.

Khám, chữa bệnh nghề nghiệp: Thờ ơ... từ nhiều phía!

Thứ Ba, 23/06/2015, 16:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ trước đến nay, tỉnh ta vẫn chưa phát hiện và điều trị một ca bệnh nghề nghiệp nào. Đó là ghi nhận của ông Phan Văn Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Theo số liệu từ phía Liên đoàn Lao động tỉnh, tỉnh ta hiện có gần 60 nghìn công nhân viên chức lao động nơi có tổ chức công đoàn và trong đó có hơn 20.000 công nhân hiện đang lao động trong các đơn vị sản xuất. Dẫu đưa ra lập luận rằng, công nghiệp tỉnh ta vẫn còn chưa phát triển mạnh mẽ, không ít ngành nghề còn hoạt động cầm chừng, thiếu đầu tư, nhưng điều này khó để giải thích cho thực tế vì sao đến tận bây giờ, toàn tỉnh vẫn chưa có một ca bệnh nghề nghiệp nào (?!)

Chị A là công nhân của một nhà máy chế biến sản xuất ván, gỗ ép đặc thù tại Khu công nghiệp Tây Bắc TP.Đồng Hới. Với công việc chính là đứng máy ép, sấy và xếp buộc gỗ ép trong suốt nhiều giờ liền với môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho sức khỏe, chị thường xuyên bị đau lưng, nhức đầu và bệnh về hô hấp. Tình hình công ty làm ăn khó khăn cho nên thỉnh thoảng chị cùng các công nhân khác mới được đi khám sức khỏe định kỳ. Gần đây, khi bệnh trở nặng hơn, chị chủ động tự đi khám tại các cơ sở y tế, tự điều trị. Khi được hỏi vì sao không đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để khám bệnh nghề nghiệp và có được sự hỗ trợ tích cực hơn, chị cho biết, chưa hề nghe đến thông tin này và cũng ngại thủ tục phiền hà, rắc rối. Trường hợp giống chị A cũng khá phổ biến trong đội ngũ lao động tỉnh ta, và được xem là một trong những nguyên nhân gây khó khăn khi phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Không ít công nhân làm việc trong môi trường độc hại nhưng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các bệnh nghề nghiệp mình dễ mắc phải cũng như các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Không ít công nhân làm việc trong môi trường độc hại nhưng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các bệnh nghề nghiệp mình dễ mắc phải cũng như các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Bên cạnh đó, ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, Liên đoàn rất chú trọng công tác kiểm tra, giám sát về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tại các đơn vị, nhằm phát hiện bệnh nghề nghiệp, nhưng trong khi nhiều đơn vị thực hiện hiệu quả, thường xuyên, thì vẫn còn đó không ít đơn vị sản xuất triển khai đối phó, làm cho có và rất thiếu quan tâm đến sức khỏe người lao động.

Năm 2014, theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm triển khai tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 1.400 người lao động tại 45 cơ sở, đơn vị. Một con số còn khá khiêm tốn với số lượng các đơn vị trên địa bàn tỉnh ta, mặc dù biết rằng bên cạnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, vẫn còn một số cơ sở y tế khác cũng có chức năng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo Thông tư 14/2013 của Bộ Y tế, như: bệnh viện tỉnh, phòng khám tư nhân...

Ông Phan Văn Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng cùng chung quan điểm này, bởi, trên thực tế, để tìm ra một bệnh nghề nghiệp đòi hỏi phải có sự khám chữa bệnh thường xuyên, có quá trình theo dõi. Nhiều doanh nghiệp thỉnh thoảng mới tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, mỗi lần khám lại hợp đồng với một cơ sở y tế khác nhau, khiến hồ sơ khám bệnh không đầy đủ, việc phát hiện bệnh nghề nghiệp lại thêm khó khăn. Mặt khác, theo quy trình để phát hiện, giám định bệnh nghề nghiệp, đòi hỏi người lao động trước hết phải có hồ sơ của đơn vị sử dụng lao động, sau đó, đến khám tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và được lập hồ sơ bệnh án trình lên hội đồng giám định y khoa tỉnh để được giám định về bệnh nghề nghiệp mình mắc phải. Nếu đúng là người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, họ sẽ được hưởng các chế độ của Nhà nước. Đối với nhiều đơn vị sản xuất và người lao động, họ ngại ngần cho rằng quy trình này khá rườm rà, mất thời gian.

Để nâng cao chất lượng công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, góp phần phát hiện, giám định và điều trị bệnh nghề nghiệp, ông  Phan Văn Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, cần nâng cao chất lượng tuyên truyền về vai trò của công tác này đối với người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn giữa các bên tham gia trong các khâu triển khai, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt, như: ngành Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... Bản thân người lao động cần quan tâm và có sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với khám chữa bệnh định kỳ, cũng như đối với căn bệnh nghề nghiệp mà mình mắc phải.

Theo thông tư 14/2013 của Bộ Y tế, hiện nay, không chỉ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tham gia khám sức khỏe định kỳ cho người lao động mà các cơ sở y tế khác đủ năng lực cũng có thể tham gia, còn riêng khám bệnh nghề nghiệp là do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, với khó khăn về nguồn kinh phí, việc giám sát, quản lý của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đối với công tác này cũng không hề đơn giản, dễ nảy sinh yếu kém trong chất lượng chuyên môn, thiếu tính hệ thống trong quá trình thực hiện cũng như khó để bồi dưỡng, tăng cường trình độ chuyên sâu của đội ngũ những người thực hiện.

Mai Nhân