.

Xuất khẩu lao động: Bài học từ Nhân Trạch

Thứ Sáu, 26/06/2015, 14:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn.

XKLĐ đóng vai trò to lớn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững bởi thông qua XKLĐ, người dân có điều kiện tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp và được giáo dục tác phong lao động công nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, địa phương nào biết huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, địa phương đó sẽ gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực này. Và bài học thành công ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) trong công tác XKLĐ những năm qua chính là đã biết huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đưa lao động địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Lê Thanh Hoành, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch chia sẻ: Từ khi luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực, bám sát sự chỉ đạo của huyện, xã đã xây dựng đề án XKLĐ, thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp xã. Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của xã đã kịp thời nắm bắt các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan để quản lý chỉ đạo công tác XKLĐ trên địa bàn; đồng thời chủ động giao dịch và liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị làm công tác XKLĐ có uy tín như Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội... nhằm nắm bắt nhu cầu lao động của thị trường để thông báo kịp thời cho người dân.

Qua quá trình xúc tiến công tác XKLĐ đã hình thành mối liên thông trong tạo nguồn và quản lý lao động giữa địa phương và nhiều đơn vị uy tín, nhờ đó bình quân mỗi năm, xã Nhân Trạch có từ khoảng 150 đến 200 người tham gia xuất khẩu lao động, mở rộng ở thị trường nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung đông nhất vẫn là ở các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga...

Nhiều gia đình có cùng lúc từ 3 đến 4 thành viên tham gia XKLĐ thành công đem về nguồn thu nhập đáng kể; điển hình như gia đình các ông Trần Thinh (thôn Dinh), Phạm Bảo (thôn Dinh), Nguyễn Ngão (thôn Bắc Dinh)... Với thu nhập bình quân từ 40 đến 50 triệu đồng/người/tháng, có thể khẳng định XKLĐ đã và đang đưa về nguồn ngoại tệ đáng kể, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương.

Cùng với công tác thông tin về nhu cầu thị trường lao động, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động xã còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động được vay vốn.

Tính đến nay, nguồn quỹ tín dụng nhân dân của địa phương phục vụ hoạt động XKLĐ đã lên đến trên 60 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn không chỉ của người dân xã Nhân Trạch  mà còn phục vụ các địa bàn lân cận như xã Quang Phú (Đồng Hới), xã Lý Trạch (Bố Trạch)... Cách làm cụ thể của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cùng với sự năng động, sáng tạo của người dân đã đưa đến cho xã Nhân Trạch những thành công  nhất định trên lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động XKLĐ trên địa bàn, giải pháp quan trọng mà địa phương đưa ra là: đẩy mạnh và tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến tận người dân các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về XKLĐ, chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức; thông tin đầy đủ cho người lao động về nhu cầu, điều kiện thị trường, tiêu chuẩn tuyển chọn lao động để người lao động chủ động đầu tư học tập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động quốc tế; xem xét lựa chọn những thị trường mang tính ổn định, truyền thống đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành liên quan nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro trong hoạt động XKLĐ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia XKLĐ...

Tin tưởng rằng với những giải pháp này, trong thời gian tới hoạt động XKLĐ trên địa bàn xã Nhân Trạch sẽ thêm phần khởi sắc, góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, từng bước nâng cao trình độ và xây dựng tác phong làm việc khoa học cho người lao động; qua đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của địa phương.

P.V