.

Nỗi ám ảnh của chiến tranh

Thứ Tư, 15/11/2017, 09:13 [GMT+7]

(Đọc tiểu thuyết ĐẤT KHÁT của Trác Diễm, NXB Quân đội nhân dân - Hà Nội - 2017)

(QBĐT) - Trác Diễm sinh năm 1986 tại Khương Hà, Hưng Trạch (Bố Trạch), là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Chị viết khỏe, in nhiều. Với tiểu thuyết “Đất khát” (NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2017) tôi đã bắt gặp một sức hút kỳ lạ, đó là nỗi ám ảnh đáng sợ của con người về chiến tranh.

Anh chấp nhận chịu đựng sự cô đơn khi xa em nhưng em đừng bao giờ coi đây là một cuộc chạy trốn... Em nói nơi em đến được mệnh danh là “vùng đất chết” và bây giờ em muốn nó được hồi sinh. Thì ra, chàng họa sỹ Nguyên Ninh (Du Tử) đã phỏng vấn rất nhiều khi đồng ý để người yêu toại nguyện với lựa chọn của mình. Ta hãy nghe họ thổn thức trong những phút chờ đợi ở ga tàu, ba mẹ em là những người làm vườn chăm chỉ (sau khi nghỉ hưu), họ đã biến vùng đồi lay lắt khát cháy thành một nông trại. Chỉ vì em muốn trồng thêm một cây keo hoa vàng ở đấy... Em rời ngọn đồi đi kiếm cây trong khi hai ông bà giúp em đào hố... Em hối hận, khi để cả hai người chôn vùi cuộc đời mình dưới hố sâu tử thần sau một tiếng nổ kinh thiên động địa và sau đó một cột khói đen ngất ngưởng bao trùm lấy ngọn đồi, mùi thuốc bom thọc vào tận phổi em khi em vừa chạy lên tới đó.

Bìa cuốn sách “Đất khát”.
Bìa cuốn sách “Đất khát”.

Tốt nghiệp khoa báo chí nhưng những ám ảnh về cái chết thương thảm của cha mẹ đã khiến Lư - người yêu của họa sỹ Du Tử tìm đến với một công việc đẩy nguy hiểm: dự án giải quyết bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh. Ngay trong câu chuyện với lão ngư ở làng Yên Bình, nhắc đến bom mìn tui lại nhớ tới một vụ cách đây mười hôm ở xóm tui, hai cha con đi rà sắt vụn bị trúng mìn. Nhìn lên bàn thờ, vợ tui chết bom khi cuốc đất làm vườn. Tui một mình nuôi ba đứa con. Nói đến đó người đàn ông không tiếp tục được nữa... Ngay trong gia đình người nữ đội trưởng tên Mẫn cũng đã trải qua nỗi đau thời hậu chiến. Cách đây mấy năm, khi chị sinh con bé thứ hai thì cha chồng chị qua đời trong lúc đào đất làm chuồng gà, không may đụng phải một quả bom bi loại BLU26. Để những đứa con sau này không phải khó khăn khi hình dung cái chết của ông nội, chồng chị (là bộ đội Công binh) đã kiếm cái vỏ bom bi cất đi để sau này giải thích cho chúng và thỉnh thoảng anh ấy vẫn lấy vỏ bom ra ngắm nghía như một mảnh ký ức đau buồn. Là nhân viên truyền thông, Lư đã tổng hợp tới hàng chục loại vũ khí sát thương Mỹ sử dụng ở Việt Nam, nhưng với người đội trưởng tên Thắng chừng đó chưa ăn thua, ba mươi năm chiến tranh Hoa Kỳ đã thả hàng chục triệu tấn bom mìn xuống Việt Nam. Một con số gấp bốn lần so với số lượng bom mìn được dùng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng điều còn kinh khủng hơn là Việt Nam phải cần đến một trăm năm và hơn mười tỷ đô la để dọn sạch số bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Mỗi ngày làm việc luôn đặt mọi người trong tâm trạng bất an, song Lư không hề mệt mỏi, trong cô luôn ám ảnh thân phận những con người, mái nhà, làng xóm xơ xác vì sự ác liệt của chiến tranh nay đang sống trong sự đe dọa của bom mìn vật nổ. Cô thì thầm với người yêu qua trang nhật ký, anh có tin nổi không Du Tử, chỉ trong vòng bốn thập kỷ mà có đến hơn bốn hai ngàn người thiệt mạng và số bị thương tật là trên sáu hai ngàn người do hậu quả bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Và em cùng với đồng đội của mình đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu những cái chết thương tâm. Nỗi ám ảnh về chiến tranh do bom mìn vật nổ còn đeo đẳng nhiều phận người, phận đời, vùng biển, rừng núi. Tác giả đưa ta đến những bản làng nằm cheo leo trên dãy Trường Sơn. Ngoài sự thiếu thốn bởi thiên tai, sự đe dọa bởi tử thần dưới lòng đất, những trẻ em được sinh ra ở đây còn phải gánh chịu nỗi bất hạnh do nhiễm chất độc đi-ô-xin. Lư như chết điếng khi ba đứa trẻ từ trong buồng nhào ra chào đón cô. Hình hài chúng thật kỳ dị. Đứa lóng tay lóng chân dài lều khều, đứa đầu to hơn cơ thể và đứa thì mắt to mắt nhỏ, mặt vẹo sang một bên như quả dưa biến dạng. Lư cúi xuống bế lấy một cậu bé nhỏ nhất, Lư mỉm cười hôn lên má nó, hai đứa trẻ còn lại đứa khóc đứa cười... trong ánh mắt của chúng bộc lộ một bản năng khát sống mãnh liệt. Cũng mùa đông năm đó, hai em học sinh đã chết ngay trên sân trường vì tung hứng một quả bom bi nhặt được. Nghe tiếng nổ bọn trẻ ù té chạy... và khi làn khói tan loảng ra, các thầy cô giáo cùng với các em học sinh không dám nhìn vào cảnh tượng trước mắt mình.

Ám ảnh chiến tranh không dừng lại trong biên giới quốc gia bị xâm lược, với cả những kẻ xâm lược còn mang theo đến cuối đời những nỗi ám ảnh khủng khiếp. Mắc là một người con sớm bị cha ghẻ lạnh. Chiến tranh Việt Nam mà ông chứng kiến hàng ngàn vụ chết chóc đẫm máu và trong những cuộc tàn sát đó chính ông cùng với các binh lính Mỹ đã gí súng vào đầu những người già và trẻ em gây nên những cái chết thương tâm... Mắc kể, chiến tranh đã “ăn mòn” con người trong ông ấy, dù không bị chết trận thì ông cũng chết dần chết mòn bởi những ám ảnh của chiến tranh... Ông giật cục liên hồi mỗi khi nghe ai đó nhắc đến đề tài chiến tranh hoặc hai từ Việt Nam...

Chiến tranh và hậu quả của nó là đề tài lớn cho nhiều cây bút. Với chưa đầy hai trăm trang viết, Đất khát đã liên tục “hệ thống” lại nỗi ám ảnh đáng sợ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nếu không có “thần chết” do cuộc chiến này để lại, ba mẹ Lư vẫn say sưa với những giống cây năng suất cao trên trang trại của mình. Lư sẽ là phóng viên đúng nghĩa của một tòa soạn và mối tình giữa cô với chàng họa sỹ Nguyên Ninh chắc chắn đã cập bến hạnh phúc. Anh bằng lòng với quyết định của người yêu, để cô đến với những vùng đất chết làm cho nó được hồi sinh. Những phận đời, phận người khư khư giữ lấy Lư, không muốn để cô tuột khỏi kiếp người kiếp đời của họ. Ở đó, mỗi mảnh đời như một lời kêu van khẩn thiết, khiến cô coi nơi đây là cuộc sống của mình. Sự hiểu lầm dù nhỏ cũng là khe hở đầu tiên cho vết rạn giữa hai người, đã trở thành lối rẽ để Du Tử đến với Tuyến. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc khi hình ảnh Lư ngày đêm bám riết ở vùng đất tử thần khiến họa sỹ như đánh mất mình. Thêm một nỗi ám ảnh xuất hiện từ Tuyến, cô yêu hết mình, thể hiện hết mình thiên chức làm vợ, làm mẹ và mong muốn được yêu như thế. Tuyến luôn muốn biến căn nhà của mình lúc nào cũng chan chứa đầy nét lãng mạn nhưng Du Tử luôn cảm thấy ngộp thở. Dẫu vậy, cuộc hôn nhân của họ đã dội vào Lư những cơn sóng đa chiều. Cô đến với Mắc (anh ta vô tội) và vui mừng biết mình sắp được làm mẹ, để rồi càng đau xót thê thảm khi biết bào thai hơn ba tháng tuổi là con trai đã được các bác sỹ đưa ra bởi đứa bé bất thành nhân.

Là cây bút nữ, sinh ra sau chiến tranh nhưng Trác Diễm đã có một vốn sống thực tế sâu sắc, dày dạn... nhất là trong địa hạt xử lý bom mìn vật nổ. Lắm lúc chị như hóa thân vào Lư, chứng kiến điều kiện làm việc của các đồng nghiệp, Lư cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ họ những con người nhận về phần mình cái chết để đem lại sự bình yên hạnh phúc cho mỗi vùng đất mà họ đi qua. Nhớ tới lời chị Mẫn, có những quả bom nằm trong khu vực không thể di chuyển, bất khả kháng phải dùng phương pháp hủy tháo thì lúc ấy những người rà phá bom mìn như bọn chị mới thực sự đứng giữa lằn ranh sinh tử, trong mắt cô chị Mẫn đúng là một nữ anh hùng thật sự.

Dẫu khuất lấp trong vô vàn nỗi đau khủng khiếp do chiến tranh, truyền thống nhân hậu vị tha đã giúp những người dân của một đất nước từng chịu quá nhiều đau thương và ám ảnh của chiến tranh, gác lại thù hận xích lại gần nhau. Mối tình của Lư và Mắc phần nào nói lên điều đó. Mừng thay, một mầm sống mới đang nẩy chồi...

Hiện tại, tiểu thuyết Đất khát của Trác Diễm đang chờ xét giải thưởng văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng. Với những cảm nhận tuy đơn điệu của mình, song tôi tin cuốn sách xứng đáng có mặt trên bàn đọc của độc giả.

Nguyễn Tiến Nên