.
Chuyện tuần này:

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt"

Thứ Sáu, 20/10/2017, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là câu nói của người xưa đã được chắt lọc qua thời gian để chỉ những người đang “ăn bám” vào rừng, làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, những loài cây bản địa giá trị có nguy cơ tuyệt chủng. Và rồi hậu quả không chỉ mình họ gánh chịu mà cả cộng đồng phải lãnh đủ trước cơn nóng giận bất thường của thiên nhiên.

Hình ảnh làm lay động hàng triệu trái tim trong những ngày qua là sự thiệt hại về người và tài sản quá khủng khiếp của đồng bào ở vùng Tây Bắc khi mưa, lũ tràn qua. Ngoài những yếu tố về thiên nhiên trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, thì một trong những nguyên nhân rất dễ dàng nhận thấy, đó là tình trạng chặt phá bừa bãi rừng tự nhiên khiến lũ lụt ngày càng tàn khốc.

Chính vì vậy, trong cuộc hợp trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ 3 chủ trương lớn nhằm bảo vệ rừng, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra nạn phá rừng.

Một diện tích rừng ven đường Hồ Chí Minh nhánh đông, bị đốt để trồng rừng.
Một diện tích rừng ven đường Hồ Chí Minh nhánh đông, bị đốt để trồng rừng.

Quảng Bình là một trong những địa phương có độ che phủ rừng nhất nhì toàn quốc, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ đạt tỷ lệ khoảng 70%. Tuy nhiên, qua thực tế tỷ lệ này sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đặc biệt là ý thức của người dân nói chung trong việc sử dụng các sản vật từ rừng. Không thể phủ nhận kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh mà các cơ quan có liên quan đã thực hiện trong thời gian qua.

Nhưng đây đó vẫn còn những điểm nóng về tình trạng chặt phá rừng tự nhiên, mà khu vực Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong số đó. Với diện tích hơn 123 ngàn ha, tiếp giáp với 13 xã vùng đệm của 3 huyện là Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa, Vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều động vật, thực vật quý hiếm lại tiếp giáp với nhiều xã có đồng bào dân tộc thiểu số đời sống phụ thuộc nhiều vào rừng.

Do vậy, thời gian qua, trong lâm phận của Vườn và các xã vùng đệm đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng như: khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép gỗ huê, hương giáng, phong lan; săn bắt động vật hoang dã trái phép, nhất là linh trưởng và các loại động vật nằm trong Sách đỏ... mà chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để.

Đặc biệt, trong khoảng đầu tháng 9-2017, trên địa bàn nổi lên việc người dân vào rừng chặt hạ cây để khai thác hạt dổi. Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra và phát hiện 13 cây bị chặt hạ, bắt 4 vụ với 15 đối tượng, trong đó có 8 đối tượng bị bắt giữ khi đang khai thác.

Chúng ta không biết với 13 cây gỗ dổi bị chặt hạ “lâm tặc” thu hoạch được bao nhiêu kg hạt và lợi ích kinh tế mang lại cho họ, nhưng điều thấy trước mắt là rừng bị tàn phá, người dân rồi phải nhận lấy hậu quả khi thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ.

Vấn đề đặt ra ở đây là lực lượng chức năng tuy đã tổ chức lực lượng truy quét, đẩy đuổi những đối tượng vào mùa thu hoạch hạt dổi, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như đường 20 Quyết thắng, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Trộ Mợng... nhưng hiện tượng (phá rừng) này vẫn cứ xảy ra. Vì sao vậy?

Có lẽ ngoài những biện pháp cứng rắn với chế tài mạnh, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tạo ra sinh kế hợp lý và có tính bền vững cho người dân.

Minh Văn