.

Ngặt nghèo... bệnh nhân chạy thận

Thứ Ba, 08/07/2014, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến phòng chạy thận nhân tạo tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới), tôi không thể không chạnh lòng trước những mảnh đời khốn khổ vì căn bệnh này. Ánh mắt họ chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm, nhọc nhằn...

Muôn cảnh khó khăn

Đa số những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại đây đều đã có thời gian điều trị từ 5 – 10 năm trở lên, họ đến trong ngày và về trong ngày nhưng là bệnh nhân thường xuyên của viện. Bởi lẽ đó mà tất cả đội ngũ cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở đây đều rất rõ hoàn cảnh của nhau.

Bác sỹ Từ Sỹ Khuổng, khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết: Đa phần các bệnh nhân chạy thận đều rất nghèo. “Những ai đã mắc căn bệnh này thì gia đình khá cũng rớt xuống nghèo, còn đã nghèo thì có lẽ sẽ cùng kiệt luôn”.

Bác sỹ Khuổng kể cho tôi nghe một loạt các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt rồi đưa tôi đến phòng chạy thận. Trước mắt tôi là những bệnh nhân trẻ có, già có, hầu như đủ lứa tuổi. Đến bên giường bệnh của ông Cao Kế Hòa (quê ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa), tôi được chứng kiến cảnh người vợ đã ngoài 60 tuổi đang xoa bóp, lau rửa từng ngón tay cho chồng. Bà Hoa (vợ ông Hòa) kể trong nước mắt: “Gia đình tôi làm nông, hoàn cảnh cũng khó khăn lắm... 10 năm chăm chồng ở bệnh viện là 10 năm tôi ở trọ, lượm ve chai kiếm tiền. Bản thân tôi cũng bị bệnh viêm gan B, rồi đây chẳng biết cuộc sống của vợ chồng tôi sẽ đi về đâu...” 

Không được may mắn có người chăm sóc như ông Hòa, bà Trần Thị Luyện (72 tuổi, quê ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) đã chạy thận nhân tạo 10 năm nay nhưng do hoàn cảnh con cái làm ăn xa nên bà phải lặn lội một thân, một mình. Nhìn lên khuôn mặt khắc khổ của bà, lòng tôi trĩu nặng.

Bà Hoa ngậm ngùi nước mắt 10 năm chăm chồng chạy thận.
Bà Hoa ngậm ngùi nước mắt 10 năm chăm chồng chạy thận.

Rời giường bệnh của bà Luyện, tôi đến gần một nam thanh niên đang chăm chú nhìn vào cánh tay được “kết nối” với chiếc máy. Anh giới thiệu anh tên là Lê Đình Trung (29 tuổi, quê ở huyện Tuyên Hóa).

Trước khi bị bệnh anh là một sinh viên xuất sắc của Trường cao đẳng Giao thông vận tải Đà Nẵng, nhưng giờ đây, anh đã phải bỏ dở tương lai, ước mơ hoài bão tuổi trẻ để gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận. Bố mẹ anh làm ruộng, các em đang tuổi đi học nên kinh tế gia đình rất chật vật. Từ ngày anh nằm viện, tài sản gia đình cứ thế theo anh trôi dần. Anh Trung tâm sự: “Tôi nằm viện đã gần 6 năm, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, lại phải thường xuyên cấp cứu nên không dám về nhà mà phải thuê phòng trọ 600.000 đồng/tháng ở gần bệnh viện; tiền thuốc mua thêm có tháng lên đến 3 - 4 triệu đồng. Thương bố mẹ lắm nhưng không biết làm sao...”

Bệnh nhân khóc nhưng người nhà còn khóc nhiều hơn, đó là những gì tôi được chứng kiến tại phòng chạy thận nhân tạo Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Hầu hết bệnh nhân chạy thận ở đây đều phải thuê phòng trọ gần bệnh viện, có những người đã ở hơn 10 năm, không ít người nhiều năm nay đã để “vườn không, nhà trống” lên thành phố thuê trọ chỉ vì người thân chạy thận.

Bệnh nhân đang trẻ hóa

Thực tế đáng buồn hơn đó là bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang trẻ hóa. Trong số 42 bệnh nhân tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới thì có đến hơn một nữa người trong độ tuổi lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe.

Bác sỹ Từ Sỹ Khuổng cho biết: Số bệnh nhân bị suy thận bẩm sinh thường ít hơn số bệnh nhân mắc bệnh chủ yếu do thiếu hiểu biết, ăn uống không bảo đảm nên khả năng chống đỡ bệnh tật kém. Mặt khác, có những người được phát hiện sớm nhưng do điều trị không triệt để, dùng thuốc bừa bãi, nhất là lạm dụng thuốc nam nên bệnh nặng dần, dẫn đến khả năng hồi phục kém.

Hiện tỷ lệ bệnh nhân suy thận mãn tại Quảng Bình được chạy thận còn thấp. Hầu hết các bệnh nhân được phát hiện suy thận mãn đều do đến để cấp cứu các bệnh khác như tai biến, phù phổi, thiếu máu... Bác sỹ Khuổng khuyến cáo, để phòng tránh được bệnh thận mãn, với các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường nên thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công thức máu, đạm niệu; điều trị tốt bệnh lý cầu thận cũng như bệnh tăng mỡ máu; nên tầm soát đạm niệu (đạm trong nước tiểu) thường xuyên đối với những người có người thân từng mắc bệnh thận mạn vì bệnh có yếu tố di truyền.

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là cách phòng ngừa bệnh thận khả thi nhất. Đầu tiên là không ăn mặn, giảm muối, ăn ít chất béo, ăn nhiều cá, tránh xa rượu bia, thuốc lá... Nên dùng nhiều thực phẩm tươi, thức ăn ít phosphat như táo, lê, nho, đào, mận, mơ, mâm xôi, dâu tây...; tăng rau củ (cà rốt, súp lơ, dưa chuột, rau cần tây, đậu xanh, bắp cải...) và ngũ cốc thô, trà, sữa...

Hằng ngày nên uống đủ nước, 2-3 lít/ngày, tập thể dục đều đặn, tránh stress... Tuyệt đối không tự ý dùng bừa bãi các loại thuốc có thể gây độc cho thận như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, thuốc điều trị ung thư, lao, thuốc cản quang...

Lê Mai