.

Khu tái định cư vùng ngập lụt xã Hồng Thủy (Lệ Thủy): Lời hứa có bị bỏ quên?

Thứ Hai, 11/08/2014, 13:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Cái ngày hơn 50 hộ dân được hưởng lợi từ Dự án tái định cư vùng ngập lụt xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), tay xách nách mang đến định cư trên vùng đất mới là một sự kiện lớn của cư dân quanh năm đối mặt với úng ngập nơi vùng cát này. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, khu tái định cư này chỉ còn lại 1/3 hộ dân sinh sống...

Xóm phụ nữ và trẻ em

Trước mắt chúng tôi, khu tái định cư hiện ra chỉ là những ô thửa cát trắng, không cây cối, chỉ có những ngôi nhà nhỏ trên dưới chục mét vuông bị bỏ hoang. Nhiều nhà đã không có mái che, không cửa ngõ che chắn. Chứng tỏ, từ lâu lắm rồi người dân được hưởng lợi từ dự án tái định cư không sinh sống ở đây. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp được một vài ngôi nhà có chủ.

Gia đình chị Lê Thị Hằng sống ở khu tái định cư được gần 5 năm nay nói vui rằng, đây là xóm phụ nữ và trẻ em, còn đàn ông thì phải đi làm ăn xa. Chị Hằng cho biết, chồng chị phải lên TP. Đồng Hới phụ hồ, dăm bữa nửa tháng mới về thăm vợ con một lần. Ngoài 3 sào ruộng “hồi môn” của ông bà, còn ở đây chị chẳng biết làm thêm việc gì. Chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng ngập. Trồng cây đều “gửi” cho trời cả, mà trồng cây gì cũng chết.

Gần 5 năm qua, khu tái định cư vùng ngập lụt xã Hồng Thủy này  chỉ còn lại 1/3 hộ dân sinh sống.
Gần 5 năm qua, khu tái định cư vùng ngập lụt xã Hồng Thủy này chỉ còn lại 1/3 hộ dân sinh sống.

Cả năm chỉ 2, 3 tháng gần Tết mới trồng được ít hành, tỏi, rau khoai... Dạo vừa rồi trồng được gần sào dưa, nhưng chưa kịp lớn thì khô queo cả lại. Khó khăn, khắc nghiệt quá nên chẳng biết làm gì thêm, cả nhà 4 miệng ăn phải bám vào số tiền công phụ thợ hồ của chồng. Ở đây, chỉ có nuôi bò là còn có thể được. Nhưng khốn nỗi chị không có tiền để mua bò...  

Có quên lời hứa?

Rời nhà chị Hằng, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Dâu. Nghe chúng tôi hỏi về khu tái định cư, bà liền lắc đầu bảo: “Năm nào... hết báo đến đài về đây, quay phim rồi chụp ảnh có thiếu chi. Rồi, cũng đăng báo, lên tivi hẳn hoi, vậy mà có ai giải quyết mô?”.

Bà Dâu cho biết, nhà bà ở thôn Mốc Thượng 2. Trước đây, phải sống khổ sống sở vì cứ đến mùa lụt là bị ngập. Từ khi chuyển sang khu tái định cư này không phải lo lắng cảnh ngập lụt nữa. Nhưng ra đây, chẳng làm gì được. Nuôi heo thì rau cỏ không có, mà tất tật đều dùng bột thì lỗ vốn. Chỉ nuôi được mấy chục cặp bồ câu nhưng giá cả thấp quá, không ăn thua. Lúc đầu tưởng ở đây có thể đào ao nuôi cá như những vùng xung quanh đây, nhưng nước đâu mà nuôi. Gần 60 tuổi rồi, biết đi đâu được nữa, may mà ông nhà còn đủ sức đi phụ hồ, có tiền tiêu dùng lặt vặt qua ngày. Còn như lớp trẻ ra đây, thì khó mà chịu được cảnh này, lần lượt bỏ đi hết cả. Bao năm qua chờ mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thứ vay vốn mua bò chăn nuôi, nhưng đợi hoài mà chẳng thấy...

Chúng tôi đem những tâm tư nguyện vọng của người dân ở đây hỏi lãnh đạo xã Hồng Thủy thì được ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đúng là dân ở đây cũng vất vả thật vì thời tiết khắc nghiệt. Vừa qua, xã đã đầu tư xây dựng thêm hệ thống thoát nước nhằm tiêu úng vào mùa mưa. Còn mùa nắng, thì nước chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, ăn uống.

Nhắc đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Thành cho biết: Riêng về vấn đề này, xã đã nhiều lần đề nghị với huyện nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Vì lẽ đó, mà lúc đầu khu tái định cư có 52 hộ, nhưng  hiện giờ chỉ còn 15 hộ sinh sống. Do số hộ ít quá nên không thể thành lập xóm được, mà những hộ này phải vào sinh hoạt ở thôn Mốc Định ở gần đó...

Cách đây 2 năm Báo Quảng Bình cũng đã có viết bài phản ánh về khu tái định cư Hồng Thủy, trong đó có chuyện bà con cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và vấn đề này đã được lãnh đạo xã, huyện hứa sẽ làm gấp rút cho bà con. Vậy mà... Chẳng lẽ, giờ đây qua bao nhiêu năm, lời hứa đó đã bị bỏ quên?...

Dương Công Hợp-Văn Minh