.
Người Quảng Bình xa xứ:

Người Việt ở Khăm Muộn

Thứ Bảy, 25/01/2014, 11:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại thị xã Thà Khẹt - Lào, hiện có rất nhiều người Việt đang sinh sống. Ở họ có mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc sống riêng nhưng những câu chuyện về họ đã góp phần tạo nên bức tranh đa màu về người Việt ở đây, về tinh thần và nghị lực sống để khẳng định mình trên nước bạn.  

Điều may mắn cho tôi khi hôm đầu tiên bước chân lên đất bạn Lào lại có cơ hội gặp gỡ với hầu hết những người Việt trong Hội người Việt đang sinh sống tại Lào. Đa số bộ phận người Việt ở đây đều có cuộc sống sung túc, khá giả nên tối nào họ cũng tập trung đến trụ sở Hội để tham gia các hoạt động và quan trọng là được nói chuyện với nhau bằng tiếng quê hương của mình. Đang ở trên đất Lào nhưng nhìn cảnh mọi người trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt và mở những bài hát Việt khiến chúng tôi như quên đi cảm giác xa nhà và mệt mỏi của chặng đường dài... Ông Trung ngồi bên cạnh và liên tục giới thiệu về món dưa cải muối dân dã, quen thuộc. Ông bảo chúng tôi ăn thử xem có ngon không bởi đây là món tự tay ông làm.

Ngồi kế bên là ông Trần Văn Thọ, Hội trưởng người Việt Nam tại Khăm Muộn chia sẻ: Hội hoạt động ở đây đã rất lâu và rất gắn bó đoàn kết với nhau. Nếu ở trên địa bàn có những trường hợp người lao động Việt nào gặp khó khăn thì Hội đều giúp đỡ. Có người sang đây làm việc bị mất hết tiền, giấy tờ không thể trở về nước, Hội đã giúp đỡ tạo điều kiện để họ sớm trở về nhà. Đặc biệt mọi hoạt động của Hội luôn hướng về quê hương, trong cơn bão số 10 và lũ lụt ở miền Trung vừa qua, sau khi nghe tin Hội đã đi vận động từng gia đình quyên góp được một khoản tiền, riêng Quảng Bình Hội đã ủng hộ số tiền 100 triệu đồng.

Ở Khăm Muộn số lượng người Việt sang làm ăn sinh sống rất lớn. Một số bộ phận ở thị xã Thà Khẹt chuyên kinh doanh buôn bán và đều có cuộc sống khá giả, sung túc. Số nữa hiện đang sản xuất nông nghiệp, làm thêm các nghề truyền thống như bún, bánh... ở bản Xiêng Vảng. Và cuối cùng là những người Việt sang làm nghề cắt tóc, làm móng tay, thợ xây...

Những người Việt làm kinh doanh đều có cuộc sống khá giả.
Những người Việt làm kinh doanh đều có cuộc sống khá giả.

Ông Đoàn Văn Thung, có mẹ là người Quảng Bình chia sẻ: Từ những năm 1945, vì cuộc sống lúc đó quá khó khăn, nạn đói hoành hành trong khi không có đất sản xuất nên gia đình ông đã sang Khăm Muộn để lập nghiệp. Cùng sang đợt ấy có một số gia đình nữa, họ đã lập thành làng người Việt ở bản Xiêng Khoảng và làm nông nghiệp. Hiện tại, ông Thung là một trong những người Việt giàu có ở thị xã Thà Khẹt này. Ông là chủ của một xưởng tiện và cơ sở vận tải với hơn 20 chiếc xe các loại. Trung bình một ngày xưởng tiện và cơ sở vận tải này đem lại cho ông thu nhập 20-30 triệu đồng.

Kể về cuộc sống vất vả trước đây, ông tâm sự: Lớn lên theo nghề mộc của gia đình, nhưng thời ấy, làm mộc cũng không đủ sống, vậy là ông cùng vợ đạp xe đạp hơn 30 cây số để buôn gà từ Xiêng Vảng lên Thà Khẹt. Lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu nhưng với ý chí của mình dần dần ông đã gây dựng nên cơ ngơi này. Ông cho rằng, muốn làm giàu mà không có gan thì không thể làm được. Ở Thà Khẹt, không chỉ riêng ông mà hầu như người Việt nào kinh doanh cũng đều có cuộc sống khá giả.

Bên cạnh những người đã tạo dựng được cơ nghiệp, thì cũng có không ít những người "chân ướt chân ráo" sang đây phải vật lộn mưu sinh. Nhiều người trẻ sang Lào với hy vọng có thể tạo dựng sự nghiệp ở vùng đất này. Vào một tiệm cắt tóc nhỏ, có gắn bảng hiệu Ly Ly chúng tôi gặp Loan (SN 1990) quê ở Bố Trạch. Cô gái có tuổi đời còn rất trẻ, thế nhưng ít ai biết rằng Loan đã bôn ba ở đất Lào được 2 năm. Loan tâm sự, ở quê không có việc gì làm, nghe nhiều người bảo sang đây làm ăn dễ nên cô đã cùng em trai mình sang. Trước cô cũng làm thợ cắt tóc ở tỉnh Sê Kông, nhưng vì theo người yêu là Phương (SN 1989) nên cô mới chuyển đến mở quán ở Thà Khẹt cách đây một tháng. Thu nhập theo Loan thì mỗi ngày được 100.000 đồng, với thu nhập như vậy thì hơn sống ở nhà. Sang đây làm ăn được nên cô hy vọng sau này có vốn sẽ mở quán lớn hơn.

Đang ngồi để Loan cắt tóc, Phương quê ở Bố Trạch cũng tâm sự, sang bên này cuộc sống vất vả nhưng được cái là có thu nhập. Cách đây 4 năm, lúc mới sang, Phương làm đủ nghề để kiếm tiền kể cả đi bán cà rem dạo, thấy nhiều người sang làm thợ xây thu nhập được, anh đã đổi nghề. Theo Phương thì những người lao động Việt sang đây làm thợ xây đều được nhiều chủ thầu tin tưởng, bởi họ là những người có tính kỷ luật, tay nghề cao. Vì thế, họ được các chủ thầu trả lương cao hơn hẳn. Khi được hỏi đi xa có nhớ nhà, nhớ quê không.

Phương cười đáp: "Nhớ chứ, nhà có mỗi mình con trai đi mấy năm rồi cha mẹ ở nhà cũng buồn lắm". Nhưng có lẽ với hai bạn trẻ này thì cuộc sống ở nước bạn Lào với nhiều cơ hội sẽ là vùng đất để họ tạm dừng chân. Hơn nữa, theo họ văn hóa của nước bạn gần với văn hóa của Việt Nam, người ở đây thật thà, dễ mến là điều đã khiến không ít người muốn ở lại.

Đang trò chuyện thì Hiền vừa mới đi làm về cũng vào góp chuyện. Hiền cho biết cô đến từ Quảng Trạch và đã tốt nghiệp một trường trung cấp y, không xin được việc cô sang Lào, ban đầu chỉ là đi chơi, vì anh trai đang có quán cafe ở thị xã này. Nhưng rồi cũng chán, cô đi làm móng dạo (bình quân mỗi ngày cũng được 200.000 đồng) với hy vọng kiếm tiền để về Việt mở một tiệm bán thuốc nhỏ. Đối với những người Việt sang Lào mong tìm cơ hội đổi đời này, tuy mỗi người có một công việc, một hoàn cảnh riêng nhưng họ luôn có tinh thần đoàn kết và hướng về quê hương.

Trở về Việt trên chuyến xe Thà Khẹt-Đồng Hới, ngồi bên cạnh tôi  là một người đàn ông quê ở Tuyên Hóa dáng vẻ khắc khổ, đôi tay chai sần đang hân hoan đếm những đồng tiền Lào để kịp tới Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đổi sang tiền Việt. Ông vui vẻ khoe đợt sang Lào 1 tháng làm thợ xây này ông kiếm được 7 triệu đồng tiền Việt, số tiền tuy không lớn nhưng nó sẽ giúp cho những người lao động như ông có cuộc sống đỡ chật vật hơn.

Đoàn Nguyệt