.

Nhức nhối chợ tự phát!

Thứ Bảy, 23/01/2016, 11:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện khá nhiều tụ điểm họp chợ tự phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tình hình an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, nông thôn. Hệ lụy của chợ tự phát đã được thấy rõ nhưng bao giờ dẹp bỏ được. lại là câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp, dù thực trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Chợ tự phát “ăn theo”, lấn lướt “chợ chính thống”

Đó chính là thực trạng mà chúng tôi ghi nhận được tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù nhiều địa phương đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng chợ "chính thống" khang trang, kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trao đổi, mua bán hàng hóa nhưng lại không thể phát huy hết tác dụng và nghiễm nhiên bị chợ tự phát lấn lướt.

Đơn cử như trường hợp chợ ở Nhân Trạch (Bố Trạch). Có mặt tại khu vực chợ Nhân Trạch từ 8 giờ 30 phút sáng, chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp với đủ loại hàng hóa. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là cảnh mua bán tấp nập này không phải diễn ra trong chợ mà ngay trên các trục đường dân sinh quanh chợ.

Cảnh mua bán tập nập tại chợ tự phát ngay sát kề chợ Nhân Trạch.
Cảnh mua bán tập nập tại chợ tự phát ngay sát kề chợ Nhân Trạch.

Tại đây, hàng hóa được bày bán la liệt từ các mặt hàng tươi sống như rau, dưa, cá, thịt; thực phẩm nấu chín như xôi bắp cho đến các vật phẩm thiết yếu khác như khẩu trang, găng tay, giày, dép... Đoạn đường vốn chẳng mấy rộng rãi nay bị chợ tự phát lấn chiếm nên đang bị co hẹp trông thấy. Cả kẻ bán lẫn người mua đều ngang nhiên để xe choán hết cả lòng đường, gây ách tắc giao thông, cản trở các phương tiện lưu thông, qua lại khu vực này.

Trái hẳn với cảnh huyên náo trên các trục đường xung quanh, bên trong khu chợ Nhân Trạch lại khá đìu hiu. Tại tầng một của chợ chỉ lác đác vài hàng rau, hàng thịt... Nếu phía ngoài đường, người bán chen nhau từng chỗ ngồi, địa điểm bán thì ở đây lại để trống rất nhiều chỗ. Tầng một đã thế, tầng hai lại càng lãng phí hơn khi bị để trống, “làm cảnh” từ bấy lâu nay.

Một tiểu thương ở chợ cho biết: “Trước đây, vì tầng hai không có người mua bán nên thỉnh thoảng, ban quản lý chợ đã cho một số nhà dân xung quanh thuê làm địa điểm tổ chức cưới hỏi, đình đám khi cần. Hiện nay, do đã có địa điểm khác, dân họ không thuê nữa nên tầng hai bị bỏ trống hoàn toàn, chẳng ai ngó ngàng tới”. Điều đáng nói hơn nữa là việc họp chợ tự phát gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường lại diễn ra ngay trên đoạn đường trước khu vực UBND xã Nhân Trạch.

Đem thắc mắc này đến hỏi ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã, chúng tôi được ông giải thích: “Trước đây, khi chợ Nhân Trạch còn là chợ tạm, do thiếu địa điểm nên bà con thường bày hàng hóa ra dọc các trục đường để bán. Đến nay, mặc dù chợ đã được xây dựng lại khang trang nhưng có lẽ do đã thành thói quen khó bỏ nên bà con vẫn tiếp tục duy trì hình thức mua bán này. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng rồi đâu lại hoàn đó, không cải thiện được là bao”. 

Nhân Trạch không phải là trường hợp cá biệt. Hiện nay, rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta, chợ tự phát, chợ cóc, chợ xép đua nhau mọc lên nhan nhãn. Cứ ở đâu có chợ chính thống là y như rằng ở đó có chợ tự phát “bám víu”, tạo thành một hệ thống chợ ồn ào, bát nháo.

Tại khu vực các chợ Nam Lý, chợ Cộn (thành phố Đồng Hới), chợ Lý Hòa (Bố Trạch), chợ Tréo (Lệ Thủy)... các trục đường quanh chợ bị nhiều người ngang nhiên chiếm lĩnh, bày bán đủ loại hàng hóa, biến thành chợ tự phát. Hoạt động của chợ tự phát này rất xôm tụ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chợ chính thống cũng như vấn đề trật tự, mỹ quan của khu vực.

Ngay cả những chợ lớn như chợ Đồng Hới, chợ Ba Đồn, Hoàn Lão... tình rạng này cũng diễn ra tương tự. Đó là chưa kể đến hàng chục điểm chợ cóc, chợ xép nằm rải rác dọc các tuyến đường. Đa số người mua đều có tâm lý “tiện đâu mua đó”. Họ chỉ việc dừng xe ngay đường là có thể mua được nhiều thứ mà không cần phải nhọc công gửi xe để vào chợ.

Chính vì nắm bắt được xu hướng tâm lý này của người mua nên đã có không ít người ngang nhiên bày bán hàng hóa ngay trên lòng, lề đường gây mất trật tự, ảnh hưởng đến mỹ quan và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì chẳng ai kiểm soát, bảo đảm được.

Bao giờ dẹp bỏ được?

Ngoài một vài thuận tiện trước mắt cho một bộ phận người mua kẻ bán thì chợ tự phát gây ra không ít phiền toái, hệ lụy mà trước hết là vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông. Lúc nào cũng ồn ào, lộn xộn, giao thông đi lại khó khăn là phàn nàn của không ít “khổ chủ” sống cạnh các chợ tự phát. Không chỉ vậy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở các khu vực này cũng đáng lo ngại.

Bên trong chợ Nhân Trạch lại đìu hiu, thưa vắng.
Bên trong chợ Nhân Trạch lại đìu hiu, thưa vắng.

Qua quan sát của chúng tôi, chợ tự phát thường có nhiều rác do người bán, người mua vứt lại bừa bãi. Còn việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dường như bị bỏ ngõ. Tuy nhiên, làm sao để dẹp bỏ được tình trạng này cho đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Đề cập việc dẹp bỏ chợ tự phát, hầu như cán bộ chính quyền những nơi có chợ tự phát đều kêu là rất khó vì người bán hàng ở đây luôn tìm mọi cách để tiếp tục kinh doanh, đuổi bên này thì chạy sang bên kia, đuổi hôm nay thì mai lại họp tiếp. Hoặc không ngồi một chỗ mà dùng xe thồ, xe đẩy bán hàng. Khi có lực lượng chức năng thì đẩy xe đi, khi yên thì lại kéo xe về...              

Một điều dễ nhận thấy hàng hóa ở chợ tự phát bao giờ cũng rẻ hơn trong các chợ chính thống vì không phải chịu bất cứ chi phí nào như tiền thuế, tiền thuê sạp và các loại phí khác. Vị trí bán hàng thì lại rất tiện lợi, người mua không cần phải vào chợ, không phải mất thời gian gửi xe. Hơn nữa, người bán ở chợ tự phát thường di chuyển địa điểm, chỉ nhóm họp vào thời điểm thích hợp có nhiều người mua nên hoạt động của chợ sôi nổi.

Có thể nói, hoạt động của chợ tự phát đã giải quyết được nhu cầu mua sắm nhanh những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày của người dân. Cho dù hàng hóa không có nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm, nhưng không ít người vẫn thích ghé mua hàng ở chợ tự phát vì sự thuận tiện và giá rẻ. Thế nên, việc chợ tự phát vẫn tồn tại và phát triển bất chấp việc không được phép hoạt động và bị đuổi, dẹp gắt gao không phải là điều khó hiểu.

Theo nhìn nhận của những “người trong cuộc” việc xóa bỏ và không để tái diễn chợ tự phát rất khó thực hiện trong một thời gian ngắn mà cần có lộ trình lâu dài. Đã đến lúc các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần quyết liệt vào cuộc để việc dẹp bỏ chợ tự phát không còn là chuyện “bắt cóc bỏ dĩa”.

Tâm An