Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2012 (10-11 đến 10-12):

Hành trình "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV"

Cập nhật lúc 06:35, Thứ Hai, 12/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được chú trọng với nhiều chương trình hoạt động, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm mới góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tránh xa các tệ nạn xã hội, chủ động bảo vệ bản thân trước đại dịch HIV/AIDS và thực hiện các nội dung của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Từ việc đẩy mạnh công tác truyền thông

Thực tế cho thấy, HIV/AIDS là một loại dịch bệnh, có thể lây nhiễm từ người này qua người khác nhưng lại không hề giống với các dịch khác về đặc điểm bệnh lý, đường lây cũng như cách phòng tránh. Thông thường ở các loại dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả... người ta thường nghĩ ngay đến việc sử dụng hóa chất để khử sạch môi trường, cách ly người bệnh và khoanh vùng để thực hiện các biện pháp dập dịch nhằm tránh lây lan ra cộng đồng. Thế nhưng đối với đại dịch HIV/AIDS thì việc khống chế dịch bệnh lại hết sức phức tạp, được xem là một cuộc chiến lâu dài với rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Nếu như ở các bệnh truyền nhiễm khác, người ta có thể dễ dàng nhận biết bệnh qua các biểu hiện ban đầu như sốt, nhức mỏi... thì người nhiễm HIV có thể sống chung với vi rút HIV trong cơ thể suốt một thời gian dài mà bản thân người bệnh không hề hay biết. Khi mắc bệnh, họ vẫn có thể làm việc, không cần phải nằm viện cho đến khi chuyển qua giai đoạn cuối.

Đến nay, y học hiện đại thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cho căn bệnh này, việc điều trị cho bệnh nhân AIDS chỉ có tác dụng kéo dài cuộc sống cho người bệnh để họ vẫn bảo đảm sức khỏe và tiếp tục với những công việc thường ngày. Tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng HIV/AIDS lại là bệnh rất dễ phòng tránh. Người bệnh vẫn sống chung với những người thân của họ mà không lây bệnh cho người khác qua các giao tiếp thông thường. Chỉ cần hiểu rõ 3 đường lây: lây truyền qua đường máu, qua đường tình dục và mẹ truyền cho con lúc mang thai, chuyển dạ thì người bệnh và những người xung quanh họ hoàn toàn chủ động đối với việc phòng bệnh.

Với tính chất đó, việc tuyên truyền trong phòng chống HIV/AIDS được xem là vấn đề then chốt. Thời gian qua, công tác này được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, đặc biệt là các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nhằm hướng cộng đồng đến các hành vi an toàn trong phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

Chị Nguyễn Thị Lan Hường, cán bộ truyền thông Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tâm sự: Cách đây vài năm, khi chị mới về nhận công tác, nhiều lúc chị gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười trước những câu hỏi của người cần tư vấn mà đa số họ là thanh niên. Nhiều câu hỏi đại loại như: Em lỡ hôn một cô gái là nhân viên của một nhà hàng liệu có bị lây nhiễm HIV không? Có thuốc gì cho em uống không vì em sợ bị nhiễm HIV do tối qua em có ôm hôn gái mại dâm. Sử dụng 2 bao cao su một lần có tránh được lây nhiễm HIV không?... và rất nhiều câu hỏi tương tự. Không ít người hoàn toàn không có kiến thức về HIV/AIDS nên không biết phải làm như thế nào để phòng bệnh có hiệu quả.

Hội thảo phòng chống HIV/AIDS là diễn đàn để các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xây dựng nhiều giải pháp tích cực trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống AIDS.
Hội thảo phòng chống HIV/AIDS là diễn đàn để các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xây dựng nhiều giải pháp tích cực trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống AIDS.

Đa số họ đều cho rằng chỉ có người liên quan đến tệ nạn xã hội mới bị nhiễm HIV, trong khi đó, những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều người nhiễm HIV là công chức, viên chức, trẻ em. Họ hoàn toàn có cuộc sống lành mạnh nhưng vô tình bị lây nhiễm bệnh từ vợ, chồng hoặc do lây truyền  từ mẹ có HIV.

Để đối phó với đại dịch HIV/AIDS, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng nhiều mô hình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh chú trọng các hoạt động tuyên truyền trên Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác, nhiều mô hình truyền thông ra đời, mang lại hiệu quả thiết thực như truyền thông trực tiếp thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhóm cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng ở cơ sở.

Với mô hình này, từng thành viên của các nhóm đã tiếp cận người dân, nhất là các đối tượng có hành vi, nguy cơ lây nhiễm cao (người bán dâm, người nghiện chích ma túy) và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để phổ biến kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, hướng họ đến các hành vi an toàn để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS. Ngoài ra, nhiều hoạt động truyền thông khác cũng được chú trọng như  tổ chức những hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV và các hội thảo chuyên đề, phân phối tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm; cấp phát Tạp chí AIDS và Cộng đồng cho các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Nhờ vậy, nhận thức của người dân về phòng tránh HIV được nâng lên rõ rệt. Biểu hiện rõ nhất là ở các hội thi tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS giỏi do Hội Phụ nữ, các trường học, các đơn vị y tế tổ chức gần đây đều mang lại kết quả rất cao. Các thí sinh đã thể hiện tốt kỹ năng tuyên truyền và biết vận dụng linh hoạt kiến thức trong thực tiễn  hoạt động. Phòng tư vấn của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thu hút ngày càng đông người dân ở các độ tuổi, thành phần đến để được cán bộ y tế tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện...

Đến các dịch vụ y tế thân thiện

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều dịch vụ y tế được triển khai nhằm thu hút người dân đến với các cơ sở y tế. Đặc biệt, kể từ khi Luật Phòng chống HIV/AIDS ra đời, công tác phòng chống HIV trên địa bàn toàn tỉnh đã có những bước chuyển mới trên mọi mặt hoạt động. Thực hiện các nội dung của Luật, các địa phương, đơn  vị đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền, nghĩa vụ cho người nhiễm HIV, động viên người nhiễm HIV tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Nhờ vậy đã hạn chế được tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS trong cộng đồng dân cư. Những chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS như chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS... từng bước được đẩy mạnh và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Bác sĩ Trần Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: Trước đây, không ít người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS không tự nguyện đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị vì họ sợ sự kỳ thị của người khác nên giấu bệnh. Thế nhưng vài năm trở lại đây, từ việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và làm tốt công tác chăm sóc, điều trị, số người tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện và bệnh nhân AIDS đến với đơn vị ngày càng cao.

Từ đó giúp cho cán bộ y tế kịp thời phát hiện người nhiễm mới và tư vấn cho họ những kiến thức để sống chung với bệnh an toàn. Ở Khoa điều trị của Trung tâm, số bệnh nhân AIDS tham gia điều trị ARV để kéo dài cuộc sống ngày càng tăng. Tất cả các hoạt động tư vấn, chăm sóc điều trị từng bước được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu của người bệnh như bảo đảm  bí mật về tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ về mặt tinh thần khi người nhiễm HIV gặp những khó khăn trong cuộc sống.

Rất nhiều vụ việc xảy ra ở các địa phương, đơn vị do kỳ thị với người nhiễm HIV như ngăn cản trẻ nhiễm HIV đến trường, cắt việc làm vì phát hiện viên chức, lao động là người có HIV... đều có sự giúp đỡ của những cán bộ y tế. Họ đã cung cấp cho mọi người những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, vận động mọi người chung tay giúp đỡ người nhiễm HIV và trong điều kiện cần thiết, họ đã nhờ đến các cấp có thẩm quyền bảo vệ cho người nhiễm HIV nhằm phát huy hiệu quả của Luật Phòng chống HIV/AIDS trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều dịch vụ thân thiện khác được duy trì như tư vấn qua điện thoại, cung cấp bao cao su cho các nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm có hoạt động bán dâm; lắp đặt các hộp đựng bơm kim tiêm sạch ở các địa bàn trọng điểm của tệ nạn ma túy và thu gom bơm kim tiêm bẩn để tiêu hủy...

Ngoài ra, các tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng còn giới thiệu các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tới các dịch vụ hỗ trợ khác như (tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut (ARV), khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi cần thiết. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS ngày càng thu hút nhiều người đến tham gia, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Từ hoạt động này đã giúp cho không ít phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Những đứa trẻ được sinh ra từ các bà mẹ nói trên được chăm sóc và hưởng lợi các dịch vụ y tế cần thiết.

Thực tế cho thấy, hoạt động truyền thông và việc triển khai đồng bộ các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS. Và đó cũng là một trong những nội dung then chốt của toàn tỉnh trong công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2016 với mục tiêu khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV dưới 0,05% vào năm 2016.

                                                                         Mỹ Huệ



 

,
.
.
.