.

Bé gái nghi bị dí sắt nung vào người đã được cách ly khỏi bố và mẹ kế

Thứ Ba, 28/11/2017, 21:28 [GMT+7]

Liên quan đến vụ việc bé gái T (học sinh tiểu học tại xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bị bạo hành gây xôn xao dư luận, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành đã chính thức cách ly cháu T với cha ruột và mẹ kế. Hiện cháu T đang được bà nội chăm sóc

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên ngày 28-11, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã cũng cấp một số thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc này.

- Thưa ông, xin ông cho biết những thông tin mới nhất về vụ việc bé gái nghi bị bố bạo hành ở Kiên Giang?

Ông Đặng Hoa Nam: Sau khi nhận được thông tin phản ánh của giáo viên về việc cháu T (7 tuổi) nghi bị bố bạo hành, dí sắt nung khiến bé bị bỏng vào ngày 24-11, ngay lập tức sáng ngày 25-11 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành đã chỉ đạo kịp thời việc cách ly cháu khỏi gia đình.

Chiều ngày 26-11, Ủy ban nhân dân xã đã thành lập hội đồng theo Luật Trẻ em để đưa ra biện pháp bảo vệ, hỗ trợ cho cháu một cách tốt nhất, chăm sóc các vết thương cho cháu tại trạm y tế xã. Cơ quan công an cũng đã tiến hành điều tra vụ việc.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành đã chính thức cách ly cháu T với cha ruột và mẹ kế. Hiện cháu T đang được bà nội chăm sóc.

- Những vụ việc bạo hành trẻ em thường khiến các em hoảng loạn, vậy thì quá trình lấy lời khai, điều tra sẽ phải thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam: Cháu đang trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, lúc nói bị bố dí sắt nung vào người lúc thì nói bị ngã vào lò điện đang nóng, cơ quan công an chưa đưa ra kết luận mà sẽ đưa cháu đi giám định và tiếp tục điều tra.

Không chỉ trong vụ việc này mà ngay cả trong nhiều vụ việc các trẻ em là nạn nhân, ví dụ như vụ trẻ bị dâm ô ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), tại cơ quan công an trẻ cũng lúc nói thế này lúc nói thế khác, đây là triệu chứng hết sức phổ biến trong các vụ việc trẻ em bị xâm hại, kể cả trẻ là nạn nhân lẫn trẻ là nhân chứng. Chính vì vậy, công tác điều tra các vụ việc xâm hại trẻ em cần phải có sự tham gia của những người làm công tác bảo vệ trẻ em, chuyên gia tư vấn tâm lý.

Về lâu dài, chúng ta đang xây dựng một hệ thống điều tra thân thiện với trẻ em, không chỉ với trẻ vi phạm pháp luật mà với trẻ là nạn nhân. Hệ thống này đòi hỏi cán bộ công an vừa là người được đào tạo về tâm sinh lý trẻ em, vừa được tập huấn về nghiệp vụ điều tra với đối tượng trẻ em. Mặc khác, công an phải phối hợp với các chuyên gia tâm lý, giáo viên… để bảo vệ trẻ một cách tốt nhât, trước hết là để trẻ ổn định về mặt tâm lý, sau đó thì trẻ tham gia vào quá trình cung cấp thông tin chứng cứ.

Nếu trẻ đang hoảng loạn mà quá trình lấy thông tin gây tổn hại cho trẻ phải dừng lại vì như vậy là vi phạm nguyên tắc về lợi ích tốt nhất cho trẻ, phải lấy thông tin và điều tra qua những con đường khác.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: humanrightskorea.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: humanrightskorea.org)

- Vụ việc ở Kiên Giang càng khiến dư luận căm phẫn vì nghi phạm bạo hành trẻ là chính là cha của bé, những trường hợp như vậy trẻ cần được bảo vệ như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, chính những người chăm sóc trẻ em là những người gây tổn hại cho trẻ, có hành vi bạo lực với trẻ nhiều nhất. Trường hợp cha, mẹ trẻ bạo hành trẻ là trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp. Trong Nghị định 56/2017/CP-NĐ đã quy định chi tiết quy trình làm thế nào để bảo vệ trẻ em tốt nhất, trong đó bao gồm cả các biện pháp cách ly trẻ khỏi môi trường bạo lực.

Nghị định 56 quy định rất rõ trong thời gian bao lâu phải cách ly trẻ, cụ thể là trong 12 tiếng phải cách ly trẻ khỏi môi trường bạo lực và chậm nhất trong thời gian 5 ngày làm việc, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải phê duyệt kế hoạch hỗ trợ hành động, trong đó phân công đầy đủ những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên địa bàn xã. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp các dịch vụ khác để bảo vệ trẻ em. Tất cả các dịch vụ này do kinh phí nhà nước hỗ trợ.

Đặc biệt, trong những trường hợp cha mẹ, người thân trong gia đình xâm hại, bạo lực trẻ, việc cách ly trẻ không thuộc ý chí của cha mẹ trẻ mà thuộc về các cơ quan thực thi pháp luật.

Trong vụ việc bé gái nghi bị cha đẻ bạo hành ở huyện Châu Thành, Kiên Giang, ngay lập tức Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập đoàn liên ngành xuống gặp gỡ đối tượng và cùng với cơ quan công an… triển khai các biện pháp để kịp thời can thiệp, cách ly trẻ.

- Từ những lời tố cáo của giáo viên mà vụ việc được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ nhưng phía cha và mẹ kế của bé lại tố ngược giáo viên gợi ý bé khai bị bố bạo hành, ông đánh giá thế nào về tình huống này?

Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, việc giáo viên thấy trẻ bị tổn thương và kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng là đáng khen ngợi.

Luật Trẻ em đã quy định, không cần biết thủ phạm bạo hành trẻ em là ai, chỉ cần thấy trẻ em có dấu hiệu bất thường, bị tổn thương không chỉ về thân thể mà cả tinh thần thì đều có quyền phản ánh đến cơ quan chức năng. Trách nhiệm phỏng đoán này dù không đúng cũng không bị truy cứu là vu khống. Việc xác minh vụ việc là hay hay sai là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Nghị định 56 cũng quy định rõ, người có trách nhiệm trước hết trong việc thông báo thông tin tố giác những hành vi gây tổn hại cho trẻ trước hết là cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, những người thầy thuốc hành nghề chữa bệnh và khám bệnh, còn lại là toàn bộ cá nhân, tổ chức trong xã hội khi thấy trẻ bị có dấu hiệu xâm hại, tổn thương đều phải thông báo đến cơ quan chức năng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)