.

Đồ chơi của trẻ

Thứ Ba, 15/09/2015, 18:33 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Một dịp lên với đồng bào Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), tôi chạnh lòng bởi những trò chơi ngày hè của những đứa trẻ có đôi mắt đen buồn thăm thẳm ấy. Không có đồ chơi nên tận dụng những khúc gỗ thừa, chúng đóng lại thành một tấm ván rộng chừng 20 cm, dài từ 40 – 50 cm, rồi gắn thêm 4 bánh xe nhỏ. Vậy là sau mấy giờ đồng hồ cặm cụi, chúng hiển nhiên có tấm ván trượt ưng ý.

Ở những con dốc cao quanh các bản làng Thượng Trạch, đâu đâu cũng thấy những đứa trẻ Ma Coong chơi trò này. Ván ngắn thì chơi 1 mình, nhưng những ván dài có thể ngồi chung 2, 3 đứa trẻ. Chúng ngồi ôm chặt lấy nhau rồi thả phanh trượt xuống cuối con dốc. Việc ván trượt bị gãy hay đâm vào bụi rậm gây trầy xước, thậm chí gãy chân, tay cho người chơi là chuyện thường ngày. Ngay tại bản Cà Roòng 1, phía cuối một con dốc cao là một ngầm nước chảy mạnh. Vậy là không ít lần, không phanh kịp, cả người cả ván từ đỉnh dốc rồi lao thẳng xuống suối.

Trò trượt ván của trẻ em Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
Trò trượt ván của trẻ em Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch).

Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, việc có một khuôn viên vui chơi và những đồ chơi bổ ích chỉ tồn tại trong những giấc mơ. Nên với các em nơi đây, sáng tạo và chơi những trò chơi nguy hiểm như thế âu cũng là chuyện dễ hiểu. Thiết nghĩ, trách nhiệm của toàn xã hội là xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ mà cụ thể nhất là những sân chơi bổ ích, để những tai nạn thương tâm vì trẻ thiếu sân chơi không còn xảy ra. Chỉ mong sao, khi cuộc sống sẽ dần khởi sắc thì những đứa trẻ ở các bản làng xa ngái ấy sẽ được thụ hưởng những tiện ích, rút ngắn dần khoảng cách của trẻ em miền xuôi với miền ngược.

2. Có 78% trẻ dưới 6 tuổi đã tiếp xúc với thiết bị công nghệ số. Đến độ tuổi 12, gần 100% trẻ đã sử dụng các thiết bị hiện đại này. Đây là kết quả do Trung tâm nghiên cứu văn hóa - giáo dục - đời sống xã hội TP. HCM khảo sát trẻ em ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...

Tại thành phố Đồng Hới, tuy chưa có một cuộc khảo sát thực tế nào nhưng một sự thật dễ thấy là ngày càng nhiều trẻ em tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy tính bảng... Tại nhiều quán cà phê mỗi dịp cuối tuần, không thiếu những cảnh khi người lớn say sưa chuyện trò thì những những đứa con của họ lại chăm chú chơi trò chơi điện tử. Nhiều trẻ cũng “lướt” điện thoại thành thạo chẳng khác gì người lớn. Trẻ nhỏ thì được bố mẹ cho chơi điện thoại để dễ ăn, uống. Trẻ lớn hơn một chút thì sau mỗi giờ học ở trường, về nhà lại cặm cúi vào máy tính bảng.

Thực tế cho thấy, tiếp xúc với công nghệ sẽ học hỏi được nhiều điều nhưng việc sử dụng các thiết bị này quá sớm dễ khiến trẻ bị “nghiện” dẫn đến xao nhãng học hành, vô cảm, ít giao tiếp với cha mẹ và người thân, lười vận động và có nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Đặc biệt những nội dung thiếu lành mạnh trong máy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng của trẻ con.

Con trẻ có quyền được vui chơi. Nhưng chơi gì và chơi như thế nào để thực sự an toàn, bổ ích là trách nhiệm của người lớn.

D.H