.
Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, năm 2015:

Ngôi trường đặc biệt

Chủ Nhật, 13/09/2015, 16:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Chăm sóc, giáo dục trẻ em vốn không phải là một công việc dễ dàng. Khó khăn càng nhân lên gấp bội khi những trẻ em ấy không may bị khuyết tật. Thế nhưng, tại xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) có một ngôi trường được xây lên để làm “điểm tựa” cho những mảnh đời không may mắn ấy. Tại đây, các em được chăm sóc, được học tập và hơn hết được “gieo mầm” cho những ước mơ của riêng mình. Ngôi trường đặc biệt ấy được xây lên bởi tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ của những con người rất đỗi bình dị, gần gũi mà đầy nhân ái, bao dung, đó là Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch.

Lần đầu tiên đặt chân đến Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch, nụ cười thân thiện, cái cúi đầu lễ phép của những đứa trẻ không may mang những khiếm khuyết về thể trạng hoặc trí tuệ khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Nhìn các em hồn nhiên vui đùa, say sưa với các hoạt động, chúng tôi hiểu ẩn sâu bên trong những hình hài không vẹn nguyên, trong bộ dạng ngây ngô của những mảnh đời bất hạnh ấy là những ước mơ tuy bình dị nhưng lại vô cùng mãnh liệt, bỏng cháy. Chính lòng nhân ái, sự tận tậm của những người thầy, người cô tại trung tâm này là “điểm tựa” để các em hòa nhập với cộng đồng.

Được thành lập từ tháng 8-2001, đến nay, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch đã trở thành mái ấm của nhiều trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã thuộc thị xã Ba Đồn, các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và một số em ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ngày mới thành lập, cả trung tâm chỉ có vẻn vẹn 7 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 24 học sinh với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Trải qua bao vất vả, đến nay, trung tâm đang nuôi dạy 96 trẻ khuyết tật với 16 lớp học được chia làm hai khối (khối tiểu học và khối giáo dục đặc biệt).

Giờ học toán của các học sinh khiếm thính tại trung tâm.
Giờ học toán của các học sinh khiếm thính tại trung tâm.

Ở đây, đa phần các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó, cộng với việc mang mặc cảm về một cơ thể không vẹn nguyên khiến nhiều em khi mới nhập trường luôn tỏ ra rụt rè, sợ sệt, thậm chí “không hợp tác” với các giáo viên.

Em Nguyễn Hữu Hoàng (SN 2006, ở xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) đến trung tâm khi được 3 tuổi trong tình trạng không biết nói. Em không có bố, suốt ngày sống với người mẹ bị câm, không có đối tượng giao tiếp nên em mặc nhiên không nói được dù đã hơn 3 tuổi. Khi mới vào trung tâm, Hoàng luôn tỏ ra sợ sệt, suốt ngày lủi thủi một mình dù các giáo viên luôn tìm cách cho em vui chơi cùng bạn bè.

Việc tập cho Hoàng phát âm cũng gặp rất nhiều khó khăn vì từ trước đến giờ em chưa hề giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nhưng với sự kiên trì, tận tâm của các thầy cô, Hoàng dần phát âm được, rồi từ giao tiếp bằng câu ngắn đến câu dài và hiện tại, em có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ bình thường như các bạn. Em cũng trở nên hòa đồng, vui vẻ hơn.

Việc dạy dỗ, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật là điều hết sức khó khăn, vất vả. Đòi hỏi những người trực tiếp dạy và chăm sóc các em không chỉ có kiến thức và kỹ năng cơ bản trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ, mà quan trọng hơn cả đó chính là sự kiên trì, nhẫn nại, và sâu xa hơn là tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ đối với những mảnh đời bất hạnh.

Hiểu được điều đó, các cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại trung tâm đều được chọn từ những người có trình độ chuyên môn ngành sư phạm, được đào tạo bài bản qua các khóa tập huấn giáo dục đặc thù cho trẻ khuyết tật và mang trong mình tình yêu, sự cảm thông rất lớn đối với các em.

“Vất vả nhất là dạy nhận thức và kỹ năng tự phục vụ cho các em ở khối giáo dục đặc biệt. Bởi vì nghĩ các em bị thiệt thòi nên nhiều bậc phụ huynh đã không ngần ngại “phục vụ” mọi nhu cầu cho con em họ. Chính điều này vô tình khiến cho các em bị mất đi kỹ năng tự phục vụ. Có nhiều em khi đến đây đã lớn tuổi nhưng ngay cả việc tự rửa mặt cũng không làm được. Với những em này, để dạy được cho các em hiểu và biết về cuộc sống, có kỹ năng quả là việc không đơn giản”, cô Kiều Thị Xuân Hương, Phó giám đốc trung tâm tâm sự.

Với mong ước thiết tha là nhìn thấy các em được khỏe mạnh, có ích cho xã hội, các giáo viên ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để mang đến cho trẻ quyền bình đẳng, được học tập, được vui chơi và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Ngoài việc học tập, trung tâm còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm khuyết khích, phát huy năng khiếu, kỹ năng sống, giúp trẻ  hòa nhập với cộng đồng như các chương trình liên hoan văn nghệ cho trẻ khuyết tật, các chương trình thiếu nhi... Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức một số lớp học nghề may để các em có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm khi rời trung tâm.

Từ mái nhà chung này, nhiều ước mơ của những đứa trẻ tật nguyền đã được chắp cánh bay cao, bay xa, để rồi các em không còn mặc cảm thân phận mà luôn nỗ lực vươn lên sống có ích cho đời, cho xã hội. Với những gì đã làm được, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch 4 năm liền đều đạt tập thể lao động xuất sắc và năm 2013 được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng bằng khen.

Đào Vân