Xây dựng nông thôn mới:

Tiêu chí hộ nghèo: Những điểm nhìn từ thực tiễn - Kỳ 2: Tạo việc làm-con đường thoát nghèo duy nhất!

Cập nhật lúc 07:53, Thứ Hai, 12/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đối với những đối tượng hộ nghèo vẫn còn trong độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, biện pháp thoát nghèo duy nhất và hiệu quả nhất chính là tạo việc làm, giúp họ vươn lên làm chủ kinh tế, nâng cao dần mức sống.

>> Kỳ 1: Muôn mặt hộ nghèo

Cần tích cực đào tạo nghề

Để thực hiện điều này, nhiều chương trình, dự án, mô hình về hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp nhà nước đã và đang được triển khai thực hiện. Chẳng hạn đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", trong 9 tháng đầu năm 2012, có 16/25 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh được Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lựa chọn ký hợp đồng dạy nghề với  69 lớp (41 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, 28 lớp dạy nghề nông nghiệp).

Hiện nay, 69 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đã có một số lớp kết thúc khóa học, còn lại phần lớn các lớp đang tổ chức đào tạo tại các địa phương với 2.170 người, trong đó lao động nông thôn tham gia học nghề phi nông nghiệp 1.300 người và học nghề nông nghiệp 870 người.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương con đường thoát nghèo nói trên vẫn còn khá chông chênh, đặc biệt là ở những vùng đông đồng bào dân tộc. Ông Trần Văn Tuân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết nguyên nhân đầu tiên là bởi nhận thức của bà con đối với việc đào tạo nghề còn nhiều hạn chế. Đơn cử như trường hợp huyện Minh Hóa, năm 2012, toàn huyện có 100 suất đi xuất khẩu lao động, nhưng chỉ tuyển được 7 suất, bởi đa phần tâm lý người dân không muốn rời xa bản làng, gia đình, và ngại khó, ngại khổ.

Anh Hồ Văn Nhuyết (SN 1988) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1992) ở bản Khe Dây (Trường Xuân, Quảng Ninh) được anh Hồ Văn Sĩ, trưởng bản, giới thiệu là hộ nghèo nhất bản. Mặc dù trên thực tế anh chị vẫn còn rất trẻ và khỏe mạnh. Ra ở riêng hơn 1 năm nay, tài sản anh chị có được là một túp lều bạt không đủ che mưa gió và 3 sào ruộng khô cằn, nứt nẻ. Mỗi năm, anh chị chỉ thu được 80 kg thóc, không đủ ăn đủ mặc. Bỏ học Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh từ lớp 10 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, anh Hồ Văn Nhuyết đi làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị Hồ Thị Thanh chỉ biết ở nhà quẩn quanh với đàn gà nhỏ và vườn rau ít ỏi.

Với ý chí, quyết tâm và sự hỗ trợ từ nhiều phía, gia đình chị Nguyễn Thị Hiên (thôn Long Thủy, Trường Thủy, Lệ Thủy) đã thoát nghèo.
Với ý chí, quyết tâm và sự hỗ trợ từ nhiều phía, gia đình chị Nguyễn Thị Hiên (thôn Long Thủy, Trường Thủy, Lệ Thủy) đã thoát nghèo.

Sắp tới, anh chị sẽ đón đứa con đầu lòng, tăng thêm một nhân khẩu, trong khi đời sống vẫn thiếu thốn trăm bề. Theo anh Hồ Văn Sĩ, Trưởng bản Khe Dây, bản có 33 hộ thì đã có đến 31 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 93,94%), trong đó 32 hộ là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Bà con ở đây chủ yếu làm ruộng, trồng cây, đi rừng kiếm củi. Ruộng thiếu nước nên sản xuất chỉ được 1 vụ/1 năm, cả bản không có nghề phụ gì để nâng cao cuộc sống bà con. Thêm vào đó, trình độ dân trí thấp, khiến việc đào tạo nghề lại càng thêm khó khăn. Đó là nguyên nhân thứ hai được lý giải.

Định hướng đúng và hỗ trợ kịp thời

Ở bản Khe Ngang (Trường Xuân, Quảng Ninh), tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với bản Khe Dây, chiếm khoảng 77,4% (72/93 hộ nghèo). Bà con dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản ngoài làm ruộng, còn trồng thêm lạc, ngô, đậu xanh và chăn nuôi trâu, bò, lợn. Anh Hồ Nam, trưởng bản Khe Ngang cho hay, khó khăn lớn nhất của bà con là thiếu đất ruộng sản xuất. Hiện nay, bản có 15,5 ha đất ruộng, và chỉ 58/93 hộ có đất để trồng lúa. Vì vậy, dân bản rất mong muốn được phép khai hoang mở mang thêm ruộng canh tác và tạo thêm điều kiện vay vốn để sản xuất.

Xã Trường Xuân (Quảng Ninh) có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 ở huyện Quảng Ninh, với hơn 46% trong năm 2012. Để giúp người dân thoát nghèo, ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân khẳng định, xã đã và đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường phát triển kinh tế trang trại vùng gò đồi (với 150 hộ tham gia); phát triển chăn nuôi (như dự án chăn nuôi gà thả vườn với 50 hộ tham gia...) và khai thác thủy hải sản... Bên cạnh đó, sắp tới xã sẽ tiến hành khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước cho một số thôn bản thiếu ruộng, cũng như rà soát, phân loại rừng để giao cho người dân sản xuất kinh tế.

Không chỉ các xã nghèo, mà ngay cả ở những xã điểm với tỷ lệ hộ nghèo thấp, việc thoát nghèo bền vững cũng không hề đơn giản. Ở xã Phong Thủy (Lệ Thủy) mặc dù tỷ lệ hộ nghèo dự kiến sẽ giảm chỉ còn 4,6% trong năm 2013, nhưng chỉ mới 20% lực lượng lao động trong toàn xã được qua đào tạo. Nhiều nghề như nghề xây dựng, nghề mộc, dịch vụ buôn bán, nghề cơ khí chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân tích lũy theo thời gian, chưa qua đào tạo, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặt khác, trên địa bàn xã, mới chỉ có 9 doanh nghiệp, còn lại là 120 các tổ hợp tác. Các tổ hợp tác tuy hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao mức sống người dân, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về năng lực các thành viên, cách thức quản lý, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, tư cách pháp nhân... Vì vậy, trong những năm tới xã sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dạy nghề huyện mở thêm các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời chú trọng các khóa học chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt...

Trong quá trình thoát nghèo, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc định hướng nghề nghiệp. Cách đây 2 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hiên (thôn Long Thủy, Trường Thủy, Lệ Thủy) là hộ thuộc diện nghèo khó trong xã. Gia đình chỉ có 4 nhân khẩu, nhưng do không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình không khá lên được. Quyết tâm thoát nghèo, anh chị vay vốn hỗ trợ để làm ruộng, trồng cây keo, nuôi gà, nuôi ong lấy mật, trồng hồ tiêu... Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình đã thoát được nghèo, mỗi tháng thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, xây được căn nhà khang trang.

Nhờ những định hướng đúng đắn, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,6% năm 2011 xuống còn 13,5% năm 2012. Đây là một thành công đáng khích lệ của người dân và chính quyền địa phương. Ông Lê Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết, bên cạnh các chương trình, dự án, nguồn vay vốn ưu đãi hỗ trợ bà con sản xuất, xã tập trung phát triển các mô hình điểm trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà, phong trào nuôi gà thoát nghèo đã lan rộng trong toàn xã, là phương thức chủ yếu thoát nghèo của nhiều hộ gia đình nơi đây.

Như vậy, mục tiêu và phương hướng thoát nghèo ở mỗi địa phương là rất rõ ràng, nhưng điều quan trọng hơn lại nằm ở việc chính quyền địa phương cần căn cứ trên tình hình thực tiễn, nhu cầu, mong muốn và trình độ người dân để lựa chọn những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, việc cân đối giữa giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động ở mỗi địa phương cũng rất cần sự cân nhắc cẩn trọng. Trên hết, vẫn rất cần sự đồng thuận và quyết tâm cao độ của chính quyền và bà con trong lộ trình thoát nghèo đầy gian khó.

                                                                      Mai Nhân



 

,
.
.
.