.

Đón bằng công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là Di sản của nhân loại

Thứ Hai, 03/04/2017, 09:16 [GMT+7]

Tối 2-4, tại Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hình thức diễn xướng dân gian là nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
                         Hình thức diễn xướng dân gian là nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của người dân Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt, vì thế phải cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển di sản trong đời sống nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương và cộng đồng.

Việc Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại một mặt sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người rồi quy y Phật giáo, được tôn vinh làm “Mẫu nhi thiên hạ.”

Từ thế kỷ 16, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và trong tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng Thánh Mẫu.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan điểm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Sức mạnh và ý nghĩa của thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt./.

Theo Công Luật (TTXVN/Vietnam+)