.

Nỗ lực đưa giáo dục dân số vào nhà trường

Thứ Sáu, 08/08/2014, 13:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình, vị thành niên/thanh niên được xem là một trong những nhóm đối tượng truyền thông quan trọng. Ở lứa tuổi này, truyền thông những nội dung như thế nào, theo cách thức ra sao để vừa tạo được sự quan tâm, chú ý, vừa tăng cường tính hiệu quả không phải là điều đơn giản. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở Giáo dục-Đào tạo, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cùng các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã tích cực phối kết hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục dân số trong nhà trường.

Trường THPT Chuyên Quảng Bình là một trong 35 điểm nổi bật triển khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Được thành lập từ năm 2010, Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên của nhà trường đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.

Anh Hoàng Thế Hùng, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Quảng Bình cho biết, nhà trường có một tủ sách về dân số, sức khỏe sinh sản dành riêng cho học sinh đến tìm hiểu. Tủ sách hiện có gần 200 đầu sách và thường xuyên được cập nhật. Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn 1 tháng/1 lần. Bên cạnh Ban chủ nhiệm, Câu lạc bộ còn thành lập Đội tuyên truyền, bao gồm ban cán sự của các lớp, đây là lực lượng then chốt trong các hoạt động của Câu lạc bộ.

Mỗi năm, Câu lạc bộ đều triển khai từ 2-3 buổi sinh hoạt ngoại khóa dưới hình thức sân khấu hóa. Các em học sinh vừa được trực tiếp tham gia vào các hoạt cảnh hấp dẫn, mang ý nghĩa giáo dục cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành viên, vừa tự mình có thể rút ra những kiến thức bổ ích nhất.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản của học sinh Trường THPT Chuyên Quảng Bình.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản của học sinh Trường THPT Chuyên Quảng Bình.

Bên cạnh đó, câu lạc bộ phát thanh của nhà trường thường xuyên lồng ghép nội dung này vào các buổi phát thanh vào 15 phút giờ ra chơi. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, đội ngũ tư vấn từ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình hoặc các đơn vị liên quan khác cùng tham gia truyền thông với những thông tin tư vấn chuyên sâu và chính xác nhất.

Xác định số lượng học sinh từ các huyện, thị xã đến học và ở nội trú hoặc ở trọ bên ngoài không nhỏ, cho nên, ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới, công tác giáo dục về dân số/kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được Câu lạc bộ tích cực đẩy mạnh bằng những hình thức vừa trực tiếp vừa gián tiếp.

Nhờ đó, nhận thức của học sinh về vấn đề “nhạy cảm” này có sự chuyển biến rõ nét, từ chỗ né tránh, ngại ngần, các em đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và biết đặt câu hỏi, thắc mắc về những vấn đề mình quan tâm. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Thế Hùng, khó khăn lớn nhất của Câu lạc bộ là nguồn kinh phí eo hẹp và việc tìm ra những cách thức tiếp cận với học sinh hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn trong quá trình truyền thông.

Ông Trương Duy Quyền, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định, trong nhà trường, giáo dục dân số được triển khai theo hình thức tích hợp, vừa được lồng ghép trong hai bộ môn là giáo dục công dân và sinh học, vừa được thực hiện trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ngay trong mỗi tiết học, các thầy cô vừa truyền tải các kiến thức trong sách giáo khoa, vừa mở mang nhận thức và trả lời các câu hỏi thắc mắc của học sinh về vấn đề giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Những nội dung, số liệu có liên quan đến dân số/sức khỏe sinh sản còn được các thầy giáo, cô giáo vận dụng khai thác trong các tình huống sư phạm để nâng cao hiệu quả việc giáo dục về dân số/sức khỏe sinh sản cho học sinh. Mỗi thầy cô giáo lúc này còn kiêm thêm vai trò tư vấn viên, thực sự gần gũi và hỗ trợ các em học sinh.

Đối với các buổi ngoại khóa, tùy theo điều kiện, mỗi nhà trường có sự phối hợp với các chuyên gia về lĩnh vực này để nâng cao chất lượng buổi truyền thông, tư vấn. Đặc biệt, ngay trong những buổi ngoại khóa về kỹ năng sống, nội dung giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được lồng ghép, nhằm trang bị cho học sinh phong nền kiến thức cơ bản, đầy đủ nhất.

Dù đã có nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhưng phải khẳng định rằng việc đưa giáo dục dân số vào nhà trường không hề dễ dàng. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác này, đòi hỏi cần phải có sự phối kết hợp đồng bộ hơn nữa giữa các đơn vị liên quan, đồng thời cần có sự theo dõi, giám sát, đánh giá để kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhân rộng mô hình điểm.

Ngoài ra, việc tăng cường công tác tập huấn, trau dồi kiến thức cho đội ngũ giáo viên về truyền thông dân số/chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng rất cần chú trọng.

M.N