.

"Số phận" 2 đôi tàu Vinh-Đồng Hới và Đồng Hới-Huế: Hoạt động đến giờ "G"

Thứ Bảy, 14/12/2013, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Thông tin Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tạm ngừng 5 đôi tàu khách kinh doanh kém hiệu quả, trong đó có tuyến Vinh-Đồng Hới và Đồng Hới-Huế bắt đầu từ ngày 1-1-2014 đã làm nhiều người bất ngờ. Bởi, trên những chuyến tàu chợ này là nơi tụ họp của muôn mặt cuộc sống mà trong đời ít nhất chúng ta đã từng một lần bước vào thế giới đó để ra Bắc vào Nam…

Những ai đã từng là sinh viên học ở Huế và Vinh có lẽ sẽ không bao giờ quên cảm giác chờ, đợi chuyến tàu chợ Vinh-Đồng Hới; Đồng Hới-Huế và ngược lại trong những dịp nghỉ hè hay lễ tết.

Và chắc cũng đã từng đọc phóng sự “Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?” của nhà thơ-nhà báo Ngô Minh-được đưa vào giáo trình dạy sinh viên báo chí-khi ông mô tả tiếng tàu chạy bằng chi tiết rất đắt “Mi cực/tau cực. Mi cực/tau cực. Mi cực/tau cực.... Sụyt!”.  Theo ông, âm thanh đó đã trở thành giai điệu bài hát mà rất nhiều người làm việc trong ngành Đường sắt đều biết và thuộc nằm lòng.

Sở dĩ phải dài dòng như vậy là vì những chuyến tàu chợ đã gắn kết rất nhiều cuộc đời sang, hèn, giàu, nghèo và cùng là cơ hội cho người dân sống dọc đường sắt mưu sinh từ bao đời nay. Gọi là tàu chợ, hiểu nôm na là vì nó chuyên chở đủ thứ trên đời, chạy đủng đỉnh, rồi mỗi lần dừng đỗ thì trên tàu và dưới sân ga như một cái chợ để bà con mua bán, trao đổi hàng hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Lễ, Giám đốc Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Bình (thuộc Công ty vận tải hành khách Hà Nội) cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và kinh doanh vận tải đường sắt. Thực tế có một số tuyến đường kinh doanh khó khăn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên hàng năm Tổng công ty ĐSVN đã phải cắt giảm chi phí sản xuất để bảo đảm cân bằng thu chi vận tải.

Sân ga sẽ vắng khách nếu các đôi tàu VĐ31/32 và ĐH41/42 ngừng hoạt động.
Sân ga sẽ vắng khách nếu các đôi tàu VĐ31/32 và ĐH41/42 ngừng hoạt động.

Trong 5 đôi tàu khách kinh doanh kém hiệu quả có đôi tàu Vinh-Đồng Hới (VĐ31/32), Đồng Hới-Huế (ĐH41/42). Mỗi năm Tổng công ty phải bù đắp chi phí gần 100 tỷ đồng cho các đôi tàu này, cụ thể năm 2011 là 83 tỷ đồng, năm 2012 là 102 tỷ đồng. Thời gian qua, mặc dù Tổng công ty ĐSVN đã tìm nhiều biện pháp như: tổ chức chạy tàu hợp lý, gia tăng thêm dịch vụ, điều chỉnh tăng giá cước nhưng vẫn không thể bù đắp được khoản kinh phí thiếu hụt của các đoàn tàu nói trên.

Do vậy, để giảm bớt gánh nặng trong sản xuất, kinh doanh vận tải đường sắt, Tổng công ty dự kiến tạm ngừng chạy các đoàn tàu này kể từ ngày 1-1-2014. Trong đó, có các đôi tàu khách VĐ31/32 và ĐH41/42 chạy trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, vừa phục vụ hành khách ở các khu đoạn ít có phương tiện khác và hành khách lên xuống các ga nhỏ lẻ mà tàu Thống nhất không dừng đỗ. Với chính sách bảo đảm an sinh xã hội là chủ yếu nên mỗi ngày doanh thu tàu VĐ31/32 bình quân đạt dưới 13 triệu đồng, bằng 17% so với chi phí; tàu ĐH41/42 đạt dưới 14 triệu đồng, bằng 22%-28% so với chi phí, ông Lễ cho hay.

Đặc điểm của các đôi tàu này là kinh doanh trong điều kiện khó khăn, cự ly vận chuyển ngắn, sản lượng vận tải thấp trong khi giá thành cao lại bị cạnh tranh bởi các phương tiện khác nên dù đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng lỗ vẫn hoàn... lỗ!

5 đôi tàu khách kinh doanh kém hiệu quả là, Long Biên-Quán Triều (QT91/92), Gia Lâm-Đồng Đăng (ĐĐ3/4), Yên Viên-Hạ Long (R157/158), Vinh-Đồng Hới (VĐ31/32) và Đồng Hới-Huế (ĐH41/42).

Trao đổi với chúng tôi về thời điểm ngừng chạy đôi tàu khách Vinh-Đồng Hới và Đồng Hới-Huế, ông Nguyễn Ngọc Lễ nói sau khi nhận được công văn của Tổng công ty về vấn đề này, các địa phương liên quan đã có phản hồi đề nghị duy trì hoạt động các tuyến tàu địa phương. Đồng thời Bộ Giao thông vận tải cũng đã có ý kiến chỉ đạo Tổng công ty ĐSVN tiếp tục vận hành các đôi tàu nói trên để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Sau đó, Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tổng quan về sản lượng, doanh thu, lượng khách, luồng khách và tình hình dân sinh trên tuyến để có phương án phù hợp. Là người trong ngành, ông Lễ cũng rất lo lắng vì nếu các tàu VĐ31/32 và ĐH41/42 dừng chạy thì đội ngũ cán bộ, công nhân viên phục vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về việc làm.

Ông tính, riêng đôi tàu VĐ31/32 không vận hành sẽ có từ 70-80 nhân viên phục vụ, thư ký bán vé có nguy cơ thất nghiệp vì không biết sẽ bố trí vào chỗ nào. Ngoài ra, từ trước đến nay mọi công việc như: sửa chữa thiết bị, công văn giấy tờ, lương thưởng... đều được vận chuyển bằng đường sắt nếu tàu không hoạt động nữa thì sẽ khó khăn hơn. Ở những tuyến, khu đoạn hẻo lánh mỗi khi “trái gió trở trời” công nhân cũng không biết bấu víu vào đâu vì đường bộ đi lại không thuận tiện.

Hiện Tổng công ty ĐSVN đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải phương thức duy trì 5 đôi tàu khách bằng việc gia tăng dịch vụ để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đồng thời từng bước điều chỉnh tăng giá vé để tăng doanh thu... Trong trường hợp đã áp dụng các giải pháp nêu trên nhưng doanh thu của các đôi tàu vẫn thấp hơn chi phí và không đủ kinh phí để bù đắp, Tổng công ty ĐSVN sẽ ngừng chạy tàu để ổn định và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, quyết định ngừng hay vẫn tiếp tục vận hành các đôi tàu là do Bộ chủ quản quyết định khi đã có phương án phù hợp.

Bài toán giữa lợi ích kinh tế, hiệu quả kinh doanh và thực hiện chính sách xã hội trong công tác vận tải đường sắt ở những cung đường ngắn, với đa phần cuộc sống của người dân còn rất khó khăn là một vấn đề khó giải quyết trong một sớm một chiều. Có lẽ để người dân bắt nhịp với những đổi thay trong đời sống, ngành Giao thông vận tải nên có một quyết sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vì đó cũng là chính sách giúp đỡ nhân dân.

Minh Văn