.

Chủ động phòng, chống lụt bão

Thứ Ba, 23/06/2015, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua số liệu từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB và TKCN), trong 5 năm qua năm nào tỉnh ta cũng bị từ 2 đến 3 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào và 5 đến 6 đợt gió mùa đông bắc làm thiệt hại lớn đến tàu thuyền và ngư dân trong tỉnh. Bởi vậy việc phòng ngừa thiên tai trên biển đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngư dân tỉnh ta trong mùa mưa bão.

Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tỉnh ta khá lớn, bình quân mỗi năm bão lụt lốc xoáy cướp đi sinh mạng 20 người dân và làm sập đổ hàng trăm ngôi nhà, công trình dân sinh khác. Riêng trên biển bình quân mỗi năm thiên tai cướp đi sinh mạng của 10 ngư dân đang sản xuất trên biển, làm đắm, hư hại khoảng 20-25 tàu cá. Tỷ lệ người dân bị thiệt mạng do thiên tai trên biển chiếm xấp xỉ 50% tổng số người bị thiệt mạng mỗi năm do thiên tai gây ra.

Trong năm 2014 được xem là năm có rất ít cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Tuy nhiên trong năm này, khu vực Quảng Bình chịu ảnh hưởng của 23 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường, đã làm thiệt hại 15 tàu cá và làm chết 4 ngư dân đang sản xuất trên biển.

Năm 2014, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tổ chức tốt phương án cứu hộ cứu nạn trên biển, nên đã hạn chế phần nào thiệt hại về người và tàu cá. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II, các địa phương và các ngành liên quan điều động, bố trí các phương tiện sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Tàu cá ngư dân Cảnh Dương bị bão đánh hư hỏng nặng.
Tàu cá ngư dân Cảnh Dương bị bão đánh hư hỏng nặng.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia ký kết Quy chế phối hợp hoạt động TKCN trên biển giữa Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định và Hải Đoàn 48 với Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải khu vực II theo chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Hàng hải.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã kí kết quy chế phối hợp với đài Duyên hải Miền trung; quy chế phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Trung tâm phối hợp TKCN khu vực II, trong việc cứu nạn trên biển. Tổ chức tập huấn kiến thức về phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa theo phương châm “4 tại chỗ” cho 400 tuyên truyền viên tại các xã trọng điểm thiên tai có nguy cơ rủi ro cao.

Đối với công tác cứu hộ cứu nạn, nổi bật có Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 1 tàu, với 7 cán bộ chiến sỹ tổ chức cứu nạn 8 ngư dân và kéo thành công tàu QB 92559TS bị mắc cạn vào bờ; phối hợp với Cảng vụ, Hải quân vùng III lai dắt thành công tàu kéo xà lan SG 3439 gặp sự cố trên biển vào bờ an toàn; kêu gọi 9.606 lượt tàu/46.520 lượt người phòng tránh áp thấp nhiệt đới, bão số 2 và bão Hagupit bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2015 bão và ATNĐ trên Biển Đông sẽ yếu hơn so với trung bình nhiều năm về cả tần số và cường độ nhưng diễn biến phức tạp và khó lường. Dự báo sẽ có 9 đến 10 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4 đến 5 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Từ thực tế các vụ tai nạn trên biển của phương tiện đánh bắt cá trên biển cho thấy, tai nạn xảy ra chủ yếu xuất phát từ tâm lý chủ quan, thiếu theo dõi diễn biến của thời tiết xấu trên biển. Mặc dù hầu hết lực lượng tàu, thuyền đánh bắt hải sản của tỉnh được trang bị những thiết bị hàng hải, nhằm đánh bắt thủy sản và phòng chống thiên tai như: máy định vị vệ tinh, máy thăm dò cá, hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa, nhưng do ngư dân vẫn còn chủ quan đối với diễn biến của thiên tai nên tai nạn vẫn xảy ra.

Nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ khi có thông tin về cơn bão song vẫn chủ quan là bão còn ở xa vị trí tàu đang đánh bắt, nên không chịu vào bờ mà tiếp tục đánh bắt cá gây hậu quả đáng tiếc. Đây là những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn và thiệt hại trên biển do mưa bão hàng năm còn cao.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, hệ thống thông tin liên lạc nghề cá của ta nói chung còn yếu. Chỉ các tàu xa bờ công suất 250CV trở lên mới trang bị hệ thống máy liên lạc tầm xa (ICOM) với bán kính hoạt động khoảng 1.000 hải lý, tương đương với 1.800 km. Mà phải có 2 máy tương thích, một ở trên tàu và máy kia để tại gia đình mới liên lạc trực tiếp với nhau được. Phần lớn các tàu có công suất trên dưới 60CV sử dụng máy bộ đàm để liên lạc, tầm hoạt động từ 30- 60 hải lý.

Trước mùa mưa bão năm nay, vấn đề bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đánh bắt trên biển cần được tăng cường. Trước hết, chủ các phương tiện tàu thuyền chủ động kiểm tra thiết bị an toàn kỹ thuật cho người và phương tiện trước khi xuất bến, đó là thực phẩm, xăng dầu và thiệt bị trên tàu như hệ thống thông tin liên lạc, máy móc.

Đặc biệt, các chủ tàu trang bị đầy đủ phao cứu sinh cho mỗi ngư dân sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về người khi gặp thiên tai hay sự cố trên biển. Bài học đau lòng mà nguyên nhân về cái chết của 3 ngư dân xã Đức Trạch (Bố Trạch) cách đây 4 năm tại Cửa Tùng (Quảng Trị) do không có phao cứu sinh là bài học xương máu cho các chủ tàu thuyền mỗi khi nhổ neo ra khơi.

Qua báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT, tỉnh ta hiện có gần 5.100 tàu thuyền đánh cá trên biển. Trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên chiếm xấp xỉ 50%. Các tàu này phần lớn được trang bị máy móc thiết bị an toàn, có phương tiện liên lạc khá hiện đại.

Tuy nhiên, hiện tại lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp sóng to, gió lớn. Qua theo dõi tình hình được biết, mỗi khi gió mùa đông bắc từ cấp 7 trở lên, hầu hết các tàu cứu hộ cứu nạn của tỉnh ta không thể ra biển được. Trong trường hợp đó, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đều phải nhờ đến các lực lượng cứu hộ cứu nạn Khu vực II ở Đà Nẵng đến chi viện, nhưng do khoảng cách xa, thời tiết xấu nên hầu hết các vụ cứu nạn không hiệu quả.

Để giúp ngư dân tránh rủi ro do thiên tai trên biển gây ra, vừa qua UBND tỉnh đã có chỉ thị cho ngành Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý tàu cá, trong đó vai trò chủ đạo là Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo quy định, khi đưa tàu vào hoạt động, các chủ phương tiện phải có đủ các giấy tờ sau: có giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, bằng thuyền trưởng, máy trưởng, số danh bạ thuyền viên và trang bị thiết bị thông tin, cứu sinh, cứu nạn, cứu hỏa trên tàu...

Tóm lại, để phòng ngừa thiên tai trên biển, có 2 vấn đề cần quan tâm. Trước hết, là tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân thấy được vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn cho chính mình và tài sản của gia đình mình khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển, chủ động nắm bắt thông tin để đưa tàu tránh xa vùng nguy cơ. Thứ hai, là tăng cường năng lực công tác tìm kiếm cứu nạn, quản lý tàu thuyền và sự phối hợp giữa các lực lượng biên phòng, khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các địa phương trong công tác quản lý tàu thuyền, đặc biệt là khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm.

P.V