.

Giữ niềm đam mê đọc sách, báo

Thứ Tư, 29/03/2017, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày nay khi các phương tiện nghe và nhìn ngày càng phát triển phục vụ nhu cầu đời sống của con người, văn hóa đọc bị lấn át. Tuy vậy, không phải việc đọc (nhất là đọc sách, báo văn nghệ, lịch sử...) đã hoàn toàn bị lép vế. Văn hóa đọc vẫn còn duy trì, phát triển trong đời sống xã hội.

Những cuốn sách thổi bùng lý tưởng cách mạng

Nhà đại văn hào Nga Maksim Gorky, trước khi trở thành người nổi tiếng, thuở còn đi làm thuê trong xưởng bánh mì, trong tự truyện của mình đã kể lại, có những đêm, không có đèn, ông đã lấy thanh gỗ đang cháy dở ở lò bánh, nhờ ánh lửa nhỏ mà tranh thủ đọc tiếp những trang viết của Gogol, Balzai, những nhà văn Pháp nổi tiếng. Chính những trang viết của các nhà văn đi trước đó thổi bùng ánh lửa hồng trong trái tim cách mạng của nhà văn.

Trong thế kỷ trước, thanh niên Xô-viết và nhiều nước khác theo ngọn cờ cách mạng vô sản đã chuyền tay nhau đọc “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky, hoặc tiểu thuyết “Ruồi trâu” của nữ văn sĩ Ethel Lilian Voynich. Hình tượng nhân vật Pavel Korchagin đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong lòng mọi người, họ sẵn sàng ra trận, chiến đấu cho lý tưởng giải phóng dân tộc.

Bao chiến sĩ Việt Nam trên đường hành quân xuyên Trường Sơn, ra trận vẫn xếp trong ba lô của mình những cuốn sách ấy để khi nghỉ chân ở một cánh rừng, lại rút sách ra đọc tiếp...

Cách đây mấy năm, “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra đời đã làm sáng rực văn đàn Việt Nam. Các nhà in, nhà xuất bản tái bản nhiều lần. Những cuốn sách ấy đã làm mê say lòng người.

Sách báo vẫn còn làm rung động bao trái tim người đọc

Năm 2010, người viết bài này từng nằm điều trị ở Bệnh viện đa khoa Đồng Hới cùng với bác sĩ quân y nghỉ hưu Phạm Văn Đại, hiện ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới. Ông tâm sự với tôi, ông là độc giả của rất nhiều tờ báo. “Chừ nằm viện, thèm đọc báo quá”, ông nói.

Ông thường ghé Bưu điện Đồng Hới vào buổi sáng để đi mua báo. Ông nói: “Tôi đọc tất tần tật từng trang, từng tờ báo mà tôi đã mua về. Hay lắm. Nó cung cấp, dạy bảo cho mình bao điều hay, lẽ phải”. “Vì sao ông không đọc báo mạng mà phải đi mua báo giấy, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian?”. Ông tươi cười trả lời: “Báo mạng lắm bài bị cắt gọt nguyên bản. Vả lại, đọc trên màn hình lóa mắt, lóa mũi, không phù hợp sức khỏe của tôi”.

Ông Trương Duy Nguy ở TDP 7 (Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) một người say mê đọc sách báo hàng ngày.
Ông Trương Duy Nguy ở TDP 7 (Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) một người say mê đọc sách báo hàng ngày.

Ông Trương Duy Nguy (sinh 1944), trú tại tiểu khu 7 (phường Đồng Sơn, Tp. Đồng Hới). Là một tài xế thuộc Ty Giao thông Quảng Bình, nghỉ hưu, ông có một tủ sách “quý hơn vàng”, như lời ông nói. Hàng tháng, ngoài việc ông đặt mua thường xuyên báo “An ninh thế giới” (giữa tháng, cuối tháng) và Tạp chí “Hồn Việt” (của Hội Nhà văn Việt Nam), ông còn bỏ ra từ ba trăm đến bốn trăm ngàn đồng để mua sách về đọc. Những cuốn sách lịch sử Việt Nam, tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam nổi tiếng, trong tủ sách của ông đều có cả.

Anh Hồ Ngọc Thắng, trú tại thôn 3, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, hiện là giám đốc phòng lưu trữ tư liệu của  UBND tỉnh Quảng Bình. Anh có con gái là Hồ Nguyễn Bình An, học sinh lớp chuyên Địa, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Anh cho biết, con gái anh rất đam mê đọc sách báo. Hàng ngày, Bình An luôn dành hơn hai giờ để đọc sách. Những sách mà em mê đọc là tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam. Những loại báo, tạp chí như Báo Quảng Bình, Tạp chí Nhật Lệ, con gái anh không bỏ sót. Tiếp xúc với Hồ Nguyễn Bình An, cho cháu biết: “Sách và báo là những kênh thông tin mới của cháu”.

Những dẫn chứng trên đây đã nói lên một điều, mặc dầu phương tiện nghe, nhìn đang rầm rộ phát triển, nhưng văn hóa đọc vẫn tồn tại, phát triển trong đời sống con người. Đọc sách, báo vẫn là niềm đam mê của nhiều người.     

Hồ Ngọc Diệp