.

Phát hiện mới về thói quen sáng tác của danh họa Van Gogh

Thứ Sáu, 10/11/2017, 08:15 [GMT+7]

Các chuyên gia làm việc tại Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins ở thành phố Kansas của Mỹ, vừa công bố một phát hiện khá thú vị khi nghiên cứu tranh của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh.

Tác phẩm
Tác phẩm "Olive Trees" do Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins ở Kansas City cung cấp. (Nguồn: AP)

Mary Schafer, một chuyên gia làm việc tại bảo tàng trên cho biết cô đã vô tình bắt gặp một "vị khách không mời" - một chú châu chấu nhỏ bé màu nâu bị chết khô - khi soi các chi tiết của bức tranh "Olive Trees" (Những cây olive) dưới kính hiển vi.

Chú châu chấu này đã bị mắc kẹt trong bức tranh sơn dầu này suốt 128 năm qua.

Nhà nghiên cứu côn trùng Michael Engel thuộc Đại học Kansas cho biết không có vết tích chú châu chấu này quẫy đạp trên bức tranh, điều này cho thấy chú châu chấu đã chết trước khi bị gió cuốn bay dính vào bức tranh của Van Gogh.

Phát hiện mới này được xem là một chỉ dấu cho thấy danh họa này có thói quen vẽ tranh ở ngoài trời, nơi nhiều gió bụi, cỏ cây và cả côn trùng.

Điều này càng được củng cố thêm bởi bức thư của Van Gogh gửi cho người em trai của mình là Theo hồi năm 1885 có đoạn viết: "Anh đã phải gắp ra hàng trăm con côn trùng từ bốn bức tranh mà em sắp nhận được đấy, chưa kể bụi và cát nữa nhé."

Bức "Olive Trees" nằm trong serie khoảng 18 bức tranh Van Gogh vẽ về đề tài này trong hai năm cuối đời của ông ở Saint-Remy-de-Provence thuộc Pháp.

Các chuyên gia cũng tìm thấy cát trong bức "Seascape near Les Saintes-Maries-de-la-Mer" mà họ cho là danh họa đã vẽ bên bờ biển Địa Trung Hải năm 1888.

Hiện bức tranh này được trưng bày tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam của Hà Lan./.

Theo TTXVN/Vietnam+