.

Vượt lên nỗi đau da cam

Thứ Hai, 11/08/2014, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh Đinh Viết Thành, Chủ tịch Hội Người mù huyện Minh Hóa, là một nạn nhân của chất độc màu da cam/dioxin.

Năm 1995, khi đang học lớp 9, bỗng dưng đôi mắt anh bị cận thị. Những năm sau càng ngày, càng cận nặng hơn. Năm 2000, Thành có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng mắt rất mờ. Phải mất 2 năm sau, anh mới định hướng đi học văn thư, lưu trữ để sau này về phục vụ văn phòng. Rồi anh vào học lớp trung cấp văn thư, lưu trữ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tuy có thiệt thòi so với các bạn sinh viên cùng khóa do thị lực kém, nhưng nhờ lòng quyết tâm, kết quả học tập của Thành vẫn rất khả quan. Nhưng một lần nữa, số phận cay, đắng như muốn đóng hẳn cánh cửa cuộc đời của Thành. Khi chỉ còn 4 tháng nữa là ra trường, thì tháng 12 năm 2004, đôi mắt của anh bị mù hẳn. Anh buồn cho số phận, nhưng anh cũng nhận thức được rằng, đây không phải là số phận, mà là hậu quả của chiến tranh. Bố anh đã từng chiến đấu ở những nơi giặc Mỹ rải thảm chất độc hóa học ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Bố anh là nạn nhân bị phơi nhiễm...

Trong những năm học ở Trường văn thư, lưu trữ Quảng Nam - Đà Nẵng, anh đem lòng yêu một cô sinh viên cùng quê, cũng học ở đó nhưng khác trường. Lúc yêu nhau anh chưa bị mù, nhưng khi biết anh bị mù hẳn, cô gái ấy vẫn một lòng chung thủy với anh. Tháng 4 năm 2005, đám cưới được tổ chức. Tháng 12 năm ấy, anh chị đã có một cháu trai bụ bẫm. Khó khăn nhất lúc này là hoàn cảnh gia đình. Cha mẹ cho ở riêng để vợ chồng chủ động cuộc sống. Anh đã cùng vợ, chăn nuôi lợn, một năm nuôi  được 15 đầu con lợn thịt, một tấn lúa và trồng 4.000 cây tràm. Tràm đã cho thu hoạch lần đầu được 30 triệu đồng, hiện nay đang chuẩn bị thu hoạch lần 2.

Từ năm 2006 đến năm 2009, vợ chồng anh kiêm thêm dịch vụ bán hàng tạp hóa và quần áo tại nhà và bán tại các chợ phiên trong huyện. Từ năm 2011, bắt đầu nuôi ong, đến nay được 10 tổ, mỗi năm thu được trên 10 triệu đồng. Năm 2007, anh được bầu vào Ban chấp hành Hội Người mù huyện Minh Hóa và được đi học chữ bờ-rai (chữ nổi) ở Đồng Hới.

Tháng 12 năm 2008, anh được bầu vào chức danh Phó Chủ tịch Hội Người mù Minh Hóa nhiệm kỳ lần thứ nhất. Anh tích cực vận động, tuyên truyền để mọi người mù đều tự nguyện tham gia Hội, động viên họ học chữ bờ-rai, học nghề thích hợp như: xoa, bóp, mát-xa, bấm huyệt, hoặc tham gia các tổ hợp làm tăm tre, tham gia các lớp quản lý và tin học.

Đại hội nhiệm kỳ II, anh được bầu vào chức danh Chủ tịch Hội Người mù của huyện. Anh đã cùng Ban chấp hành hội kiện toàn tổ chức hội về tận cơ sở, quan tâm đến quyền lợi của các hội viên, phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế... trong toàn thể hội viên. Vì vậy đã có nhiều gương điển hình vượt lên số phận để phát triển kinh tế như ông Đinh Thu ở xã Yên Hóa, trồng trên 6.000 cây tràm, 6 sào sắn và nuôi được 2 con bò giống; ông Đinh Quân cũng ở xã Yên Hóa trồng trên 100 gốc chuối, hàng năm cho thu nhập khá cao. Ở xã Xuân Hóa có mô hình anh Đinh Tứ (33 tuổi) với diện tích trồng trên 2 ha tràm, bạch đàn, nay đã đến mùa thu hoạch. Mô hình chăn nuôi lợn nái của ông Đinh Thanh Tùng (thôn 3 Thanh Long, xã Quy Hóa) mỗi năm cho thu hoạch trên 30 triệu đồng...

Riêng bản thân anh Thành, mặc dầu hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng vẫn vui vẻ nuôi 2 con nhỏ, động viên vợ đi học tại Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội, Khoa sư phạm mầm non, nay ra trường và được biên chế vào viên chức sự nghiệp giáo dục. Năm 2013, Hội Người mù Minh Hóa đạt đơn vị lao động tiên tiến, được tặng giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, bản thân anh cũng được Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen. Ẩn giấu bên trong anh là nghị lực rất lớn để vượt lên nỗi đau của một nạn nhân chất độc da cam, sống có ích cho xã hội, cho cộng đồng...

Văn Hồng
(Quy Hóa, Minh Hóa)