.

Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

- PV: Xin đồng chí cho biết vài nét về công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm ở tỉnh ta thời gian qua?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Xác định vai trò quan trọng của Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh ta đã vào cuộc quyết liệt thể hiện quyết tâm cao trong việc huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình này.

Đây được đánh giá là chương trình thể hiện cao “ý Đảng hợp lòng dân”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 05- CTr/TU ngày 13-7-2016 về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020, và UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 1500/KH-UBND ngày 12-9-2016. Từ đó, công tác chỉ đạo càng sâu sát, cụ thể, phát huy được sự năng động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của mỗi đồng chí đảng viên giữ trọng trách.

Tỉnh đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ theo dõi giúp đỡ các xã nghèo. UBND tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo cho các huyện, thị xã, thành phố, ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016- 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình theo Quyết định 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc kịp thời ban hành Quyết định số 3879/QĐ-UBND ngày 5-12-2016 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ công nhận 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; 40 xã và 27 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2016- 2020.

Có thể nói, chưa bao giờ công tác giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm lại được cả xã hội quan tâm đến như vậy. Tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tại huyện Minh Hóa, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thi đua - Khen thưởng xây dựng dự thảo quy định của UBND tỉnh về thi đua khen thưởng trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020 cùng nhiều giải pháp quan trọng khác.

- PV: Đồng chí Giám đốc có thể phân tích thêm những khó khăn khi thực hiện chương trình?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Trong công cuộc thực hiện xóa đói giảm nghèo, vấn đề giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm luôn được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, năm 2016, tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Sau thảm họa môi trường biển do công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa) ở Hà Tĩnh gây ra, tiếp tục là lũ chồng lũ vào cuối năm 2016, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, việc làm của nhân dân.

Sàn giao dịch việc làm - địa chỉ đáng tin cậy của người lao động.
Sàn giao dịch việc làm - địa chỉ đáng tin cậy của người lao động.

Khó khăn tiếp theo là kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm phân bổ chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chính sách, dự án của chương trình. Việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn các xã nghèo, huyện nghèo còn hạn chế, chủ yếu mới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vì vậy, chưa kích thích phát triển sản xuất tại chỗ. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nên một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động ở một số nơi không ổn định, thường xuyên thay đổi, khối lượng công việc lớn..., từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tham mưu thực hiện chương trình.

Mặt khác, cách thức, bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo Thông tư 17/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn bất cập, cách tính điểm tài sản, điều kiện sống của hộ gia đình chưa hợp lý, gây khó khăn trong công tác rà soát hộ nghèo.

- PV: Đồng chí có thể cho biết kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm thời gian qua?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 34.083 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14, 42%; 29.859 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 12, 64%.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do sự cố môi trường biển, ảnh hưởng của hai trận lũ lịch sử trong tháng 10, tháng 11, nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, sự nỗ lực của các hộ nghèo cùng với việc thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm trong năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh dự ước giảm trên 2%.

Về giải quyết việc làm, đối với chương trình cho vay vốn tạo việc làm, tính đến 30-10-2016, tổng nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia về việc làm là 92.438 triệu đồng, trên 4.288 khách hàng vay với tổng dư nợ trên 89 tỷ đồng, doanh số cho vay 29 tỷ đồng.

Đối với chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhờ sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, sự nỗ lực của người lao động, năm qua toàn tỉnh đã có 2.430 lao động được tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, năm 2016, chương trình đăng ký đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản đã thu hút trên 2.500 người lao động tham gia dự tuyển.

Tính đến 31-12-2016, toàn tỉnh có 32.510 người được giải quyết việc làm. Có nhiều mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả đã được các địa phương khuyến khích nhân rộng, đặc biệt các mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản... ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển.

- PV: Để Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020 đạt được hiệu quả cao hơn, tỉnh ta đã đề ra những giải pháp gì?

- Đồng chí Nguyễn Trường Sơn: Để phấn đấu thực hiện những chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm do HĐND tỉnh giao, như: giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2- 2,5%, phấn đấu giải quyết việc làm cho 35.000 lao động, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp bình quân chung toàn tỉnh xuống dưới 2%, phấn đấu tuyển sinh dạy nghề cho 13.980 người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 41%, lãnh đạo tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp khá cụ thể. Trong đó, nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo tập trung gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm. Lấy hiệu quả, kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm làm tiêu chí thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương, cơ sở và đảng viên hàng năm. Hàng năm, các đồng chí được phân công phụ trách các xã nghèo phải xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể và có báo cáo kết quả giúp đỡ xã nghèo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cơ quan Thường trực Chương trình giảm nghèo- giải quyết việc làm của tỉnh. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng đóng tại các xã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn cách thức sản xuất, giúp dân thoát nghèo.

Đối với công tác tuyên truyền, cần tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lĩnh vực giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, biểu dương những tấm gương điển hình về giảm nghèo, làm giàu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội; tập trung nhân rộng, quảng bá các mô hình giảm nghèo hiệu quả gắn với cộng đồng, phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng địa bàn. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo định hướng cho nhân dân trong sản xuất kinh doanh.

Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tranh thủ tối đa việc bổ sung nguồn vốn từ Hội sở chính để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; tăng cường huy động tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, tăng nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm của tỉnh, huyện qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Các địa phương lồng ghép nguồn lực chương trình giảm nghèo với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo hướng ưu tiên đầu tư vào các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Về nhóm giải pháp tổ chức thực hiện, thu hút thêm nhiều dự án mới đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, sớm đưa các dự án trọng điểm của tỉnh đi vào hoạt động để giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn ở các xã nghèo, xã thuần nông, địa bàn bị thu hồi đất, vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Cơ quan chức năng tập trung phối hợp với các địa phương triển khai đề án khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, tiếp tục tổ chức nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch việc làm; tăng cường công tác đào tạo nghề; đa dạng hóa hình thức, phương pháp, cách thức đào tạo nghề phù hợp cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế- xã hội từng địa phương.

Có thể nói, việc huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm giai đoạn 2016- 2020 đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo thực hiện, tạo nên không khí thi đua sôi nổi nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Là cơ quan thường trực của Chương trình giảm nghèo- giải quyết việc làm tỉnh, toàn thể CBCCVC ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã và đang nỗ lực cố gắng để thực hiện một cách hiệu quả nhất nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh phân công.   

- PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Phan Hòa (thực hiện)