.
Kỷ niệm ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1-7:

Kết quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ở tỉnh ta

Thứ Ba, 01/07/2014, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm đưa hai chính sách quan trọng, trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đến với mỗi người dân, ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020”, với mục tiêu thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; phấn đấu đến năm 2020, có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

 

Bệnh nhân được hưởng BHYT đang được chăm sóc tại Bệnh viện hữu nghị VN-CB ĐH. Ảnh: P.V
Bệnh nhân được hưởng BHYT đang được chăm sóc tại Bệnh viện hữu nghị VN-CB ĐH. Ảnh: P.V

Để đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 1008/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường công tác BHYT học sinh, sinh viên và nhiều văn bản của UBND tỉnh, của liên ngành chỉ đạo thực hiện công tác BHYT trên địa bàn tỉnh.

Về phía cơ quan BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật BHYT bằng nhiều hình thức; cùng với Sở Y tế xây dựng chương trình phối hợp trong thực hiện chính sách BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT; tăng cường công tác kiểm tra...

Chính nhờ vậy, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác BHYT đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Đối tượng tham gia BHYT tăng, quyền lợi KCB của người tham gia ngày càng được bảo đảm. Nhận thức về pháp luật BHYT của đơn vị sử dụng lao động, người lao động, cơ sở KCB và nhân dân trong toàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Người dân đã thấy được tính nhân văn, nhân đạo về chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước; những quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT.

Các cơ sở KCB trong tỉnh đã nhận thức về trách nhiệm cùng chung sức với ngành BHXH để thực hiện việc chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khoẻ cho nhân dân. Diện bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 70,8% dân số, cao hơn 1,8% so với bình quân chung của cả nước. Số đơn vị tham gia BHYT tăng 108 đơn vị so với năm 2012. 100% trạm y tế thực hiện KCB BHYT và 100% cơ sở KCB thực hiện thanh toán theo định suất. Từng bước quy hoạch lại nơi đăng ký KCB ban đầu, đưa KCB ban đầu về tại cơ sở, gần 70% tổng số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế, từng bước giảm tải và nâng cao chất lượng KCB ở bệnh viện tuyến trên. Quyền lợi KCB cho người bệnh BHYT ngày càng được bảo đảm. Quản lý quỹ BHYT ngày càng có hiệu quả, bước đầu thể hiện rõ tính kinh tế trong y tế,  hằng năm chi quỹ BHYT được cân đối.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác BHYT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT của một số nhóm đối tượng còn thấp. Số lao động trong các doanh nghiệp tham gia BHYT là 26.355 người, chiếm 52,7% tổng số lao động trong các doanh nghiệp toàn tỉnh; mới có 81.932 người thuộc đối tượng người cận nghèo tham gia BHYT, đạt 46% tổng số người cận nghèo toàn tỉnh; học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT năm học 2013-2014 toàn tỉnh có 96.852 em, đạt 82,73%, giảm 3% so với năm học trước, một số huyện đạt thấp như Quảng Trạch 60%, Tuyên Hóa 70%. Còn khoảng trên 27.000 HSSV chưa tham gia BHYT.

Tình hình nợ BHYT cao, ảnh hưởng đến kinh phí chuyển cho các cơ sở KCB BHYT. Đến 30-5-2014, số nợ BHYT là 25,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước nợ trên 20 tỷ đồng. Các đơn vị lập danh sách cấp thẻ cho đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT (đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, cựu chiến binh...) chưa kịp thời, chưa có sự phối hợp giữa các đơn vị, nên nhiều xã thẻ cấp chậm, cấp một người có 2 thẻ BHYT, năm 2013 cấp trùng 3.698 thẻ BHYT. Chất lượng KCB chưa thực sự hài lòng người bệnh BHYT, nhất là tuyến y tế cơ sở. Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở KCB.

Để đạt được mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân cần tập trung thực hiện tốt bốn nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT; Chương trình hành động số21-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động số 1008/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc tham gia BHYT.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT đến với mọi người lao động và nhân dân trên toàn tỉnh bằng nhiều hình thức, nhất là Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động số 1008/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, Luật BHYT bổ sung sửa đổi và Quyết định số 1234/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tiếp tục cải cách hành chính, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Nghiên cứu, đổi mới phương thức thu đóng BHYT, công tác quản lý và cấp thẻ BHYT phù hợp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHYT, minh bạch hóa quá trình giải quyết công việc, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính về BHYT... Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải tiến về quy trình, thủ tục trong tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán viện phí. Tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở. Từng bước đổi mới phương thức giám định chi phí KCB BHYT.

Tăng cường quản lý giá thuốc, vật tư y tế; chống các hành vi trục lợi quỹ BHYT có hiệu quả, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT và cân đối quỹ. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng, các thiết bị công nghệ thông tin để triển khai đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ, kết nối dữ liệu giữa BHXH tỉnh với BHXH các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công việc, giải quyết kịp thời, nhanh chóng cho các đối tượng tham gia BHYT. 

Bốn là, phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra về thực hiện chính sách BHYT, thực hiện nghiêm việc xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHYT theo quy định tại Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17-10-2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị doanh nghiệp và của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh, công tác BHYT sẽ phát triển lên một tầm cao mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, vì mục đích an sinh xã hội của tỉnh.

Phạm Thanh Tùng
(PGĐ phụ trách BHXH tỉnh)