.

Chăm lo trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS: Nhân rộng yêu thương

Thứ Hai, 22/06/2015, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Được đến trường, được vui đùa với bạn bè cùng trang lứa và được bố mẹ đón sau mỗi buổi tan trường trong tình yêu thương ấm áp… những tưởng là điều bình thường trong cuộc sống đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, song lại là ước mơ, khát vọng của những đứa trẻ kém may mắn do căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Sự kỳ thị của cộng đồng xã hội đôi khi đã lấy đi tiếng cười hồn nhiên của các em và đó cũng là nỗi trăn trở của những bậc làm cha, làm mẹ-những người đang sống chung với AIDS, sống chung với những nỗi lo.

 

Học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng là một trong những yếu tố để trẻ phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ.
Học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng là một trong những yếu tố để trẻ phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ).

“Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” trong đó có việc bảo đảm quyền cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các quyền của trẻ em; hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em, thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em để bảo đảm cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngoài ra, để bảo đảm tốt hơn quyền của trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 84 và năm 2014, ban hành Quyết định 570, trong đó, quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là quy định trách nhiệm của Bộ GD-ĐT phải bảo đảm để trẻ nhiễm HIV/AIDS được đến trường.

Thế nhưng, do sự kì thị, cũng như lo sợ căn bệnh thế kỷ này đã khiến nhiều người trong xã hội vô tình tạo nên rào cản đối với những trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS. Đã có một số trường học gặp khó khăn do sự phản đối của phụ huynh khi tiếp nhận trẻ nhiễm HIV vào học. Cũng vì lý do này mà con đường đến trường của trẻ nhiễm HIV gặp rất nhiều trở ngại. Và không chỉ trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, mà với trẻ bị ảnh hưởng (có bố hoặc mẹ bị nhiễm HIV/AIDS) cũng rất khó khăn trên hành trình đến lớp.

Đơn cử như trường hợp của bé K.G ở thành phố Đồng Hới  nhiễm HIV từ mẹ bị từ chối đến trường bởi hầu hết phụ huynh đều ký vào biên bản không đồng ý cho bé học chung cùng con của họ. Và phải rất khó khăn, những cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS mới có thể thuyết phục, vận động, đấu tranh cùng với sự hợp sức của chính quyền địa phương bé mới được đến trường trong dòng nước mắt nghẹn ngào và nỗi đau không gì khỏa lấp của ông bà nội-những người đang trực tiếp nuôi bé.

Việc đến trường của bé H.Q cũng không thuận buồm xuôi gió mặc dù bé không bị nhiễm HIV từ mẹ. Ngày mới đi học, cô giáo quyết định xếp cho bé ngồi riêng. Có lần cô giáo nói với mẹ của H.Q rằng, nên để bé ở nhà thêm một thời gian hoặc công khai kết quả xét nghiệm của bé nếu không nhà trường đứng trước nguy cơ  thiếu trẻ để dạy vì phụ huynh không cho con đến trường mà chuyển con đến học các trường khác.

Người mẹ ấy đã khóc, khóc vì tủi thân, vì thương con. Đã bao nhiêu lần chị cay đắng nói với mọi người rằng "Tôi có HIV nhưng con tôi thì không, đừng xa lánh cháu" nhưng lời nói đó vẫn không đủ sức thuyết phục... Chỉ đến khi có được giấy chứng nhận của đơn vị y tế về thực trạng không nhiễm HIV của bé, chuyện đến trường mới bắt đầu thuận lợi.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và là người trực tiếp làm công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS tâm sự với chúng tôi rằng: "Nhiều hoàn cảnh éo le, nhiều đứa trẻ thật đáng thương khi bị nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Chúng tôi làm công tác phòng chống HIV/AIDS nên hiểu sâu sắc một điều rằng, họ rất sợ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử... Vì thế, chúng tôi mong rằng, mọi người nên hiểu đúng về HIV/AIDS và chỉ khi có kiến thức, mọi người mới nhận ra rằng HIV không đáng sợ như mình tưởng".

HIV/AIDS không lây qua các tiếp xúc thông thường, do vậy, việc để trẻ “có H” học chung và sinh hoạt với các bạn khác sẽ không làm lây nhiễm HIV. Ngày nay ngành y tế, ngành giáo dục luôn có đủ những biện pháp để bảo đảm sự an toàn cho trẻ nên phụ huynh có thể hoàn toàn yêu tâm. Sau gần 30 năm đương đầu với AIDS, trên toàn thế giới cũng như Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm HIV bởi các trẻ em khác qua tiếp xúc hay sinh hoạt bình thường, mà chỉ có lây từ mẹ sang con. Điều đó cho thấy, khả năng lây nhiễm HIV của những trẻ chơi chung với nhau là rất khó, hầu như không thể xảy ra. Do đó, không gì có thể cản trở đến quyền được học tập, được hoà nhập cùng cộng đồng và xã hội của các em.

Trẻ em rất cần sự quan tâm đùm bọc của gia đình và xã hội, trẻ bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV cần được quan tâm nhiều hơn nữa để các em có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội để được vui chơi, được đến trường, được hoà nhập xã hội. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong một thế giới có AIDS không chỉ nằm ở chính sách, phía các cơ quan quản lý mà còn ở cách nhìn nhận của cộng đồng. Trẻ vốn là đối tượng yếu thế, khi đương đầu với bệnh tật càng khó vượt qua rào cản tâm lý xã hội.

Sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn về HIV/AIDS giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử chuẩn mực nhằm tiếp thêm nghị lực để các em sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Nhật Văn