.

Văn La với lễ tảo mộ làng

Thứ Bảy, 11/03/2017, 11:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuốn “Âm vang một miền quê”, tác giả Lê Trọng Duận đã tự hào viết rằng bao nhiêu nét đẹp đều tụ đọng ở làng quê ấy – làng Văn La (Quảng Ninh) – một trong “bát danh hương” của đất Quảng Bình. Không chỉ ông, người Văn La còn tự hào bởi chính trên mảnh đất này, hàng trăm năm nay vẫn tồn tại một nghĩa trang quy tập biết bao ngôi mộ vô danh. Và họ, vẫn ngày ngày chăm sóc những mộ phần cô độc ấy như một nét đẹp văn hóa truyền đời.

Xưa, trong cuốn sách viết về danh nhân Hoàng Kế Viêm, cụ Nguyễn Tú đã viết: “Văn La có nhiều phong tục, ngược với nhiều vùng trong huyện, ví như nhà nào có người chết thì trong tang lễ không được mổ lợn, dọn làng trong khi chôn cất người quá cố, có nghĩa là không có chuyện ăn đám”. Nói thế để hiểu làng quê “bát danh hương” ấy có những nét đẹp văn hóa hiếm gặp. Nó như một di sản thiêng liêng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tục thờ cúng của người Văn La cũng có nhiều nét riêng biệt. Nơi đây có những tập tục, những sinh hoạt văn hóa độc đáo gắn với ngày kỵ chạp, ngày lễ, như: khai sơn, xuân tế, thu tế, kỳ phúc, tống na, tảo mộ làng...

 Theo các vị cao niên, đây là mộ của các vị tướng chết trong thời Trịnh Nguyễn.
Theo các vị cao niên, đây là mộ của các vị tướng chết trong thời Trịnh Nguyễn.

Mộ làng của làng Văn La có tên là Nghĩa Trũng. Đến những cụ cao niên trong làng cũng không rõ cái tên đặc biệt ấy có từ bao giờ và vì sao lại đặt như thế? Bởi mộ làng không phải được đặt nơi một vùng đất thấp trũng mà xây dựng ở một khoảng đất hơn 2.000 m2 trên một quả đồi cao đầu làng. Hàng trăm năm nay, nơi đây trở thành chốn chôn cất, hương khói của những ngôi mộ vô chủ. Đó là những linh hồn vô thừa nhận, những người vô gia cư, những người tuyệt tự, cả những bộ hài cốt thu nhận được trong quá trình cải tạo, mở rộng đất.

Làng Văn La xưa thường tổ chức lễ tảo mộ làng vào dịp 24 tháng chạp hằng năm. Lệ xưa, ba năm liền những ngôi mộ không có người chăm sóc, thăm viếng, không ai chạp mộ thường xuyên thì đến ngày tảo mộ làng, làng sẽ chi phí làm thủ tục cho việc cất bốc, di dời và tập kết các ngôi mộ đó vào Nghĩa Trũng. Là người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu về mảnh đất Văn La xưa, ông Lê Trọng Duận cho rằng quy trình đưa mộ vào Nghĩa Trũng của làng thường có ba bước. Năm đầu, làng sẽ thông báo cho dân làng, họ hàng các dòng tộc và cả người ngoài làng khi đi tảo mộ, nếu phát hiện những ngôi mộ nhiều năm không có ai chăm lo vun đắp, làm cỏ, phát cây thì báo cho làng biết. Bước tiếp là làng tổ chức cắm thẻ, đánh dấu các mộ sẽ di dời về Nghĩa Trũng. Sau một năm cắm thẻ, nếu không có người nhà đến nhận thì ngôi mộ đó sẽ được cất bốc. Trong năm thứ 3, cũng là bước cuối cùng là sáng 24 tháng chạp, hương lý trong làng giao cho từng tổ đinh tráng các hòm gỗ hoặc tiểu sành, hương hoa, giấy ngũ sắc... thực hiện cất bốc số mồ đã được kiểm kê. Theo giờ quy định, hài cốt được tập trung về mả làng mai táng trong ngày lễ tảo mộ làng. Cứ thế, sau mỗi mùa tảo mộ, số mộ ở Nghĩa Trũng ngày một lớn dần lên.

Đó là tập tục được hình thành trong thời kỳ phong kiến và người Văn La vẫn duy trì mãi cho đến tận hôm nay. Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, số mộ ở đây tăng dần lên. Phần lớn họ là những người bị chết do bom đạn nhưng không có người thân thích. Hòa bình lập lại, trong quá trình xây dựng, mở rộng các công trình dân sinh, khi phát hiện những bộ hài cốt nằm lẩn khuất trong đất, người Văn La và cả người dân các vùng lân cận lại quy tập về khu nghĩa trang đặc biệt này. Đến giờ, Nghĩa Trũng trở thành nơi quy tụ của hơn 1.000 ngôi mộ đất, chia thành 20 dãy. Họ là những số phận kém may mắn, cô độc trong những phút cuối đời. Trong khu nghĩa địa này, có một vài ngôi mộ hiếm hoi được xây bằng bê tông, phía trên khắc nhiều dòng chữ Hán đã khá mờ nhạt. Theo các cụ cao niên trong làng thì đó là mộ của hai vị tướng chết trong thời chiến tranh Trịnh Nguyễn. Bằng tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn, người dân Văn La ngày đó đã quy tập hai ngôi mộ ấy vào Nghĩa Trũng, xây cất cẩn thận. Đến hôm nay, dẫu chẳng rõ chủ nhân của những ngôi mộ đã phủ màu thời gian ấy là ai, quê quán nơi đâu nhưng người Văn La vẫn chăm chút hương khói chu đáo, nhất là trong những dịp lễ, Tết.

Hàng năm, những ngôi mộ vô danh vẫn luôn được người Văn La hương khói chu đáo.
Hàng năm, những ngôi mộ vô danh vẫn luôn được người Văn La hương khói chu đáo.

Nhiều năm trở lại đây, con cháu làng Văn La đã quyên góp tu bổ lại phần đài thờ tự vốn đã bị xuống cấp trong những năm tháng chiến tranh. Đài thờ chia làm ba bậc để hương đèn, lễ vật lúc cúng giỗ. Từ đài thờ hướng về phía dưới có một lối đi rộng 1,2 mét được đúc bằng bê tông chia vùng mộ thành hai khu tương xứng. Nơi đây cũng là địa điểm để sau lễ tảo mộ, người Văn La lại tụ họp, hàn huyên, cùng uống chén rượu để sẻ chia cùng nhau những buồn vui trong một năm mưu sinh vất vả.   

Những biến thiên, đổi dời của lịch sử vẫn không làm đổi thay những nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất có địa thế được ví như “long đáo địa” (rồng lên ở cạn) này. Với người Văn La, tảo mộ làng vẫn hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của họ ngay cả khi chiến tranh, giặc giã, hay khi mất mùa, đói kém. Mỗi khi đến ngày 24 tháng chạp, từ sáng sớm, người Văn La từ già, trẻ, trai, gái đều tập trung ra Nghĩa Trũng để bắt đầu phát cây, làm cỏ, be đắp lại những phần mộ bị sụt lở mà không cần biết người nằm dưới mộ là ai, có là người thân thích? Sau đó sẽ là các thủ tục, nghi lễ hương khói, cúng bái. Không ai bảo ai, từng tốp người bắt đầu tản ra thắp hương trên những nấm mộ vô danh. Mùi khói hương nghi ngút vẫn đủ sức làm ấm lại cái không khí giá lạnh của những ngày giáp Tết.

Trong lễ tảo mộ làng Văn La, chủ lễ thường là trách nhiệm của người đứng đầu làng: xưa là lý trưởng, nay là trưởng thôn, có nhiều năm, công việc ấy thường được giao cho người cao niên, trưởng họ tộc có uy tín. Dẫu lễ cúng không phải là mâm cao, cỗ đầy nhưng thể hiện tấm lòng thành kính cho những người đã khuất. Bởi người Văn La tin rằng những nghĩa cử chân tình ấy sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những linh hồn vô danh bất hạnh.  

Ngọc Minh