.

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Nỗ lực phá bỏ "rào cản"

Thứ Năm, 14/08/2014, 11:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, đồng thời hỗ trợ người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, hơn 45.000 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta cũng đang nhận được những sự hỗ trợ tích cực về pháp lý mặc dù vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, gian nan trong việc thực hiện lộ trình này.

Anh Doãn Trung Phú (Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) có khuyết tật bẩm sinh ở tay, nhưng với ý chí vươn lên trong cuộc sống, vượt qua nhiều mặc cảm, thử thách, anh đã có công ăn việc làm ổn định với một cửa tiệm nhỏ chuyên photocopy và chụp ảnh. Ngoài ra, anh cũng là một thành viên của Câu lạc bộ Người khuyết tật của xã, thường xuyên tham gia các công việc hỗ trợ, giúp đỡ cho người đồng cảnh ngộ.

Tuy vậy, trên thực tế, anh lại không nắm được những thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật như mình. Hiện tại, khi mong muốn mở rộng cơ sở kinh doanh và có nhu cầu vay vốn, anh mới bắt đầu hỏi rõ các thủ tục để thực hiện xác nhận người khuyết tật, mức độ khuyết tật và tìm hiểu các quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm...

Anh thật thà chia sẻ, từ trước đến giờ luôn nghĩ chính quyền địa phương sẽ làm hết các thủ tục này, không hề biết người khuyết tật khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình thì cần gửi đơn tới UBND xã. Theo ông Nguyễn Trường Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật xã Lộc Ninh, mỗi khi người khuyết tật có vấn đề thắc mắc, cần sự hỗ trợ về pháp lý đều trực tiếp tìm đến câu lạc bộ hoặc chính quyền địa phương để được trợ giúp.

Bản thân câu lạc bộ cũng thường xuyên cập nhật thông tin, phát tờ rơi tuyên truyền về pháp luật... cho hội viên của mình. Nhưng, nhận thức hạn chế và tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc hoặc thờ ơ, không quan tâm của người khuyết tật luôn được xem là những rào cản lớn trong quá trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) luôn đánh giá công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một trong những hoạt động trọng tâm của hội. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Quyền Chủ tịch AEPD khẳng định, bên cạnh việc xây dựng hệ thống tài liệu, đặc biệt là sách giải đáp pháp luật cho người khuyết tật dạng hỏi-đáp, tờ rơi... và thường xuyên cập nhật thông tin về pháp luật cho hơn 37 câu lạc bộ tự lực của người khuyết tật ở 5 huyện, thành phố, AEPD còn chú trọng việc lồng ghép những nội dung về pháp luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật xuyên suốt trong các hoạt động của mình.

Theo dự báo, hơn 61,5% người khuyết tật ở tỉnh ta có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.
Theo dự báo, hơn 61,5% người khuyết tật ở tỉnh ta có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.

Đội ngũ cán bộ thực địa, cộng tác viên cơ sở của AEPD chính là những “trợ thủ” đặc lực nhất, để giải đáp kịp thời thắc mắc của người khuyết tật, hoặc đóng vai trò kết nối với những đơn vị liên quan để người khuyết tật có thể tìm ra cách thức giải quyết hiệu quả vấn đề mà họ đang vướng mắc. Khó khăn lớn nhất chính là tìm được sự chia sẻ từ người khuyết tật, bởi không phải bất cứ người khuyết tật nào cần hỗ trợ pháp lý đều có thể dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý của chính mình và tìm đến địa chỉ để được tư vấn, giúp đỡ. Đó là chưa kể đến những người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng hay dạng tâm thần mãn tính.

Ông Trần Ngọc Hòa, Chủ nhiệm câu lạc bộ Người khuyết tật phường Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới) cho biết, vì lẽ đó, mới chỉ hơn 30% nhu cầu về pháp lý của người khuyết tật ở địa phương được đáp ứng. Mặt khác, thực tế cho thấy mặc dù các thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã được tham gia các lớp tập huấn về chính sách, pháp luật, nhưng do kiến thức rất rộng, phức tạp, thời gian tập huấn lại khá ngắn và trình độ nhận thức còn hạn chế, cho nên, việc tiếp thu và truyền đạt lại cho hội viên không hề đơn giản.

Thực trạng này được xem là khó khăn chung của hơn 37 câu lạc bộ người khuyết tật do AEPD quản lý ở tỉnh ta. Điểm thuận lợi nhất của các câu lạc bộ trong quá trình này chính nằm ở tư vấn đồng cảnh ngộ (người khuyết tật trợ giúp người khuyết tật) và đường dây nóng 04.6281.1234 tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC).

Theo báo cáo tổng hợp kết quả điều tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2013, trong thời gian qua, đã có 2,4% người khuyết tật được hỗ trợ tư vấn pháp lý, bao gồm tư vấn về quyền, đối thoại chính sách, tổ chức cho người khuyết tật vận động chính sách. Dự báo cho thấy số người khuyết tật có nhu cầu được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tăng rất cao, chiếm đến 61,5%, chủ yếu thông qua hình thức tư vấn pháp luật liên quan đến quyền của người khuyết tật và các chính sách hỗ trợ người khuyết tật.

Trong năm 2013, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) đã tiến hành trợ giúp pháp lý cho 114 người khuyết tật, đồng thời phối kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, đặc biệt ở các thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa. 58 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý dần định hình và phát triển, triển khai lồng ghép những nội dung liên quan đến hỗ trợ pháp luật vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của địa phương. Mạng lưới 184 cộng tác viên trợ giúp pháp lý trải khắp toàn tỉnh hoạt động hiệu quả, tích cực. Những tháng đầu năm 2014, 8 người khuyết tật được Trung tâm hỗ trợ pháp lý.

Trong hai năm 2013 và 2014, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta, chỉ rõ các nội dung và các sở, ban, ngành, đơn vị thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, khó khăn không chỉ nằm ở nhận thức hạn chế hay thái độ mặc cảm của người khuyết tật, mà còn từ sự thiếu tập trung, chưa quan tâm đúng mức tới công tác trợ giúp pháp lý của một số cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chưa cao, chưa thực sự thu hút đông đảo người dân tham gia.

Các nội dung triển khai thực hiện khá nhiều, trong khi đối tượng và địa bàn được hưởng các chính sách trợ giúp pháp lý nói chung, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật nói riêng lại tương đối rộng. Theo thống kê, gần 90% người khuyết tật sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng còn rất vất vả, đặc biệt nhiều trường hợp cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven biển... điều kiện đi lại khó khăn, hiểm trở. Bên cạnh đó, trong khi hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành ngày càng nhiều, các vụ việc tranh chấp pháp lý xảy ra ngày càng tăng và phức tạp, nhưng một số trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức xã hội. Bởi, trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật, các kỹ năng chuyên sâu về tiếp cận, tư vấn... luôn được đòi hỏi cao và chặt chẽ hơn.

Trong thời gian tiếp theo, song song với việc tăng cường hỗ trợ nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các tổ chức và đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, rất cần đề cao hơn nữa trách nhiệm và sự phối kết hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, theo dõi của các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Ngoài ra, việc chú trọng quan tâm, nhân rộng các mô hình điểm trong trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và mạnh dạn đổi mới nhiều cách thức tiếp cận đa dạng, hiệu quả cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Hỗ trợ đồng cảnh ngộ, để người khuyết tật trợ giúp người khuyết tật, là một biện pháp hay, cần xem xét đánh giá để áp dụng.

P.V