.

Bảy nguyên tắc trong hoạt động chữ thập đỏ

Thứ Sáu, 08/05/2015, 13:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thành lập bởi một thương gia Thụy Sỹ tên là Henry Dunant, phong trào Chữ thập đỏ (CTĐ) và Trăng lưỡi liềm đỏ (TLLĐ) quốc tế với sứ mệnh thực thi hoạt động nhân đạo khắp các châu lục đã trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn thế giới. Hiện tại, phong trào có sự tham gia của 189 Hội CTĐ, TLLĐ quốc gia và vùng lãnh thổ. Kỷ niệm Ngày CTĐ và TLLĐ quốc tế năm nay, phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế chính thức phát động chiến dịch toàn cầu kỷ niệm 50 năm ra đời 7 nguyên tắc cơ bản (năm 1965 tại  thủ đô Viên, Áo).

Chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh,... diễn biến ngày càng phức tạp khắp thế giới đặt ra những thách thức lớn đối với nhu cầu trợ giúp đối tượng dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, nguyên tắc cơ bản của phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế vẫn không thay đổi, là định hướng hành động, dẫn dắt những người làm công tác nhân đạo hoạt động phục vụ cộng đồng, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng, màu da. Bảy nguyên tắc đó là: Nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu.

Nhân đạo: Phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế ra đời từ mong muốn mang lại sự trợ giúp không phân biệt đối xử đối với những người bị thương trên chiến trường, nỗ lực sử dụng khả năng quốc tế và quốc gia để ngăn ngừa và giảm bớt đau thương của nhân loại ở bất cứ  nơi nào có thể tìm thấy. Mục đích hoạt động của phong trào là bảo vệ tính mạng và sức khoẻ, bảo đảm sự tôn trọng con người. Phong trào thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tình hữu nghị, sự hợp tác và hoà bình bền vững giữa các dân tộc.

Hỗ trợ cho người nghèo là một trong những nội dung của nguyên tắc nhân đạo.
Hỗ trợ cho người nghèo là một trong những nội dung của nguyên tắc nhân đạo.

Vô tư: Phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế không phân biệt quốc tịch, sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, đẳng cấp và quan điểm chính trị. Phong trào nỗ lực trong triển khai các hoạt động nhằm giảm nhẹ sự đau khổ của mọi cá nhân, theo nhu cầu của họ và ưu tiên trợ giúp những người bất hạnh nhất.

Trung lập: Để luôn có được sự tin tưởng của các bên, phong trào không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột hoặc tham dự vào các cuộc tranh luận về chính trị, sắc tộc, tôn giáo hay hệ tư tưởng.

Độc lập: Phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế hoàn toàn độc lập. Các Hội CTĐ hoặc TLLĐ quốc gia trong khi trợ giúp cho chính phủ về các hoạt động nhân đạo vừa phải tuân thủ luật pháp nhà nước mình, vừa phải duy trì quyền tự chủ để có thể luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên tắc của phong trào.

Tự nguyện: Phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế là phong trào trợ giúp tự nguyện, không xuất phát từ bất kỳ mong muốn kiếm lợi nào.

Thống nhất: Ở mỗi nước, chỉ có duy nhất một Hội CTĐ hoặc TLLĐ. Các Hội CTĐ hoặc TLLĐ quốc gia phải được mở rộng cho mọi người cùng tham gia. Hội thực thi sứ mệnh nhân đạo của mình trên phạm vi toàn lãnh thổ.

Toàn cầu: Phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế có phạm vi toàn cầu, trong đó tất cả các Hội CTĐ hoặc TLLĐ quốc gia có tư cách và vị thế bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm và nhiệm vụ một cách bình đẳng trong việc giúp đỡ lẫn nhau.

Hội CTĐ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23-11-1946. Ngày 5-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm đến Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, tuyên bố gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ. Với việc ký tham gia công ước này, ngày 4-11-1957, Hội CTĐ Việt Nam chính thức trở thành thành viên của phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế.

Trải qua hơn 68 năm hoạt động và trưởng thành, Hội CTĐ Việt Nam là thành viên uy tín, có những đóng góp tích cực đối với phong trào CTĐ và TLLĐ quốc tế. Phối hợp triển khai hiệu quả nhiều chương trình trên các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa..., hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ Việt Nam luôn hướng về cộng đồng và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những phong trào lớn Hội CTĐ Việt Nam triển khai thực sự mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người nghèo, đồng bào  vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, chương trình “Ngân hàng bò-Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới", phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", chiến dịch “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”... đã góp phần an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đất nước.

HMTN trở thành một phong trào mạnh của Hội CTĐ tỉnh dựa trên những nguyên tắc vô tư và tự nguyện.
HMTN trở thành một phong trào mạnh của Hội CTĐ tỉnh dựa trên những nguyên tắc vô tư và tự nguyện.

Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình hiện tại có 108.488 hội viên sinh hoạt trong 2.600 chi hội của 203 cơ sở hội và 6 đơn vị trực thuộc tỉnh; có 2.226 tình nguyện viên và 104.240 thanh, thiếu niên CTĐ. Phong trào CTĐ tỉnh dựa trên 7 nguyên tắc chủ đạo, phát triển rộng khắp, sẵn sàng trên các lĩnh vực nhân đạo, cứu trợ xã hội, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai...

Năm 2014, tổng trị giá hoạt động của các cấp hội đạt 12.562 triệu đồng. Phong trào hiến máu tình nguyện trở thành một phong trào mạnh của Hội CTĐ tỉnh. Thông qua các chiến dịch: “Ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, 7-4”, “Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng hè”, “Hành trình đỏ- Kết nối dòng máu Việt”... thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn tỉnh tổ chức 23 đợt hiến máu lưu động, tiếp nhận 7.372 đơn vị máu và tại điểm cố định thu nhận 1.250 đơn vị máu.

Kỷ niệm Ngày CTĐ và TLLĐ quốc tế năm nay, chủ đề chính thêm một lần nữa được khẳng định trên phạm vi toàn cầu với 7 nguyên tắc hoạt động: Nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu. Từ đó để thế giới xích lại gần nhau hơn, không xung đột, không chiến tranh; không phân biệt sắc tộc, màu da, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng

Thanh Long