Lịch, Giám đốc Sở Tài chính về hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông được cử làm Chủ tịch Hội khuyến học phường Hải Đình. Năm 2003, khi tỉnh có chủ trương thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, được sự tín nhiệm của Tỉnh ủy, ông được cử làm Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh. Ông Lịch cho biết, khi mới thành lập, hội gặp muôn vàn khó khăn: không có kinh phí để hoạt động, không có trụ sở làm việc, tổ chức hội rời rạc, không đồng nhất... Nhưng, bằng nỗ lực lớn của tập thể Ban chấp hành hội, đến nay, mọi việc đã đi vào nền nếp. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã xây dựng, phát triển được 23 chi hội ở các cơ quan, đơn vị, công ty...

Gần 15 năm làm công tác bảo trợ bệnh nhân nghèo cũng đồng nghĩa với từng đó thời gian, ông đã không quản ngại nắng, mưa, đôi chân không nghỉ, tìm đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, vận động dòng họ, hội đồng hương, một số tổ chức Phật giáo, Việt kiều ở nước ngoài... đóng góp kinh phí để duy trì, tạo nguồn quỹ cho hội. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân nghèo được mổ tim, mổ mắt miễn phí, được hỗ trợ xe lăn và những bữa ăn miễn phí...

 Dù tuổi đã cao, nhưng ông Phạm Quang Lịch vẫn luôn tâm huyết với công tác bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Dù tuổi đã cao, nhưng ông Phạm Quang Lịch vẫn luôn tâm huyết với công tác bảo trợ bệnh nhân nghèo.

“Làm công tác bảo trợ bệnh nhân nghèo chỉ có lòng nhiệt tình thôi thì chưa đủ mà phải có cái tâm và chữ nhẫn. Những người nghèo vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn nên khi bị bệnh, cuộc sống của họ càng lâm vào bế tắc, túng quẫn. Vì vậy, tôi luôn mong muốn được đồng hành cùng với những mảnh đời kém may mắn. Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là góp phần giúp những bệnh nhân nghèo được cứu sống, mang lại ánh sáng cho họ”, ông Phạm Quang Lịch chia sẻ. Chính vì lẽ đó, với cái tâm của người đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông không nề hà khó khăn, chỉ mong sao cống hiến sức lực của mình cho công tác bảo trợ bệnh nhân nghèo. Ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác: “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm...” và đây cũng là kim chỉ nam cho những việc làm, hành động của ông đối với bệnh nhân nghèo.

Cũng như ông Lịch, ông Hoàng Thanh Mai, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bố Trạch chia sẻ: “Với tâm tư của người làm công tác văn hóa, mong muốn cuối đời của tôi là làm từ thiện. Sau khi nghỉ hưu, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Bố Trạch, đó như là cơ duyên để tôi thực hiện mong muốn của mình. Chúng ta là những người may mắn, bởi xung quanh còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa.  Toàn huyện Bố Trạch hiện có 3.367 người tàn tật, 326 trẻ mồ côi (91 cháu mồ côi cả cha và mẹ). Vì vậy, tôi muốn chia sẻ, bù đắp những mất mát cho những con người ấy. Dẫu rằng, những lời động viên, những món quà mọi người quyên góp không thể xóa hết nỗi đau họ đang gánh chịu, nhưng cũng giúp họ có động lực để vươn lên trong cuộc sống. Tôi thấy ấm lòng vì những đứa trẻ mồ côi, những người tàn tật không còn cô độc khi có sự quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng”.

Không chỉ riêng ông Lịch, ông Mai mà còn nhiều người là cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... với những mảnh đời khó khăn, kém may mắn, qua đó, tạo nên sự sẻ chia, gắn kết trong cộng đồng.

... Thể hiện chữ “tài”

“Để phong trào ở cơ sở, địa phương phát triển, vấn đề mấu chốt là công tác cán bộ. Những năm qua, cán bộ hưu trí đã thể hiện rõ vai trò của mình, họ trở thành cán bộ nguồn của thôn, xã. Các đồng chí cán bộ nghỉ hưu về đảm nhiệm vai trò cán bộ thôn xóm là những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, nên các phong trào trên địa bàn, nơi các đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đều rất tốt, đời sống dân cư ổn định, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó keo sơn. Rõ ràng, họ đã góp phần không nhỏ trong việc giữ vững bình yên, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, khu dân cư”, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh khẳng định.

Quả thực, dù đã nghỉ hưu nhưng bằng trí tuệ, sự tận tâm, tận lực với công việc, họ vẫn tích cực hoạt động để xây dựng làng quê.

Ông Lê Văn Thất (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), nguyên trợ lý chính trị tại Thị đội Đồng Hới (nay là Thành đội Đồng Hới) nghỉ hưu với quân hàm đại úy, hiện là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thượng. Ông luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Năm 2013, ngoài số tiền người dân đóng góp, ông đã kêu gọi con em xa quê làm ăn thành đạt, đến tận các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thôn tuyên truyền, vận động đóng góp thêm ngày công, kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2016, ông đã vận động người dân trong thôn đóng góp kinh phí xây dựng nhà tưởng niệm để ghi nhớ công lao của cha ông ngày xưa đã có công khai khẩn đất đai, lập làng và những anh hùng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn vận động một số hộ dân hiến đất nhằm mở rộng, cải tạo đường trục chính, đường ngang; gom rác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan thôn xóm xanh- sạch- đẹp..., góp phần xây dựng nông thôn mới. Vậy nên, thôn Thượng đã được UBND tỉnh tặng bằng khen danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu 10 năm liền.

Đối với ông Hoàng Thanh Mai (bên trái), niềm vui lớn nhất là được giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi.
Đối với ông Hoàng Thanh Mai (bên trái), niềm vui lớn nhất là được giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi.

Cũng ở huyện Quảng Ninh, khi đến thăm xã Hiền Ninh chúng tôi mới thấy được sự “thay da đổi thịt” của vùng quê này, đúng như lời đồng chí Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, trước đây, Hiền Ninh là một trong những xã khó khăn của huyện, nhưng những năm gần đây, Hiền Ninh có nhiều bước tiến rõ rệt. Có được thành công đó không thể phủ nhận vai trò của đội ngũ cán bộ hưu trí về giữ chức vụ cán bộ thôn xóm, trưởng các đoàn thể...

Trước đây, ông Lê Ngọc Châu (Hiền Ninh, Quảng Ninh) công tác ở Công an huyện Quảng Ninh. Sau khi nghỉ hưu, với vai trò trưởng ban xây dựng, ông đã vận động người dân đóng góp trên 100 triệu đồng để tu sửa, tôn tạo 2 giếng cổ (giếng Miệu, giếng Cây Dừa). Với thành công bước đầu, ông được nhân dân tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bắc Cổ Hiền. Với tác phong sâu sát quần chúng, ông luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để tập trung giải quyết và đề xuất lên cấp trên. Ông đã cùng với cấp ủy, ban cán sự thôn tổ chức khảo sát đời sống kinh tế từng hộ gia đình, nêu gương những hộ gia đình làm kinh tế giỏi để nhân rộng mô hình làm ăn, lập kế hoạch xóa đói giảm nghèo... Vì vậy, số hộ nghèo trong thôn giảm từ 14,2% năm 2013 xuống 5,9% năm 2017.

Ông Châu tâm sự: “Phương châm làm việc của tôi là “Nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin”. Tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho phong trào ở cơ sở, địa phương và không ngừng phấn đấu nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin của người dân”.

Dù tuổi đã cao, nhưng các cán bộ hưu trí vẫn say mê, miệt mài cống hiến tâm, trí lực của mình cho cộng đồng, xã hội. Họ như những con ong cần mẫn, ngày ngày lặng thầm góp thêm mật ngọt cho đời và hành trang họ mang theo là lý tưởng “vì dân phục vụ”.

An Nhiên