.

Chiếu phim lưu động: Qua rồi thời hoàng kim

Thứ Tư, 15/03/2017, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong xã hội công nghệ thông tin nghe, nhìn phát triển như hiện nay, nhà nhà có ti vi, ipad, lớp trẻ điện thoại thông minh cầm tay, chỉ cần lướt nhẹ ngón tay trên màn hình là cả thế giới hiện về trong tầm mắt muốn gì cũng có, xem gì cũng đáp ứng ngay liền: tin tức, phim ảnh, thể thao...

Vấn đề này thách thức đến việc tổ chức chiếu phim trên địa bàn miền núi hiện nay, số buổi chiếu, số lượt người xem bị sút giảm hẳn.

Mỗi khi đọc lại những trang sử hào hùng của ngành phát hành phim và chiếu bóng trong lòng tôi lại xốn xang câu hỏi vì sao, nguyên nhân nào mà ngành chiếu bóng vẫn vững vàng tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ. Có thể nói đó là nhờ chất lượng của các buổi chiếu phim lưu động. Đúng vậy, chỉ có chất lượng buổi chiếu tốt mới duy trì được mối quan hệ tương tác thủy chung giữa người xem và màn ảnh, mới duy trì được ánh sáng của nghệ thuật thứ bảy trong lòng công chúng, mới duy trì sự tồn tại không thể khác của ngành chiếu bóng.

Vào những năm hòa bình mới lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đoàn chiếu bóng, đi đến đâu cũng được nhân dân tưng bừng chào đón. Không tuyên truyền quảng cáo vậy mà tối đến người dân xung quanh bán kính năm bảy cây số vẫn ùn ùn đổ về sân bãi đông nghịt để xem phim. An ninh trật tự giữ vững. Ông chủ tịch xã có vài lời về chủ trương, chính sách của Nhà nước, của địa phương, anh thuyết minh giới thiệu nội dung phim. Buổi chiếu bắt đầu, người xem hứng thú... Phim ảnh từ đây đi vào cuộc sống như món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Buổi chiếu phim ở bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Buổi chiếu phim ở bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Rồi những năm chiến tranh ác liệt, đội chiếu bóng lưu động vẫn thế, cỗ máy chiếu phim vẫn thế, tuy có nhạt nước sơn nhưng vẫn miệt mài phục vụ bộ đội, nhân dân. Phim chiếu ban ngày trong nhà kho hợp tác xã , phim chiếu trong hầm, chiếu trên trận địa pháo, phim về thôn bản, phim át tiếng bom, làm vơi nỗi buồn mất mát... Phim ảnh góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang. Những người chiếu bóng trở thành chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa, rất đáng tự hào.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một dải, số đội chiếu bóng lưu động tăng lên cùng với nhu cầu phục vụ. Từ đây chất lượng chiếu phim lưu động được quan tâm đầu tư đúng hướng, cán bộ kỹ thuật, cán bộ tuyên truyền thuyết minh được đào tạo bài bản. Cách thức tổ chức buổi chiếu chuyên nghiệp hơn, công tác tuyên truyền đặc biệt chú ý nâng cao. Hàng trăm bộ phim truyện, tài liệu, hoạt hình với nhiều đề tài, thể loại khác nhau được chọn lọc phù hợp phục vụ cho từng đối tượng. Phim ảnh trở thành người bạn thân thiết của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đây rất nhiều tổ bạn điện ảnh ra đời gắn bó mật thiết với đội chiếu bóng lưu động, mỗi tổ bạn điện ảnh chính là tập thể chi đoàn thanh niên địa phương, họ nhiệt tình, năng động trong các phong trào thi đua học tập và làm theo phim, là một phần tạo nên chất lượng của chiếu phim lưu động. Những người chiếu bóng thời kỳ này hẳn còn tiếc nuối... giá như trở lại ngày... xưa ấy!

Mỗi thời mỗi khác, đất nước đổi mới, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, người dân có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, điện về đến thôn bản, truyền hình phủ sóng, phim ảnh, ca nhạc đưa đến tận nhà, đời sống tinh thần thêm phong phú. Sự thay đổi ngoạn mục đó buộc hoạt động chiếu bóng phải điều chỉnh lại cho phù hợp, các đội lưu động chuyển dịch địa bàn từ đồng bằng lên miền núi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tuy suốt những năm qua chiếu bóng lưu động, vẫn đạt nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, xóa điểm trắng điện ảnh vùng sâu vùng xa, nhưng tư duy phục vụ vẫn chưa thể bứt phá ra khỏi lối mòn “a lô kính mời” để vươn lên tầm cao mới. Nguyên nhân là do các đội chiếu bóng chỉ biết quan tâm nhiều đến hoàn thành kế hoạch buổi chiếu cơ học mà vô tình sao nhãng chiều sâu của chất lượng chiếu phim lưu động. Buổi chiếu chưa phối hợp thường xuyên với lực lượng chi đoàn thanh niên địa phương để phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, buổi chiếu thiếu vắng những tiết mục văn nghệ góp vui của quần chúng mà nòng cốt chính là thanh niên. Vẫn thiếu vắng những buổi chiếu lộng lẫy, hoành tráng bằng cổ động trực quan, khẩu hiệu, băng cờ rực rỡ lung linh dưới ánh đèn nhiều màu sắc, còn thiếu những buổi chiếu phối hợp với đội văn nghệ xung kích của Phòng Văn hóa thông tin trên địa bàn huyện để tạo điểm nhấn, tiếng vang thu hút đông đảo người xem. Nói chung còn thiếu sự liên doanh liên kết để viết lên thương hiệu chiếu bóng lưu động Quảng Bình.

Nói về chất lượng chiếu bóng, thiết nghĩa phải có sự chỉ đạo thống nhất từ các cấp lãnh đạo, nên giảm số buổi chiếu kế hoạch xuống còn 2/3 hoặc 1/2  để có kinh phí đầu tư cho chất lượng; đầu tư cho công tác tuyên truyền; liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, Phòng Văn hóa thông tin, đầu tư phương tiện vận chuyển; không chiếu dàn trải ở các điểm thôn mà tổ chức buổi chiếu tại trung tâm, phấn đấu mỗi buổi chiếu là ngày hội, là sân chơi văn hóa sống động, vui vẻ, là buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư bổ ích.

Thu Bình