.

Dấu ấn Hồ Khanh

Thứ Hai, 21/07/2014, 17:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Nói đến du lịch Quảng Bình là người ta nghĩ ngay đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng-xứ sở được ví như vương quốc của hệ thống hang động. Trong hành trình tìm kiếm, khám phá, đặt tên và quảng bá những hình ảnh đẹp các hang động ở Quảng Bình của các nhà thám hiểm có sự góp sức không nhỏ của một người dân vùng di sản. Đó là Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng và rất nhiều hang động ấn tượng khác.

Quê hương của Hồ Khanh (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên cùng hệ thống hang động tuyệt mỹ. Trước đây, khi du lịch chưa được khai thác mạnh, những người dân trong làng của Hồ Khanh đều sống bằng nghề đi rừng, tìm trầm và Hồ Khanh cũng là thợ sơn tràng chuyên nghiệp.

Chỉ khác là trong mỗi chuyến đi, người ta chỉ lo việc  kiếm tiền còn Hồ Khanh lại dành nhiều thời gian hơn để chiêm ngưỡng các hang động đá vôi bởi vẻ đẹp hiếm có muôn hình đủ dạng được tạo ra từ các khối thạch nhũ. Cũng từ cái công việc nay đây mai đó ấy và tính tò mò thích khám phá mà Hồ khanh tình cờ phát hiện ra những hang động đẹp.

Song ấn tượng nhất là có một lần đi rừng gặp mưa, Hồ Khanh ghé vào một hang đá để tạm trú và điều hết sức đặc biệt là từ hang đá này, anh cảm nhận được bầu không khí mát mẻ lạ thường, có thể nghe rõ tiếng gió rít qua vách đá. Đó là vào khoảng năm 1989. Và cũng từ sự phát hiện này đã làm thay đổi cuộc đời của Hồ Khanh...

Từ giã cuộc sống sơn tràng với những chuyến đi rừng Hồ Khanh lại tất bật với chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”. Chuyện cái hang có luồng gió mát lạ ấy và nhiều hang đá khác coi như tạm quên. Song vì là người đi nhiều, biết nhiều, thông thuộc địa hình nên có nhà khoa học nào đến tìm hiểu nghiên cứu hang động là người dân trong làng lại giới thiệu họ đến tìm gặp Hồ Khanh. Và rồi Hồ Khanh trở thành cái tên quen thuộc gắn liền với những chiến tích khám phá hang động của các nhà nghiên cứu khoa học.

Sơn Đoòng được công bố vào năm 2009 từ sự phát hiện của Hồ Khanh. (Ảnh tư liệu)
Sơn Đoòng được công bố vào năm 2009 từ sự phát hiện của Hồ Khanh. (Ảnh tư liệu)

Từ năm 1999 đến 2004, Hồ Khanh đã dẫn nhiều đoàn như đoàn cán bộ khoa học Việt Nam-Đan Mạch, đoàn cán bộ khoa học Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ bàng, đoàn khám phá hang động Hoàng gia Anh... đến các khu vực Lèn Hai, Lò Đò, So Đũa, Đoòng, Rú Chẻ... để nghiên cứu dơi, linh trưởng, khám phá hệ thống hang Vòm tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Qua các đợt tiếp xúc làm việc với Hồ Khanh, ông Howard Limbert, Trưởng đoàn khám phá hang động Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã có cảm tình đặc biệt vì sự nhiệt tình chu đáo và cả sự đam mê với việc khám phá hang động của anh.

Ông đã mời Hồ Khanh hợp tác trong vai trò người dẫn đường cho đoàn khám phá hang động tại khu vực Hạ Đoòng, Hung Thùng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Dấu chân của Hồ Khanh có mặt khắp nơi, tiếp xúc với nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước ngoài như đoàn của dự án linh trưởng (Đức) nghiên cứu sự phân bố số loài linh trưởng ở khu vực Đoòng; dẫn đoàn cán bộ khoa học của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào khảo sát rừng bách xanh tại khu vực Thượng Đoòng...

Gắn bó với những chuyến đi, Hồ Khanh luôn nghĩ về cái hang tạo ấn tượng đặc biệt bởi luồng gió mát lạnh mà mình vô tình phát hiện trong lần trú mưa năm ấy. Thế là Hồ Khanh lại một mình vào rừng, cố nhớ lại từng vị trí. Sau bao ngày vất vả cực nhọc, anh đã tìm được lối vào hang nhưng vì không có bảo hộ cần thiết, lại chỉ một mình nên Hồ Khanh không dám vào sâu mà chỉ cảm nhận được rằng đây là một hang rất lớn, lớn hơn rất nhiều những cái hang mà anh đã tìm thấy.

Năm 2009, anh dẫn đoàn thám hiểm hang động của Hoàng gia Anh đến khám phá cái hang rất lớn và lạ ấy. Với Hồ Khanh, đây là chuyến đi đáng nhớ nhất. Chuyến thám hiểm mở ra rất nhiều điều bất ngờ thú vị, càng đi sâu vào hang, vẻ đẹp kỳ vĩ càng cuốn hút. Phía trên là ánh sáng mặt trời, phía dưới hang là con sông ngầm sâu hun hút, không khí mát lạnh, nước chảy cuồn cuộn, trong vắt giữa những rặng thạch nhũ điệp trùng. Hang này sau đó được đặt tên là Sơn Đoòng, được công nhận là hang động cao và rộng nhất thế giới.

Hồ Khanh lại tiếp tục đồng hành cùng đoàn cán bộ khoa học của Trường đại học Khoa học tự nhiên và các chuyên gia đến Sơn Đoòng để nghiên cứu địa chất, địa mạo, thủy văn để rồi Sơn Đoòng có vị trí trên bản đồ hang động thế giới. Anh còn dẫn các đoàn làm phim lớn từ nước ngoài và các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới đến làm phim, chụp ảnh và là thành viên tích cực phục vụ các chuyến thử nghiệm hang Sơn Đoòng...

Không chỉ giúp đỡ những nhà thám hiểm trong việc tìm kiếm các hang động, Hồ Khanh còn là một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người dân cùng chung tay bảo vệ Di sản. Điều thú vị là sau những tháng ngày đi tìm kiếm hang động với vợ chồng Howard Limbert, Hồ Khanh càng thấy yêu thích công việc này nên ngoài hang Sơn Đoòng, anh  còn phát hiện ra hàng chục hang động lớn, nhỏ khác thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Anh thường một mình vào rừng tìm kiếm, rồi ghi nhớ thật chi tiết những nơi mình đã qua để dẫn đường cho các đoàn thám hiểm đi tìm hang động.

Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và bằng cả niềm say mê nên Hồ Khanh được ông Howard Limbert hết mực yêu mến tin cậy. Anh trở thành người bạn đồng hành của các nhà khoa học trên hành trình khám phá, tìm kiếm và làm phong phú thêm những giá trị độc đáo của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hồ Khanh còn vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Và theo Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh thì sắp tới đây, Hồ Khanh sẽ được đón nhận Huân Chương Lao động hạng Ba. Những phần thưởng này sẽ là động lực to lớn để Hồ Khanh tiếp tục với những công việc mà anh yêu thích là tìm kiếm hang động, gìn giữ bảo vệ Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Nhật Văn