.

Nhà thơ làm ruộng

Chủ Nhật, 02/04/2017, 14:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà thơ Hồng Thế ở Quảng Bình là một “nhà thơ cầm cày” thứ thiệt hiếm hoi!

Trong trích ngang ở bìa 4, tập thơ đầu tay Lời mùa thu, Hồng Thế tự giới thiệu mình: “Nghề nghiệp: Làm ruộng“. Vâng, Hồng Thế là nông dân cầm cày, làm ruộng và... làm thơ từ khi lớn lên cho đến nay ở làng Lộc Mỹ, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch.  Ấy là vùng quê rất nghèo “chợ Bố Trạch sắn nhiều hơn gạo” (Xuân Hoàng), nên bỏ cày bừa, bỏ ruộng đồng là đói.

Thơ Hồng Thế được rất nhiều độc giả miền Trung mến mộ. Anh vẫn sống bám làng quê với hai vụ chiêm mùa, với con trâu, cái cuốc. Anh làm ra hạt lúa để nuôi mẹ già, nuôi vợ con và làm thơ. Là nông dân, Hồng Thế đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp Nông dân Việt Nam. Là nhà thơ, Hồng Thế là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình từ những ngày kháng chiến chống Mỹ. Hồng Thế đã được Tạp chí Sông Hương tặng thưởng chùm thơ hay nhất in năm 1986 gồm 3 bài Đá Nhảy, Con bò và Lời mùa thu. Anh còn được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

69 tuổi, trên 40 năm làm thơ, chắt bóp lắm, Hồng Thế mới bỏ tiền túi tự in được hai tập thơ: Lời mùa thu (1990) chỉ 24 bài thơ, Nến đồng (2003) 28 bài. Mỗi tập in vài trăm cuốn để tặng bạn bè. Nhưng khi nhắc đến cái tên thơ Hồng Thế, các nhà thơ và bạn đọc miền Trung ai cũng vị nể, quý mến  tài thơ của “anh nông dân một trăm phần trăm” này!

Đọc 52 bài thơ trong hai tập thơ Lời mùa thu và Nến đồng của Hồng Thế, điều dễ nhận ra là Hồng Thế lao động thơ rất nghiêm túc, đúng “phương châm” quý hồ tinh bất quý hồ đa như anh hay nói! Thơ anh bài nào thi tứ, ngôn từ cũng rất “chuyên nghiệp”, chứ không dễ dãi. Bài Đá Nhảy viết về một thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở quê anh là một bài thơ có tứ hay và mới mẻ. Mọi người đến Đá Nhảy để tắm biển, trèo đá, còn Hồng Thế ra Đá Nhảy để ngồi trầm tư trước muôn vàn hòn đá đang nhảy chồm ra sóng. Anh mặc bộ quần áo dân cày, đi dép cao su, nhưng lại ngồi như một triết gia. Và anh đã khám phá ra sự sống luôn  sinh động, đá cũng bắt chước người:

Hình đá giống con thuyền
                                  cưỡi sóng
Giống con người kéo lưới
                                    lên bờ
Giống con chim vút lên
                                    trời rộng
Lại giống như ai đứng
                                     đợi chờ...

Hồng Thế chiêm nghiệm: Đá ở đây không còn là đá tảng/ Mặt nhẵn lý năm tháng nhoài qua; để rồi đẩy tới triết lý của sự trường tồn:

Còn đá nhảy đời còn
                               mơ mộng
Còn trời xanh, còn biển rộng,
                                    còn say...

Còn đá nhảy đời còn mơ mộng là một liên tưởng bất ngờ, gây được khoái cảm thẩm mỹ sâu sắc. Vì lẽ ấy mà có nhiều bạn yêu thơ ở miền Trung thuộc lòng bài thơ Đá nhảy của Hồng Thế.

Bài thơ Giao mùa trong tập Nến đồng cũng là một bài thơ hay. Không trăn trở với mùa màng, không yêu quý ruộng đồng, chắc chắn không thể làm được bài thơ thẳm sâu như thế. Bằng một chuỗi hình ảnh đồng quê rất chọn lọc và điển hình, Hồng Thế đã vẽ thêm nét riêng của mình trên bức tranh quê Việt Nam hôm nay, khi mùa gặt đã vãn. Những câu thơ gợi lên niềm suy tư và nỗi buồn thấm thía:

Không tìm thấy cánh cò trên
                                     ruộng lúa
Màu xanh non gấm vóc
                                     bay rồi...

Nên:

Trong lều cỏ lão nông
                              ngồi hát
Giọng trầm trầm giông gió
                              quay ngang

Thơ để gợi, để nghiền ngẫm, rất da diết. Thơ Hồng Thế hầu hết là "chuyện nhà quê" với những cái tựa đề rất mộc mạc như Con bê, Gửi lại tháng giêng hai, Mùa thu quê tôi, Đi mưa... (Lời mùa thu); hay Hoa chạc chìu, Lời nến, Giao mùa, Bến quê... (Nến đồng), nhưng lại mang đến cho người đọc sự đồng cảm trong từng hình ảnh, câu chữ thơ gần gũi. Tác giả có một quan niệm sống rất bản lĩnh, rất nhân văn: Cuộc đời trao tôi cây nến nhỏ/ Tôi được sống khi cháy thành ngọn lửa! Đúng, phải cháy lên thành ngọn lửa, mới gọi là sống ở đời! Hay là hình ảnh người mẹ ngồi nhặt lá vàng trong Chiều muộn: Nắng xế vườn thưa vàng lá đổ/ Mẹ ngồi gom bóng chiều rơi; rồi hình ảnh người chị thân thương như là biểu tượng của sự lam lũ, đức hy sinh:

Một đời lầm lụi cuốc cày,
                                  nhặt cỏ
Hạt lép ngổn ngang, hạt
                                 chắc chưa đầy
Nước mắt khóc chồng,
                                khóc con khô cạn
Thân yếu gầy là chị của
                                tôi đây  

             (CHỊ TÔI - Nến đồng)

Trong tập Nến đồng có những bài thơ (như Viết ở Vị Xuyên, Phố cổ Hội An, Qua cầu Bóng...) viết trong các chuyến đi do Hội Nông dân Việt Nam mời hoặc anh được đi dự trại sáng tác do Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Hồng Thế có cảm xúc rất tinh tế về những nơi mình mới đến. Viết tặng người bạn nhạc sĩ Huy Tập trong chuyến đi  Nam Định, Hồng Thế có những câu thơ rất thơ:

Ai về bên kia sông Vị
Lòng chùng mấy nhịp
                              cầu treo
Tơ trời kéo giăng sợi nhớ
Đong đưa nhịp võng
                               sang chiều  

              (GỬI LẠI - Nến đồng)

Tôi đã ngủ qua đêm trong ngôi nhà của Hồng Thế ở làng Lộc Mỹ. Từ bao nhiêu năm nay vẫn ngôi nhà gỗ lợp ngói ấy, sân gạch, giếng nước, mấy bụi cam, chanh. Những đứa con thì anh gọi tên là thằng Chạc, thằng Dợ... Thằng Dợ xuống đun nước/ Thằng Chạc hát nghêu ngao... Chất  đầu giường ngủ, đầy tủ gỗ, đầy cả trên tra (gác) đầy ắp là sách của Tagor, Exênhin, Puskin, Uýt Man, Gớt, Nam Cao, Nguyễn Bính, Hoài Thanh, Xuân Diệu... và sách bạn bè tặng. Anh kể rằng, đi cày về uống bát nước chè xanh là đọc sách đến khi vợ con gọi cơm tối. Làng quê Hồng Thế cách thị xã Đồng Hới gần hai chục cây số, thế mà anh chẳng bỏ cuộc sinh hoạt thơ nào ở tỉnh. Ngày thơ Việt Nam, anh từ làng đạp xe vô Đồng Hới đọc thơ, rồi lại đạp ra. Vài hôm sau, lại đạp xe vô Đồng Hới để đọc thơ chào mừng Lễ hội Di sản Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Đọc thơ, uống rượu với bạn bè đến sáng, anh lại đạp xe ra với cánh đồng làng tháng giêng...

Hồng Thế tự nhận xét về thơ mình: "Cái được và chưa được trong thơ, đối với mình, tất cả đều dành cho hạt lúa mẩy trên đồng“!.

Ngô Minh